Giới quan sát nhận định vì Lãnh sự quán Thành Đô là cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ quy mô nhỏ nên mới bị chọn làm mục tiêu trả đũa.
Bên cạnh Đại sứ quán ở Bắc Kinh, Mỹ có 5 lãnh sự quán lần lượt đặt tại Thành Đô, Vũ Hán, Thẩm Dương, Thượng Hải, Quảng Châu.
Bắt đầu hoạt động từ năm 1985, Lãnh sự quán Thành Đô thành lập trễ hơn các cơ quan đại diện ngoại giao khác trừ Lãnh sự quán Vũ Hán. Nơi đây có 5 phòng ban và 130 nhân viên (phần lớn là người địa phương).
Đơn vị này phụ trách hoạt động lãnh sự và ngoại giao của Mỹ ở vùng tây nam Trung Quốc gồm các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, thành phố Trùng Khánh, khu tự trị Tây Tạng – khu vực có ít công dân và doanh nghiệp Mỹ.
Trung Quốc hôm 24.7 chính thức trả đũa việc Mỹ yêu cầu đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston bằng yêu cầu đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô. Tuy nhiên giáo sư quan hệ quốc tế Lý Hải Đông thuộc Học viện Ngoại giao Trung Quốc nhận xét phía giới chức Bắc Kinh vẫn cố không làm căng thẳng leo thang quá nhanh khi chọn một cơ quan đại diện ngoại giao quy mô nhỏ.
Mặc dù kinh tế kém phát triển hơn các khu vực khác, nhưng vùng tây nam vẫn có ý nghĩa to lớn về chính trị. Phần lớn người dân tộc Tạng đều sinh sống tại đây và Lãnh sự quán Thành Đô là điểm gần nhất để Mỹ có thể tiếp cận Lhasa (thủ phủ khu tự trị Tây Tạng). Trung Quốc luôn từ chối cho Mỹ lập cơ quan đại diện ngoại giao tại Lhasa.
Năm 2013, “người thổi còi” Edward Snowden tiết lộ Lãnh sự quán Thành Đô thuộc số cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ có cơ sở giám sát. Một năm sau nơi đây trở thành tâm điểm truyền thông khi trở thành nơi trú ẩn tạm thời của cựu Phó thị trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân đang chạy trốn cấp trên là cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai – sự kiện mở đầu cho đại án tham nhũng chấn động Trung Quốc.
Cẩm Bình (theo SCMP)