Việc OPEC +, do Ả Rập Saudi và Nga khởi xướng cắt giảm sản lượng hai triệu thùng mỗi ngày đã gây ra cú sốc không chỉ cho thị trường năng lượng mà còn cho chính trường Mỹ.

Mải đấu với Nga, Mỹ chịu cú sốc khi tuột dần ảnh hưởng tại Trung Đông

Tá Nhu | 18/10/2022, 12:02

Việc OPEC +, do Ả Rập Saudi và Nga khởi xướng cắt giảm sản lượng hai triệu thùng mỗi ngày đã gây ra cú sốc không chỉ cho thị trường năng lượng mà còn cho chính trường Mỹ.

Bất chấp những phản hồi mới nhất của Riyadh rằng quyết định chỉ dựa trên "những cân nhắc kinh tế", động thái này đã gây ra làn sóng giận dữ trong các thành viên Quốc hội do đảng Dân chủ kiểm soát, những người hiện đang đe dọa đình chỉ việc bán vũ khí cho vương quốc này trong một năm.

Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cũng cho biết Nhà Trắng đang xem xét việc ngừng bán vũ khí. Vì 73% lượng vũ khí nhập khẩu của Saudi đến từ Mỹ, nên đây không phải là lời đe dọa khoa trương.

Ro Khanna, một nghị sĩ đảng Dân chủ từ California, nói với các phóng viên: “Nếu không có các kỹ thuật viên của chúng tôi, máy bay của họ thực sự sẽ không bay… Chúng tôi thực sự chịu trách nhiệm cho toàn bộ lực lượng không quân của họ”.

Điều này đáng ra không nên xảy ra. Những toan tính chiến lược toàn cầu có vẻ dẫn đến những nước đi sai lầm. Mỹ đã mất quyền kiểm soát đối với các đồng minh của mình, đặc biệt là ở Trung Đông và đặc biệt là ở vùng Vịnh.

Hãy lấy nhiệm kỳ của Biden làm minh họa cho việc Mỹ coi quan hệ với Trung Đông là lợi ích chiến lược. Một trong những việc đầu tiên ông làm khi nhậm chức là bổ nhiệm Brett McGurk, một nhà ngoại giao từng phục vụ dưới các đời tổng thống trước, làm điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia về Trung Đông.

McGurk nổi tiếng trong giới chính trị Sunni ở Iraq  vì khá thân thiết với Mohammed bin Salman, thái tử Ả Rập Saudi và sau này là thủ tướng của nước này. McGurk đã lo dàn xếp cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Biden và Mohammed bin Salman bằng cách đàm phán một thỏa thuận giữa Israel, Ả Rập Saudi và Ai Cập về việc chuyển nhượng hai hòn đảo không có người ở nhưng có vị trí chiến lược ở Biển Đỏ là Tiran và Sanafir.

Vậy thì, làm thế nào mà Mohammed bin Salman lại có thể đưa ra quyết định làm khó Tổng thống Biden ngay trước cuộc bầu cử giữa kỳ, nếu McGurk đang làm ổn công việc của mình? Đó là sự hỗn loạn nhưng không phải ở Trung Đông bất ổn, mà là ở các hành lang của Hội đồng An ninh Quốc gia.

Quan hệ Mỹ và Ả Rập Saudi đã trở nên xấu đi đến mức Washington phải đưa ra đe dọa. Đây là điều thực sự không thể tưởng tượng được cách đây 1 năm. Mỹ đã nhịn Ả Rập Saudi để tránh đưa ra chỉ trích nhắm vào thái tử Bin Salman trong vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị ám sát.

Mỹ đã công bố các hạn chế về thị thực đối với 76 người Saudi có liên quan đến vụ ám sát này, nhưng không làm gì chống lại người đàn ông mà cơ quan tình báo Mỹ cho là chủ mưu vụ này.

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết: “Mối quan hệ với Ả Rập Saudi lớn hơn bất kỳ cá nhân nào” và rằng “Những gì chúng tôi đã làm bằng những hành động mà chúng tôi đã thực hiện thực sự không phải để phá vỡ mối quan hệ, mà là để điều chỉnh lại mối quan hệ đó để phù hợp hơn với sở thích và giá trị của chúng tôi.”

Dennis Ross, một cựu nhà đàm phán Trung Đông, đã hoan nghênh Biden vì “cố gắng luồn kim”, nói với New York Times rằng vụ việc là “một ví dụ kinh điển về việc bạn phải cân bằng giữa giá trị và lợi ích của mình”.

Mỹ đã chấp nhận hy sinh giá trị để bảo vệ lợi ích của mình ở Trung Đông. Thế nhưng, giờ Mỹ đang phải nếm trải cảm giác quyền kiểm soát Trung Đông đang rời vòng tay của họ hay ít nhất không nghe lời Mỹ.

Điều khiến Mỹ và các đồng minh ở Trung Đông cách biệt nhau khó hàn gắn là vấn đề kiểm soát giá dầu. Trong bối cảnh thế giới đang thiếu năng lượng thì Mỹ muốn Trung Đông giữ nguyên sản lượng dầu để tạo áp lực ghìm giá dầu Nga, khiến Nga phải nhượng bộ trong vấn đề Ukraine.

Nhưng Ả Rập Saudi sau khi nhận món quà từ Nga (trong việc giúp trao đổi tù binh) đã khiến phương Tây bất ngờ khi từ chối việc giữ mức khai thác. Không chỉ giảm 500.000 thùng mỗi ngày như đồn đoán mà họ giảm sâu 2 triệu thùng. Kế hoạch điều khiển thị trường dầu mỏ thế giới của Mỹ để khống chế xuất khẩu năng lượng từ Nga đã bị suy giảm.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby chua chát thừa nhận: “Trong những tuần gần đây, Saudi đã truyền đạt cho chúng tôi - một cách riêng tư và công khai - ý định giảm sản lượng dầu mà họ biết sẽ làm tăng doanh thu của Nga và làm giảm hiệu quả của các lệnh trừng phạt”.

Điều đáng lo cho Mỹ là các nước Trung Đông lại nghiêng về phía Ả Rập Saudi và đưa ra quyết định có lợi cho Nga chứ không hưởng ứng Mỹ. Tổng thống UAE đã đến thăm Nga hồi tuần trước bất chấp đây là thời điểm nhạy cảm.

Sau đó, Bộ trưởng Năng lượng của UAE, Suhail al-Mazrouei, viết trên Twitter: "Tôi muốn làm rõ rằng quyết định mới nhất của OPEC +, đã được nhất trí thông qua, là một quyết định kỹ thuật thuần túy, KHÔNG có bất kỳ yếu tố chính trị nào".

Chính ông John Kirby cũng than vãn rằng các thành viên OPEC khác nói riêng với Mỹ rằng họ không đồng ý với quyết định của Riyadh, "nhưng cảm thấy bị buộc phải hưởng ứng với chỉ đạo của Saudi". Vậy mà sau đó, một loạt quan chức với đầy đủ tên tuổi, chức danh của Kuwait, Oman, Bahrain lại công khai lên tiếng khẳng định họ hưởng ứng việc cắt giảm sản lượng theo sự nhất trí của khối.

Nói cách khác, khu vực Trung Đông không chấp nhận hy sinh lợi ích của mình để hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ trong việc bao vây siết chặt kinh tế Nga. Không thành công trong việc siết chặt giá dầu Nga là tín hiệu đáng lo nhưng đáng lo hơn với Mỹ là OPEC không còn nghe lời họ, công khai theo đuổi chính sách riêng của mình.

Người Trung Đông, khác với Tây Âu khi chọn không chia sẻ mối quan tâm với người Mỹ trong vấn đề đối phó với Nga. Đáng ra Mỹ phải sớm nhận thức điều đó.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mải đấu với Nga, Mỹ chịu cú sốc khi tuột dần ảnh hưởng tại Trung Đông