Nhiều báo đã đưa ra dấu hiệu cho thấy các mức thuế và biện pháp trả đũa thương mại của Trung Quốc đã bắt đầu gây ảnh hưởng xấu đến một số ngành kinh tế Mỹ.
Không ít cố vấn Nhà Trắng, gồm cả Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ (NEC) Larry Kudlow, đều cam đoan với giới kinh doanh nước này rằng mặc dù Tổng thống Trump có giọng điệu cứng rắn về thương mại và thuế quan, nhưng chính quyền không theo đuổi một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc hay bất kỳquốc gia nào khác.
Ông Kudlow đầu tháng 4 nói với phóng viên rằng việc đánh thuế với thép, máy móc và 1.300 mặt hàng Trung Quốc có tổng trị giá 50 tỉUSD “chỉ là một ý tưởng được đề xuất” và chưa được thực hiện.
Tuy vậy, hiện đã nổi lên một số dấu hiệu cho thấy các mức thuế và biện pháp trả đũa thương mại từ phía Bắc Kinh (bao gồm cả biện pháp đã được áp đặt hay mới chỉ là kế hoạch) đều bắt đầu gây tổn thất cho kinh tế Mỹ.
Báo The Wall Street Journal dẫn số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết từ đầu tháng trước, các nhà nhập khẩu thịt heo Trung Quốc đã cắt giảm các đơn đặt hàng. Cụ thể, sau khi cường quốc châu Á này áp đặt mức thuế trả đũa vào ngày 2.4, lượng thịt heo bán được (tính theo tuần) đã có mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10.2016.
Còn theo trang tin Bloomberg, Trung Quốc đang cố tránh mua trực tiếp đậu tương từ Mỹ. Soren Schroder, Giám đốc điều hành Công ty nông nghiệp- thực phẩm Bunge Ltd, cho hay: “Hàng họ mua đều không phải của Mỹ. Họ mua đậu tại Canada, Brazil, cố tình không mua bất cứ thứ gì từ Mỹ”.
Theo số liệu của USDA, lượng đậu tương xuất sang Trung Quốc đã giảm, từ khoảng 255.000 tấn vào đầu tháng 4 (khi xung đột thương mại Mỹ-Trung bắt đầu) xuống chỉ còn 7.900 tấn trong tuần cuối của tháng 4.
Một 'nạn nhân' khác là gần 2.000 người trồng hồ đào của Mỹ, vốn bán khoảng 1/3 sản phẩm thu hoạch được sang Trung Quốc. Hồ đào bị Bắc Kinh áp thuế 15%, nhằm đáp trả thuế nhôm - thép của Washington.
Theo Randy Hudson, người điều hành trang trại Hudson Pecan (Georgia), biện pháp trả đũa đã gây thiệt hại cho người mua rồi sau đó lan sang người trồng lẫn nhà xuất khẩu. Huson đã phải ngưng kế hoạch mở rộng sản xuất, tăng gấp 3khả năng trữ hàng bằng cách xây thêm một nhà kho và mướn thêm 20 người.
Các công ty như hãng sản xuất máy móc-động cơ Caterpillar và hãng mô tô Harley-Davidson đều bày tỏ lo ngại giá của thép cùng nhiều hàng hóa khác tăng cao sẽ khiến doanh thu năm nay của họ sụt giảm. Giới điều hành của Caterpillar cho biết vào quý cuối cùng của tháng 3, chi phí cho thép trong ngành sản xuất thiết bị đã tăng 15%.
Trang Reuters đưa tin nhiều doanh nghiệp nhỏ không thể tuyển lao động như dự kiến, trong bối cảnh nhôm và thép bị áp thuế. Công ty Metalworking Group tại Cincinnati đã cho hoãn kế hoạch chi 500.000 USD mua thiết bị mới, tuyển thêm người để mở rộng sản xuất trong năm nay.
Tình hình trên thị trường nhôm còn phức tạp hơnvì chịu thêm ảnh hưởng của đợt trừng phạt mà Mỹ áp với Nga đầu tháng 4. Lệnh trừng phạt khiến giá nhôm tăng vọt, đạt mức cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây, theo The Wall Street Journal.
Những lô hàng của tập đoàn nhôm hàng đầu Rusal vẫn còn nằm tại các cảng hàng hóa do không ai dám vi phạm lệnh trừng phạt. Rusal là công ty sản xuất nhôm lớn thứ hai thế giới, đứng sau Hoằng Kiều của Trung Quốc.
Cho đến nay, Trung Quốc chỉ mới tiến hành một số đợt trả đũa nhỏ. Nhiều nguy cơ xung đột thương mại khác vẫn còn “treo lơ lửng” với các ngành kinh tế Mỹ.
Tao Wang và Ning Zhang, hai nhà kinh tế của công ty dịch vụ tài chính UBS, dự đoán nếu tiến hành nhiều cuộc đàm phán, Bắc Kinh sẽ có thể giảm quy mô của các kế hoạch đánh thuế mà nước này đề ra trước đó.
Theo hai nhà kinh tế, cuộc đàm phán thương mại trong chuyến công du Bắc Kinh của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin dù không đem lại thỏa thuận, nhưng nhìn theo hướng tích cực thì có vẻ hai bên đều muốn đối thoại để tránh chiến tranh thương mại bùng nổ.
Cẩm Bình (theo CBS News)