Một nghiên cứu mới cho thấy tỷ lệ sống sót sau cơn đau tim thấp hơn đáng kể ở người cũng mắc COVID-19. Mũi vắc xin Pfizer thứ 3 làm giảm đáng kể nguy cơ mắc COVID-19 nặng, nhập viện và tử vong.
Bệnh nhân tim mắc COVID-19 có tỷ lệ sống sót thấp hơn
Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu của hơn 80.000 người mắc bệnh tim ở Mỹ vào năm 2019 và 2020. Hầu hết trong số họ (khoảng 76.000 người) bị lên cơn đau tim tại nhà, nơi làm việc hoặc ở một số môi trường công cộng. Trong nhóm này, 15,2% người mắc cả COVID-19 tử vong sau đó tại bệnh viện, so với 11,2% bệnh nhân tim không nhiễm vi rút SARS-CoV-2.
Trong số khoảng 4.000 bệnh nhân nhập viện khi cơn đau tim xảy ra, 78,5% những người mắc cả COVID-19 đã chết, so với 46,1% những người không mắc COVID-19, theo một báo cáo được công bố vào ngày 29.10 trên JAMA (Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ).
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu cho rằng bệnh nhân tim mắc COVID-19 có nhiều khả năng ngừng tim và ít có thể được phẫu thuật để mở lại mạch vành tim bị tắc nghẽn. Họ cũng cho biết thêm rằng cần phải nghiên cứu thêm để hiểu rõ tại sao COVID-19 lại làm tăng nguy cơ tử vong ở những bệnh nhân tim.
Mũi vắc xin Pfizer thứ 3 làm giảm đáng kể nguy cơ mắc COVID-19 nặng và tử vong
Do Bộ Y tế Israel công bố và đã được xuất bản trên một tạp chí được bình duyệt, dữ liệu ban đầu cho thấy mũi vắc xin Pfizer tăng cường làm giảm nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng đáng kể.
Hãng dược Pfizer nói rằng hiệu quả vắc xin COVID-19 sẽ giảm dần theo thời gian. Từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 9 khi biến thể Delta đang chiếm ưu thế, các nhà nghiên cứu theo dõi hơn 1,4 triệu người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin trước đó ít nhất 5 tháng, một nửa trong số đó cũng tiêm mũi thứ ba ít nhất một tuần trước khi tham gia nghiên cứu.
Như đã báo cáo vào ngày 29.10 trên tạp chí The Lancet, những người được tiêm nhắc lại có nguy cơ nhập viện liên quan đến COVID-19 thấp hơn 93%, nguy cơ mắc bệnh nặng thấp hơn 92% và nguy cơ tử vong thấp hơn 81%.
Độ tuổi trung bình trong nghiên cứu này là 52 tuổi. Cả hai nhóm người tham gia nghiên cứu có lối sống và tình trạng sức khỏe như nhau. Vì đây không phải là một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng nên dữ liệu không thể chứng minh nguyên nhân và kết quả. Thời gian bảo vệ của mũi vắc xin tăng cường kéo dài bao lâu vẫn chưa rõ ràng vì không có ai được theo dõi trong hơn 2 tháng và một nửa số người được theo dõi dưới 2 tuần.