Gồng mình chịu chi phí đầu vào tăng cao nhưng doanh nghiệp gần như không tăng giá hàng tết, chỉ mong bán được hàng. Nỗi ám ảnh về sức mua yếu vẫn còn dai dẳng theo họ từ năm ngoái tới nay.

Mùa tết 2014: Chỉ mong bán được hàng

Một Thế Giới | 03/11/2013, 06:15

Gồng mình chịu chi phí đầu vào tăng cao nhưng doanh nghiệp gần như không tăng giá hàng tết, chỉ mong bán được hàng. Nỗi ám ảnh về sức mua yếu vẫn còn dai dẳng theo họ từ năm ngoái tới nay.

           

Đại diện một doanh nghiệp thực phẩm chia sẻ dù lượng hàng chuẩn bị tăng 20% so với năm trước, song tình hình tiêu thụ thị trường Tết năm 2014 sẽ không có nhiều đột biến so với mùa Tết năm trước.

Là một trong những đơn vị chủ lực tham gia bình ổn thị trường, Công ty Vissan đã chuẩn bị 3.450 tấn thực phẩm tươi sống, 3.670 tấn thực phẩm chế biến và 1.310 tấn rau, củ, quả các loại cho mùa tết Giáp Ngọ 2014.

Tổng Giám đốc Văn Ðức Mười cho biết dù sức mua thị trường dù kém hay cao, mức dự trữ hàng tết của công ty vẫn tăng 20% so với cùng kỳ năm trước nhằm bao phủ thị trường và không để thiếu hàng. Nếu còn dư sẽ dùng cho sản xuất, kinh doanh trong quý 1/2014.

Với lo ngại đầu ra bị tắc, Vissan chủ trương không tăng giá bán. “Mặc dù giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng 99% Vissan không tăng giá bán ra. Chúng tôi phải giữ giá để bảo vệ mạng lưới của mình, bán được nhiều hàng hơn, qua đó giảm chi phí sản xuất, bảo đảm lợi nhuận” – ông Văn Ðức Mười chia sẻ.

Thận trọng hơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bibica Phan Văn Thiện cho hay năm nay công ty chỉ đặt mục tiêu tăng 5% – 10% sản lượng với khoảng 1.250 tấn bánh kẹo vào dịp Tết. “Lợi thế của các doanh nghiệp bánh kẹo năm nay là người tiêu dùng đã quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm trong nước. Do đó doanh nghiệp tập trung cải tiến bao bì, mẫu mã dòng sản phẩm cao cấp để cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu”.

Theo Công ty Bibica, dù giá bao bì và nguyên liệu chính tăng trung bình hơn 10% nhưng công ty chỉ tăng giá bán khoảng 5% – 8% đối với 60% mặt hàng.

Cũng không dám đặt nhiều niềm tin vào thị trường tết năm nay, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng Giám đốc Công ty Saigon Food, tỏ ra khá “đề phòng” chỉ chuẩn bị lượng hàng thành phẩm nhiều hơn tết năm trước khoảng 10%, tương đương 500 tấn, đồng thời thực hiện giải pháp vừa sản xuất vừa theo dõi thị trường để điều chỉnh chứ không sản xuất đón đầu tràn lan.

“Kinh tế lúc này vẫn còn khó khăn lắm, thu nhập của người dân chưa cải thiện nhiều nên họ vẫn phải chi tiêu dè xẻn. Chúng ta đừng quá trông mong người tiêu dùng sẽ có đợt “phóng tay” chi tiêu dịp tết như nhiều năm trước”, bà Lâm nói.

Trong khi đó về phía các nhà phân phối, bên cạnh hoạt động khuyến mãi phối hợp với doanh nghiệp các ngành hàng, để đa dạng hóa sản phẩm và tạo sức hấp dẫn thu hút khách hàng, nhiều đơn vị phân phối cho biết sẽ đưa ra chiến lược kinh doanh đặc thù cho mùa Tết năm nay và hy vọng sức mua sẽ có sự khởi sắc.

Việt Lê

           
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa tết 2014: Chỉ mong bán được hàng