Theo Live Science, một tên lửa mang theo vệ tinh giám sát của lực lượng không gian Mỹ có thể đã tạo ra một lỗ hổng trên tầng điện ly khi được phóng vào không gian.

Lực lượng không gian Mỹ vô tình đục thủng một lỗ trên bầu khí quyển

Hoàng Vũ (theo Live Science) | 23/09/2023, 11:48

Theo Live Science, một tên lửa mang theo vệ tinh giám sát của lực lượng không gian Mỹ có thể đã tạo ra một lỗ hổng trên tầng điện ly khi được phóng vào không gian.

Firefly Aerospace, một công ty có hợp đồng với lực lượng không gian Mỹ đã phóng một tên lửa Alpha từ Căn cứ lực lượng không gian Vandenberg ở bang California hôm 14.9. Vụ phóng không được công bố rộng rãi hoặc phát trực tiếp, khiến cộng đồng thám hiểm không gian hoàn toàn bất ngờ.

Tên lửa của Firefly Aerospace mang theo vệ tinh Victus Nox (tiếng Latinh có nghĩa là "chinh phục màn đêm") của lực lượng không gian, thực hiện sứ mệnh "nhận thức về miền không gian" để giúp lực lượng không gian Mỹ theo dõi những gì đang xảy ra trong môi trường quỹ đạo.

ten-lua-khong-gian-my.png
Tên lửa Alpha mang theo vệ tinh Victus Nox được phóng từ Căn cứ lực lượng không gian Mỹ Vandenberg vào ngày 14.9 - Ảnh: Firefly Aerospace

Tên lửa đã bất ngờ thu hút sự chú ý của công chúng sau khi tạo ra một luồng khí thải khổng lồ có thể nhìn thấy từ khoảng cách hơn 1.600km. Tuy nhiên, sau khi đám khói tan đi, một quầng sáng đỏ mờ vẫn còn trên bầu trời. Đây là dấu hiệu nhận biết rằng tên lửa đã tạo ra một lỗ hổng trong tầng điện ly - một phần bầu khí quyển của Trái đất nơi các chất khí bị ion hóa nằm ở khoảng cách cách mực nước biển từ 48km đến 965km, theo Spaceweather.com.

Đây không phải là "lỗ thủng tầng điện ly" đầu tiên được quan sát thấy trong năm nay. Vào tháng 7, vụ phóng tên lửa SpaceX Falcon 9 đã tạo ra một mảng màu đỏ khổng lồ như máu trên bầu trời bang Arizona, có thể quan sát từ hàng trăm km.

Live Science cho biết, các vụ phóng tên lửa thường tạo ra các lỗ thủng trên tầng điện ly khi nhiên liệu trong giai đoạn hai bị đốt cháy. Ở độ cao 200 đến 300km, carbon dioxide và hơi nước từ khí thải của tên lửa kết hợp với các nguyên tử oxy bị ion hóa hình thành trở lại các phân tử oxy bình thường. Quá trình này kích thích các phân tử và khiến chúng phát ra năng lượng dưới dạng ánh sáng. Điều này tương tự như cách hình thành cực quang.

Theo các nhà khoa học, các lỗ thủng này không gây nguy hiểm cho con người trên mặt Trái đất và chúng sẽ tự nhiên vá lại trong vòng vài giờ khi các nguyên tử kết hợp được tái ion hóa.

Firefly Aerospace đã ký hợp đồng phóng Victus Nox vào tháng 10.2022. Công ty này cho biết họ được lực lượng không gian Mỹ yêu cầu rằng sẽ phải phóng vệ tinh vào một thời điểm không xác định trong tương lai với việc thông báo sớm không quá 24 giờ. Để làm được điều này, nhóm phóng thực hiện nhiều thao tác phức tạp như phải cập nhật thường xuyên phần mềm quỹ đạo của tên lửa, đưa vệ tinh lên bệ phóng, đặt vào tên lửa và thực hiện các bước kiểm tra cuối cùng trong thời gian nhanh nhất. Thậm chí, thời tiết xấu khiến kế hoạch phóng muộn hơn dự định.

“Mục đích của sứ mệnh là chứng minh khả năng của Mỹ trong việc nhanh chóng đưa các công cụ vào quỹ đạo bất cứ khi nào và ở đâu khi cần, đảm bảo chúng tôi có thể tăng cường khả năng không gian của mình mà không cần thông báo nhiều", trung tá MacKenzie Birchenough, một sĩ quan với Bộ chỉ huy Hệ thống Không gian của lực lượng không gian Mỹ, cho biết vào năm ngoái khi sứ mệnh trên được công bố lần đầu tiên.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lực lượng không gian Mỹ vô tình đục thủng một lỗ trên bầu khí quyển