Nhóm OPEC + vừa thông báo họ sẽ cắt giảm sản lượng bắt đầu từ tháng 11, để đối phó với sự bất ổn trên thị trường toàn cầu. Lập tức, Washington cáo buộc tổ chức này “đứng về phía Nga” vì quyết định khiến lệnh trừng phạt Nga của phương Tây bị vô hiệu.

Món quà tù binh của Nga phát huy tác dụng: OPEC "ủng hộ Nga" vô hiệu lệnh trừng phạt của phương Tây

Tá Nhu | 06/10/2022, 11:48

Nhóm OPEC + vừa thông báo họ sẽ cắt giảm sản lượng bắt đầu từ tháng 11, để đối phó với sự bất ổn trên thị trường toàn cầu. Lập tức, Washington cáo buộc tổ chức này “đứng về phía Nga” vì quyết định khiến lệnh trừng phạt Nga của phương Tây bị vô hiệu.

Trong một cuộc họp báo ở Vienna vào hôm thứ tư, phóng viên Hadley Gamble của CNBC đã hỏi Bộ trưởng Năng lượng của Ả Rập Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman: "Các vị đang sử dụng năng lượng như một vũ khí?"

Hoàng tử Abdulaziz trả lời lại: “Một câu hỏi rất khiêu khích… mà tôi rất vui được trả lời, Hadley”.

Trong khi các kênh truyền thông khác nhau phỏng đoán rằng OPEC có thể hạn chế sản lượng từ 500.000 đến một triệu thùng mỗi ngày, tổ chức này đã làm tất cả ngã ngửa khi thông báo mức cắt giảm sẽ lên tới hai triệu thùng mỗi ngày, tương đương 2% nhu cầu toàn cầu. Đây là lần cắt giảm lớn nhất kể từ năm 2020, thời điểm các hoạt động trên toàn cầu đình trệ vì COVID-19 đã làm giảm nhu cầu về dầu.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên: “Rõ ràng là OPEC+ với thông báo hôm nay, đang phù hợp với (lợi ích) Nga".

Nhà Trắng cũng đưa ra một tuyên bố của Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Brian Deese, người nói rằng Tổng thống Joe Biden “thất vọng vì quyết định thiển cận” khi cắt giảm sản lượng và ông Biden sẽ “tham khảo ý kiến ​​Quốc hội về các công cụ bổ sung và các nhà chức trách để giảm bớt sự kiểm soát của OPEC đối với giá năng lượng”.

Quyết định của OPEC được đưa ra khi EU đang chuẩn bị công bố một gói trừng phạt mới đối với Moscow, vốn đã cố gắng áp đặt giới hạn giá đối với dầu của Nga thông qua các hạn chế vận chuyển. Theo các quy định mới, các công ty liên quan đến vận chuyển dầu Nga như các chủ tàu, công ty bảo hiểm và bảo lãnh sẽ phải tuân thủ để đảm bảo rằng dầu mà họ đang vận chuyển đang được bán bằng hoặc thấp hơn giá trần. Nếu họ bị bắt quả tang đang giúp Nga bán với giá cao hơn, họ có thể phải đối mặt với các vụ kiện tại nước sở tại vì vi phạm các lệnh trừng phạt.

Áp trần giá dầu là một phần kế hoạch sâu rộng do chính quyền Mỹ đưa ra và G7 đã đồng ý vào tháng trước. Mục đích là khiến giá bán dầu Nga thấp hơn hiện nay, nhưng vẫn cao hơn giá thành sản xuất. Bộ Tài chính Mỹ tính toán rằng biện pháp này sẽ khiến Nga mất đi hàng chục tỉUSD hàng năm.

Để giảm doanh thu từ dầu của Nga, Mỹ, châu Âu và các đồng minh tự mình thực hiện là không đủ mà họ sẽ cần thuyết phục Ấn Độ và Trung Quốc, những nước mua lượng dầu đáng kể của Nga, chỉ mua với giá đã thỏa thuận. Và giờ thì việc thuyết phục coi như khó thực hiện khi nguồn cung bị cắt giảm.

Tổng thư ký OPEC Haitham al-Ghais cho rằng tổ chức này vẫn để “cánh cửa rộng mở” để EU thảo luận về các vấn đề năng lượng. Ông nói: “Tôi đang đợi ai đó gõ cửa. Chúng tôi không gây nguy hiểm cho thị trường năng lượng. Chúng tôi đang cung cấp sự an toàn, ổn định cho thị trường năng lượng".

Khi phóng viên CNBC hỏi, "Ở một mức giá nào?" thì ông Al Ghais trả lời: "Tất cả mọi thứ đều có giá của nó. An ninh năng lượng cũng có giá cả”.

Mọi thứ đều có cái giá của nó và việc OPEC với đầu tàu Ả Rập Saudi bỗng dưng đưa ra quyết định phù hợp với lợi ích của Nga, bất chấp sự tức giận của Mỹ cũng có cái giá của riêng nó.

Như đã đưa tin,  Nga và Ukraine đã thực hiện một cuộc hoán đổi tù nhân vào thứ tư 21.9. Động thái này được Reuters đánh giá là hết sức "bất ngờ".

Đây là cuộc trao đổi lớn nhất kể từ khi cuộc chiến bắt đầu khi có sự tham gia của gần 300 người, bao gồm 10 chiến binh nước ngoài và các chỉ huy phía Ukraine bị bắt ở Mariupol hồi đầu năm nay.

Những người nước ngoài được trao trả bao gồm hai người Anh và một người Maroc đã bị tòa án ở Donbas kết án tử hình vào tháng 6 sau khi bị bắt trong lúc chiến đấu cho Ukraine. Ngoài ra còn có ba người Anh khác, hai người Mỹ, một người Croatia và một người Thụy Điển.

Thời điểm và quy mô của sự hoán đổi đã gây bất ngờ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa tuyên bố huy động một phần quân đội để tăng quân số lên thêm 300.000.

Theo các điều khoản của thỏa thuận, 215 người Ukraine - hầu hết trong số họ bị bắt sau khi Mariupol thất thủ - đã được trao trả, trừ 5 người được cho là thủ lĩnh binh đoàn Azov thì bị đưa sang Thổ Nhĩ Kỳ quản thúc cho đến hết chiến tranh. Họ bao gồm Trung tá Denys Prokopenko, chỉ huy của tiểu đoàn Azov đã thực hiện phần lớn các cuộc giao tranh, và phó của ông, Svyatoslav Palamar. Serhiy Volynsky, chỉ huy Lữ đoàn 36 Thủy quân lục chiến cũng nằm trong số này.

Đổi lại, Ukraine đã gửi lại 55 người Nga và những người Ukraine thân Moscow trong đó có Viktor Medvedchuk, lãnh đạo của một đảng thân Nga ở Ukraine bị chính quyền Kyiv cáo buộc phản quốc.

Nói tóm lại, Nga có vẻ rất thiệt khi đổi hơn 200 người, bao gồm cả các tù binh quốc tịch Anh, Mỹ để đổi lại có 55 người. Nhưng thứ mà Nga có là món quà dành cho Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed Bin Salman vì ông chính là người đóng vai trò trung gian cho vụ trao đổi tù binh.Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cho biết thêm Thái tử Bin Salman đã đích thân đàm phán trong đợt phóng thích hôm 21.9 - một phần của cuộc trao đổi tù nhân quy mô giữa Nga và Ukraine.

Dù có thể rất không ưa nhân vật quyền lực trong Hoàng gia Ả Rập Saudi nhưng cả phía Mỹ, Anh và các nước có công dân được thả trong vụ này đều  phải gửi lời cảm ơn Ả Rập Saudi, mang lại sự tự tôn rất cao cho Thái tử Bin Salman.

Khi đó, chúng tôi viết: "Chúng ta cũng không biết Thái tử Bin Salman đã thuyết phục giới lãnh đạo Nga vụ này thế nào nhưng chắc chắn quan hệ Ả Rập Saudi và Nga trong khối OPEC sẽ được củng cố thêm, đặc biệt là quan hệ trong giới lãnh đạo 2 quốc gia. Trong cuộc chiến năng lượng vào mùa đông tới với phương Tây, Nga cần những đồng minh trên thị trường dầu khí".

Và giờ thì có lẽ chúng ta cũng thấy Nga không hề phí sự thiệt thòi trong vụ trao tù binh từ nửa tháng trước. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Món quà tù binh của Nga phát huy tác dụng: OPEC "ủng hộ Nga" vô hiệu lệnh trừng phạt của phương Tây