Trước tình hình thiếu tàu, container mùa cao điểm cuối năm, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản phải đối mặt với nguy cơ gãy chuỗi cung ứng và mất nhiều khoản phí không tên.

Mùa cao điểm, doanh nghiệp thủy sản 'ngậm đắng' với nhiều khoản phí không tên

Tuyết Nhung | 28/12/2020, 17:53

Trước tình hình thiếu tàu, container mùa cao điểm cuối năm, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản phải đối mặt với nguy cơ gãy chuỗi cung ứng và mất nhiều khoản phí không tên.

Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản cho biết hiện đang là mùa cao điểm cuối năm nên thường xuyên xảy ra việc thiếu container rỗng để đóng hàng, không có tàu chuyên chở. Điều này đang ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng của ngành thủy sản, doanh nghiệp phải mất nhiều khoản phí không tên. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm nay không đạt được như kỳ vọng do tháng 11 và 12 này giá trị xuất khẩu sụt giảm mạnh vì nhiều đơn hàng bị hoãn.

Tương tự như các doanh nghiệp thủy sản, các mặt hàng nông sản cũng đang vào mùa cao điểm giao dịch và giao hàng từ tháng 11.2020 đến tháng 3.2021 nên lượng hàng xuất khẩu rất lớn. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng cho biết hàng đã sẵn sàng giao nhưng phải chờ đợi hãng tàu thông báo tập kết mới xuất đi được. Thời gian giao hàng bị chậm lại bình quân từ 7 đến 20 ngày.

dji_0678-01_mix01-01-trong-luan-1fc5336ae57b4dcb91f9b9617873e238(1).jpg
Tình trạng thiếu tàu và container khiến nhiều doanh nghiệp "tắc đường" xuất khẩu hàng hóa 

Cùng cảnh ngộ, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cũng cho biết ngoài các khoản cước phí đang phải trả cao gấp đôi so với những tháng bình thường, doanh nghiệp còn phải trả các khoản phí trong mùa cao điểm cho hãng tàu, ví dụ có hãng tàu thu tới 1.000 USD/container.

Các doanh nghiệp điều và chè phản ảnh không xuất khẩu được sang các thị trường chủ lực khi cước phí tăng gấp 6-7 lần, từ 750 - 800 USD/container lên đến hơn 4.000 - 5.000 USD/container. Nhiều hãng tàu thông báo cắt dịch vụ trên một số chặng và chưa có kế hoạch cho năm 2021.

Trong báo cáo gửi lên Chính phủ, Bộ Công Thương dự báo tình trạng thiếu tàu biển và container có thể kéo dài đến tháng 2 hoặc tháng 3 năm sau. Theo đó, các doanh nghiệp phải lên kế hoạch và kịch bản ứng phó nhằm hạn chế tối thiểu sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và giảm thiểu tối đa sụt giảm xuất khẩu của mỗi doanh nghiệp và tổng kim ngạch của toàn ngành trong thời gian tới.

Hiện nay, tác động của dịch COVID-19, việc giãn cách xã hội, năng lực xử lý hàng của các cảng ở châu Âu và Bắc Mỹ sụt giảm dẫn đến các hãng tàu phải cắt giảm tuyến, gây thiếu hụt chuyến, chỗ chở hàng. Tác động của dịch COVID-19 cũng làm cho năng lực sản xuất của các khu vực như Mỹ Latin, Đông Âu, Nam Á bị sụt giảm. Do vậy, Mỹ và châu Âu tăng cường nhập khẩu từ khu vực Đông Á, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam.

Tuy nhiên, việc phong tỏa do dịch COVID-19 tại các nước dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực xử lý hàng hóa, do vậy container rỗng tồn đọng tại Bắc Mỹ và châu Âu trong khi lại thiếu hụt ở Trung Quốc và khu vực Đông Á, từ đó đẩy giá thuê container lên cao.

Tình trạng thiếu container rỗng ở Trung Quốc diễn ra sớm hơn và nghiêm trọng hơn nên Trung Quốc tìm cách gom container từ các nước, lượng vỏ container bị hút về Trung Quốc nhiều gây nên tình trạng khan hiếm vỏ container ở nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam.

Bộ Công Thương đánh giá, việc tăng giá cước tàu biển và giá thuê container sẽ tác động bất lợi và ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Đặc biệt, việc hàng hóa lưu kho chờ xuất khẩu còn gây thiệt hại cho doanh nghiệp, chi phí lưu kho bãi bị đội lên ước tính từ 5 - 10% giá trị lô hàng.

Còn với doanh nghiệp chọn phương thức bán CIF thì việc phải trả thêm từ vài trăm đến hàng nghìn USD/container, làm chi phí xuất khẩu gia tăng đột biến, các khoản chi này không được dự tính trước và mức tăng quá cao sẽ làm cho doanh nghiệp xuất khẩu thiệt hại, thua lỗ.

Bên cạnh đó, việc tăng giá cước thuê tàu cũng gây hiệu ứng làm tăng các khoản phí, phụ phí thu tại cảng như phí xếp dỡ, phí mất cân bằng container, phụ phí mùa cao điểm... và các khoản phí này phía doanh nghiệp Việt Nam phải chịu.

Ngày 25.12 vừa qua, Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) đã gửi công văn hỏa tốc tới các hãng tàu biển container đề nghị các hãng tàu thực hiện nghiêm túc về việc niêm yết giá, phụ giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển và gửi về báo cáo về Cục Hàng hải Việt Nam. Cùng với đó là các hãng phải có biện pháp tăng lượng dự trữ container rỗng loại 40 feet ở Việt Nam để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa bằng container cho các chủ hàng trong giai đoạn nhu cầu tăng cao như hiện nay.

"Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị các hãng tàu công khai, minh bạch về giá cước vận chuyển container và thực hiện việc tăng giá theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời có biện pháp kiểm tra, giám sát các bộ phận điều hành không để cho các cá nhân lợi dụng tình hình hiện tại của thị trường trục lợi, chào giá bất hợp lý gây khó khăn cho các chủ hàng và gây rối thị trường vận tải biển. Cục Hàng hải sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để tiến hành kiểm tra trực tiếp tại các hãng tàu và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm", cơ quan này nhấn mạnh.

Bài liên quan
Dừng cấp phép cho hãng tàu không vận chuyển phế liệu nguy hại ra khỏi Việt Nam
Bộ Tài chính đề xuất nếu không vận chuyển phế liệu/chất thải nguy hại ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, hãng tàu có thể sẽ bị dừng cấp phép ra vào cảng biển Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa cao điểm, doanh nghiệp thủy sản 'ngậm đắng' với nhiều khoản phí không tên