Hôm 8.12, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ thêm 8 nhà hoạt động vì các cuộc biểu tình chống chính quyền vào năm ngoái, động thái mới nhất trong chiến dịch trấn áp không ngừng các lực lượng đối lập ở thành phố do Trung Quốc cai trị.

Mặc Mỹ trừng phạt, Hồng Kông bắt thêm nhà hoạt động kỳ cựu 'Tóc dài' và 7 người khác

Nhân Hoàng | 08/12/2020, 10:40

Hôm 8.12, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ thêm 8 nhà hoạt động vì các cuộc biểu tình chống chính quyền vào năm ngoái, động thái mới nhất trong chiến dịch trấn áp không ngừng các lực lượng đối lập ở thành phố do Trung Quốc cai trị.

Theo Reuters, cảnh sát Hồng Kông không xác định danh tính những người này, chỉ nói rằng họ ở độ tuổi từ 24 đến 64. 

Truyền thông địa phương cho biết nhà hoạt động kỳ cựu Leung Kwok-hung (biệt danh Tóc dài) nằm trong số những người bị bắt.

Trong ngày Quốc khánh Trung Quốc (1.10), Leung Kwok-hung cùng 3 thành viên khác của Liên minh Xã hội dân chủ đã tuần hành với biểu ngữ: “Không có lễ kỷ niệm ngày quốc khánh, chỉ có quốc tang” dưới sự giám sát của cảnh sát. 4 là số người lớn nhất được phép theo tụ tập ở Hồng Kông theo các hạn chế của coronavirus.

canh-sat-hong-kong-bat-nha-hoat-dong-ky-cuu-toc-dai.jpg
Cảnh sát theo sát Leung Kwok-hung (cầm mic) và 3 thành viên Liên minh Xã hội dân chủ​ tuần hành trong ngày Quốc khánh Trung Quốc - ảnh: Reuters

Hôm qua, 8 người nam trong độ tuổi từ 16 đến 34 bị cảnh sát bắt sau khi tham gia cuộc biểu tình ngắn tại khuôn viên Trường đại học Trung văn Hương Cảng (CUHK) vào tháng trước.

Theo Reuters, cảnh sát cho biết 8 người này bị bắt vì tụ tập bất hợp pháp tại Đại học Trung văn Hương Cảng và 3 người trong số họ không phải là sinh viên của trường cũng bị bắt vì tội kích động ly khai do vi phạm luật an ninh quốc gia. Những người bị bắt bao gồm các nhân viên xã hội và ủy viên hội đồng cấp huyện.

Khoảng 90 sinh viên sắp tốt nghiệp, nhiều người mặc áo choàng đen, đeo mặt nạ Guy Fawkes và mang theo bóng bay đen, đã tổ chức cuộc biểu tình ôn hòa vào tháng trước trong khuôn viên rộng lớn của trường đại học, nơi họ mang theo các biểu ngữ chống chính quyền và hô vang các khẩu hiệu dân chủ.

Chúng tôi chỉ bắt giữ những người hô khẩu hiệu và treo cờ liên quan đến một số lo ngại về an ninh quốc gia”, Steve Li, Giám đốc cấp cao Cục An ninh Quốc gia, cho biết tại một cuộc họp báo, đề cập đến các khẩu hiệu được coi là ủng hộ độc lập.

Các quan chức từ bộ an ninh quốc gia đã đến trường để tìm kiếm bằng chứng rõ ràng sau khi trường đại học liên hệ với nhà chức trách.

Trong những tuần gần đây, Hồng Kông đã sa thải các nhà lập pháp đối lập, bỏ tù các nhà hoạt động nổi tiếng như Joshua Wong và từ chối bảo lãnh cho ông trùm truyền thông Jimmy Lai (73 tuổi, nhà phê bình Bắc Kinh, người sở hữu tờ báo chống chính quyền là Apple Daily).

Bắc Kinh đã áp đặt luật với Hồng Kông vào tháng 6, nói rằng điều quan trọng là phải bịt các lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ an ninh quốc gia bị lộ ra sau nhiều tháng diễn ra các cuộc biểu tình bạo lực chống quyền và chống Trung Quốc làm rung chuyển thành phố trong năm qua.

Luật pháp trừng phạt những gì Bắc Kinh gọi là ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với các lực lượng nước ngoài với mức án tù chung thân.

Các chính trị gia đối lập và chính phủ phương Tây lo ngại luật này đang được sử dụng để trấn áp bất đồng chính kiến ​​và làm xói mòn các quyền tự do trên diện rộng được đảm bảo cho Hồng Kông khi Anh giao lại thành phố này cho Trung Quốc vào năm 1997.

Hôm 7.12, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt tài chính và lệnh cấm đi lại với 14 quan chức Trung Quốc vì đóng vai trò đàn áp các nhà lập pháp đối lập ở Hồng Kông.

Lệnh trừng phạt nhắm vào các Phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc (NPCSC), cơ quan ra quyết định hàng đầu của cơ quan lập pháp Trung Quốc, khiến thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm.

Biện pháp trừng phạt là cấm 14 cá nhân và người thân của họ đến Mỹ. Bất kỳ tài sản nào mà 14 quan chức này có ở Mỹ sẽ bị phong tỏa. Các cá nhân và công ty Mỹ sẽ bị cấm giao dịch với họ.

Tin tức trên khiến thị trường toàn cầu sôi sục khi các nhà đầu tư lo lắng về những căng thẳng mới giữa Trung - Mỹ.

Tháng trước, chính quyền Hồng Kông đã cách chức 4 thành viên đối lập khỏi cơ quan lập pháp của mình sau khi Quốc hội Trung Quốc trao cho chính quyền thành phố quyền hạn mới để kiềm chế bất đồng.

Bốn nhà lập pháp thuộc phái ủng hộ dân chủ gồm Alvin Yeung, Kwok Ka-ki, Dennis Kwok và Kenneth Leung đã bị mất tư cách nghị sĩ Hội đồng Lập pháp ngay lập tức sau khi Bắc Kinh thông qua “Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc về vấn đề tư cách của nghị sĩ Hội đồng Lập pháp Đặc khu Hành chính Hồng Kông”.

Theo đó, nghị quyết này cho phép chính quyền Hồng Kông truất ghế lập tức các nghị sĩ của cơ quan lập pháp bị cho thúc đẩy hoặc ủng hộ khái niệm độc lập Hồng Kông, từ chối tán thành đất nước tiếp quản chủ quyền với Hồng Kông, tìm kiếm hoặc lôi kéo thế lực nước ngoài can thiệp vào công việc của đặc khu và tham gia hành vi gây tổn hại cho an ninh quốc gia.

Động thái trên khiến 15 nhà lập pháp đối lập ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông đồng loạt từ chức.

Việc này cũng làm tăng thêm báo động ở phương Tây. Nhóm chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes, bao gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand, cho biết vào tháng trước động thái này dường như là một phần của chiến dịch bịt miệng những nhà phê bình và kêu gọi Trung Quốc đảo ngược hướng đi.

Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách trung ương Trung Quốc xem xét lại các hành động của họ chống lại cơ quan lập pháp được bầu của Hồng Kông và ngay lập tức phục hồi các thành viên hội đồng lập pháp”, Ngoại trưởng Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand cho biết trong một tuyên bố chung.

Tháng 8.2020, Mỹ đã đưa ra các biện pháp trừng phạt với Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông – Lâm Trịnh Nguyệt Nga, cảnh sát trưởng hiện tại, cựu cảnh sát trưởng và các quan chức hàng đầu khác ở thành phố này vì đóng vai trò hạn chế các quyền tự do trong cuộc đàn áp phong trào ủng hộ dân chủ.

Tháng 11.2020, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính đã áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với 4 quan chức Trung Quốc trong chính phủ và cơ sở an ninh Hồng Kông, cấm đến Mỹ và phong tỏa mọi tài sản liên quan đến Mỹ của họ.

Bắc Kinh trước đây đã lên án các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan đến Hồng Kông, gọi đó là sự can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Ngày 7.12, Trung Quốc tuyên bố kiên quyết phản đối và lên án mạnh mẽ sự can thiệp của Mỹ vào các vấn đề trong nước sau khi Reuters đưa tin chính quyền Trump đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới với các quan chức Trung Quốc vì đàn áp các nhà lập pháp ở Hồng Kông.

Bà Hoa Xuân Oánh nói nếu Mỹ kiên quyết đi theo con đường sai lầm, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp đáp trả mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền và an ninh của mình.

Bài liên quan
Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand yêu cầu Trung Quốc thôi đàn áp các nhà lập pháp Hồng Kông
Hôm 18.11, Five Eyes (liên minh chia sẻ thông tin tình báo gồm 5 nước Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand) cho biết việc Trung Quốc áp đặt các quy tắc mới để loại các nhà lập pháp được bầu chọn ở Hồng Kông dường như là một phần của chiến dịch bịt miệng các nhà phê bình và kêu gọi Bắc Kinh đảo ngược hướng đi.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mặc Mỹ trừng phạt, Hồng Kông bắt thêm nhà hoạt động kỳ cựu 'Tóc dài' và 7 người khác