Người dân Afghanistan lo sợ Taliban sẽ diễn giải chặt chẽ và áp dụng luật Sharia hà khắc như trong quá khứ.

Luật Sharia: Nỗi sợ của người dân Afghanistan

Cẩm Bình | 21/08/2021, 17:56

Người dân Afghanistan lo sợ Taliban sẽ diễn giải chặt chẽ và áp dụng luật Sharia hà khắc như trong quá khứ.

Được biết đến rộng rãi như luật Hồi giáo, Sharia - trong tiếng Ả Rập nghĩa là “con đường” hoặc “luật pháp” - có nguồn gốc từ kinh Quran, Sunnah và Hadis (văn bản ghi chép về nhà tiên tri Muhammad), Qiyas (văn bản diễn giải cho 2 văn bản trên) cùng Ijma (thỏa thuận nhất trí giữa các học giả đạo Hồi về nhiều vấn đề pháp lý).

Khi đạo Hồi được truyền bá đến nhiều khu vực và quốc gia khác nhau, những lời dạy về kinh Quran, Sunnah và Hadis được giải thích, lập luận và hòa trộn với văn hóa bản địa. Tác động của Sharia đến luật hiện hành ở từng nước trong thời hiện đại cũng thay đổi.

lsharia.jpg
Sharia bao quát nhiều khía cạnh cuộc sống - Ảnh: The Daily Beast

Sharia chia hành vi phạm tội thành vài nhóm sau:

Hudud: Hành vi hoàn toàn bị cấm theo đạo Hồi như quan hệ bất hợp pháp (ngoại tình, thông dâm), vu cáo quan hệ bất hợp pháp vô căn cứ, uống rượu, trộm cướp. Hình phạt cho loạt tội này rất nặng – từ đánh roi, ném đá đến chặt tay chân, hành quyết.

Qisas: Gồm hành vi như giết người (cố ý lẫn vô ý), gây thương tích (cố ý lẫn vô ý), cưỡng dâm – thuộc loại tội chống lại cá nhân chứ không chống lại đấng tối cao (Hudud).

Tội giết người có thể bị tử hình, tuy nhiên qisas lại tùy thuộc vào quyết định của nạn nhân hoặc người nhà nạn nhân. Họ có quyền chọn nhận bồi thường và ân xá cho kẻ gây án.

Tazir: Gồm hành vi không tuân thủ nguyên tắc do Sharia đặt ra như ăn thịt lợn, nói năng tục tĩu, ăn mặc hở hang,… Sharia không quy định hình phạt cụ thể, trừng phạt người phạm tazir thuộc quyền của thẩm phán. Điều này khiến các nguyên tắc cơ bản của Sharia được diễn giải khác nhau ở từng quốc gia.

Như vậy có thể thấy Sharia bao quát nhiều khía cạnh cuộc sống. Trên thế giới hiện có khoảng 50 quốc gia chấp nhận một phần Sharia, chỉ 8 quốc gia thiết lập hệ thống luật cá nhân cùng luật hình sự dựa trên Sharia đầy đủ.

Ả Rập Saudi, Iran, Brunei, Afghanistan, Indonesia, Sudan, Pakistan, Nigeria, Qatar còn tiến hành trừng phạt kiểu Hudud với tội phạm. Sharia là cơ sở của toàn bộ luật pháp Ả Rập Saudi, trừng phạt kiểu Hudud diễn ra nơi công cộng khá phổ biến, chỉ tới gần đây Riyadh mới cho phép phụ nữ lái xe và ra ngoài không cần nam giới đi cùng.

lsharia1.png
Trừng phạt kiểu Hudud vẫn được áp dụng tại một số nước - Ảnh: The Rojak Daily

Khi cầm quyền tại Afghanistan giai đoạn 1996-2001, Taliban diễn giải chặt chẽ và áp dụng luật Sharia rất hà khắc. Phụ nữ bị cấm học hành hoặc làm việc, thậm chí không được rời khỏi nhà nếu không có người thân là đàn ông đi cùng, ra đường phải che mặt; đàn ông bị cấm tỉa râu; hành quyết, chặt tay kẻ trộm cắp, ném đá phụ nữ bị buộc tội ngoại tình diễn ra công khai,... Nhân quyền - đặc biệt là quyền tự do bình đẳng của phụ nữ - mang tính phổ quát trên toàn thế giới bị vi phạm nghiêm trọng.

Taliban thời gian qua thể hiện thái độ ôn hòa khi đưa ra nhiều cam kết như bảo vệ tính mạng và tài sản người dân, ân xá cho người bên kia chiến tuyến, đảm bảo duy trì cuộc sống bình thường, tôn trọng quyền phụ nữ. Tuy nhiên có không ít thông tin cho thấy điều ngược lại.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
4 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật Sharia: Nỗi sợ của người dân Afghanistan