Chúng ta đều từng nghe nhiều nhận xét về người song tính (bisexual: người có khả năng cảm thấy hấp dẫn về tình cảm, cảm xúc hay thể chất với cả hai giới/nhiều giới). Những nhận xét thường xoay quanh việc người song tính là người lưỡng lự, không dứt khoát, băn khoăn, muốn đặt “hai chân” ở hai nơi, lăng nhăng, tò mò, nhất thời, đang dần chuyển sang đồng tính hay dị tính, theo mốt, muốn gây chú ý, vân vân.
Với nhiều người, đặc biệt trong chính cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính, chuyển giới: gay, lesbian, bisexual and transgender), người song tính đơn giản là chưa “chọn” một giới tính mà mình thích, một hướng đi lâu dài cho mình.
Nếu đồng tính hay dị tính không phải là lựa chọn, thì cũng tương tự, song tính cũng thế. Dù nhiều người vẫn tin song tính là do muốn “an toàn” khi “có chân” trong cả hai giới, sự thật là thông thường, người song tính cũng chỉ ở bên một người/một giới trong một thời điểm mà thôi.
“Người song tính không chung thủy/lăng nhăng/tham lam. Cuối cùng họ sẽ lấy quan với người khác giới thôi.”
Và một ngày nào đó, họ sẽ bỏ bạn để gắn bó với người giới tính kia. Người đồng tính sợ quen với người song tính, lo rằng họ sẽ chọn cuộc sống dị tính vốn dễ dàng hơn. Người dị tính cũng sợ quen với người song tính, lo rằng họ sẽ không thể hết những cảm giác hấp dẫn với người cùng giới.
Suy đoán này dựa trên logic rằng bạn có thể thích hai giới, nghĩa là bạn có nhiều khả năng thay đổi tình cảm để thích cả hai giới. Một người thích cả rau lẫn thịt không có nghĩa họ là người tham ăn. Nhiều người nhầm giữa việc có khả năng hấp dẫn bởi cả hai giới với hấp dẫn bởi tất cả mọi người. Bởi vì rõ ràng tương tự như người đồng tính không có nghĩa là người gặp người cùng giới nào cũng thích được.
Có khả năng thích hai giới không có nghĩa là sẽ muốn quan hệ một lúc với cả hai giới. Sự chung thủy hay đa tình tùy thuộc vào từng cá nhân, chứ không đánh đồng cho cả một cộng đồng. Bất kể người đồng tính, dị tính hay song tính đều có thể rơi vào bất kì kiểu quan hệ nào: quan hệ đóng, quan hệ mở, quan hệ thuần tình dục, quan hệ có cam kết, vân vân.
Đây là định kiến thường gặp. Người khác thường nhận xét “chắc bạn chỉ là người đồng tính thôi mà bạn chưa biết đấy” hay “tôi nghĩ bạn đang trải nghiệm thôi chứ thật ra bạn là người dị tính.”
Định kiến này thường xuất phát từ những câu chuyện về một số người trước kia nhận mình là dị tính, sau đó chủ động tham gia vào một mối quan hệ đồng tính, rồi nhận mình là song tính. Và do đó, mọi người bắt đầu nghĩ rằng không có những người song tính thật sự.
Lập luận này cũng tương tự “đồng tính là mốt.” Trong khi thực tế có những trường hợp quan hệ đồng tính như một trải nghiệm, vấn đề cốt lõi vẫn là việc đó là “hành vi” chứ không phải “cảm xúc” và cần xác định đâu là điều tự nhiên, đâu là cảm xúc thật sự của họ.
Bạn không cần phải thích phim hài ngang với phim bi thì mới gọi là người yêu phim được. Cũng như bạn thích kẹo ngọt hơn bánh mặn không có nghĩa là bạn là người hảo ngọt.
Một người không nhất thiết phải thích hai giới ngang nhau thì mới gọi là song tính. Cũng như nếu họ thích người cùng giới nhiều hơn thì không có nghĩa có thể quy họ thành người đồng tính.
“Người song tính thì sẽ làm “kèo trên”
Vài người song tính thích sự khác nhau giữa hai giới, một số khác lại không quan tâm đến sự khác biệt. Bất kể trong mối quan hệ cùng giới hay khác giới, việc chủ động dẫn dắt mối quan hệ tùy thuộc nhiều vào tính cách của hai người trong mối quan hệ đó hơn. Không nhất thiết người song tính luôn phải là người dẫn dắt mối quan hệ, hoặc họ cũng có thể cùng nhau dẫn dắt, không phân vai. Điều này cũng tương tự trong chuyện tình dục của người song tính.
“Người song tính phải trải qua với cả hai giới”
Một vài người chỉ có một cuộc tình rồi thôi, “mãi mãi hạnh phúc sau đó.” Một vài người lại có vài mối tình, hoặc rất nhiều. Hoặc một vài người khác chưa từng trải qua mối quan hệ với bất kỳ ai cả.
Người song tính có thể người độc thân, hoặc yêu lần đầu, lần thứ hai, hoặc đã kết hôn, có con, vân vân. Một vài người chỉ toàn quen với người cùng giới, hoặc ngược lại. Một vài người quen với nhiều khác giới nhiều hơn, hoặc ngược lại. Tất cả đều là điều tự nhiên. Bạn không cần phải có quan hệ tình dục để là người song tính. Mặt khác, người song tính cũng có thể có nhiều mối quan hệ thuần tình dục, hoặc chỉ quan hệ chung thủy với một người.
Có những gia đình mà cả vợ và chồng đều là song tính. Nhưng không thể nói vì đã cưới nhau mà họ là người dị tính được. Hay những cặp song tính cùng giới quen nhau thì không có nghĩa họ là người đồng tính.
Song tính không phải là chuyện bạn quan hệ tình dục với ai, hay là chuyện bạn đang trong mối quan hệ nào. Nó là về bản thân bạn với những cảm xúc của mình.
“Người song tính chả có vấn đề gì khó khăn cả”
Sự thật là người song tính phải đối mặt với những định kiến và kỳ thị từ cả cộng đồng dị tính và song tính. Bằng không, họ phải chấp nhận việc che giấu bản thân, bị áp lực phải chọn đứng trong cộng đồng đồng tính hay song tính.
Ngoài ra, những cảm xúc và nhận dạng của người song tính thường bị người ngoài đánh giá là “nhất thời” hoặc không có thực. Có rất ít thảo luận công khai về chủ đề song tính, càng làm người song tính khép kín hơn. Dẫn đến việc người song tính còn chịu cả những định kiến rất đặc thù mà không ai trải qua cả.
Theo 6sac.com