Hai nhà khoa học công tác tại Trung tâm Ung thư MD Anderson đại học Texas (gọi tắt MD Anderson) vừa từ chức. Đơn vị này còn chuẩn bị sa thải thêm một người nữa.
Đây là kết quả của chiến dịch điều tra quy mô toàn quốc được thực hiện sau khi giới chức liên bang Mỹ nhiều lần cảnh báo nguy cơ nước ngoài - đặc biệt là Trung Quốc - cố gắng tiếp cận những công trình nghiên cứu hòng đánh cắp sở hữu trí tuệ.
Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) năm ngoái đã lưu ý 5 nhà khoa học MD Anderson. Đến tuần này thì trung tâm thông báo hai người từ chức, một trường hợp khác sắp bị sa thải.
Cuộc điều tra vẫn đang tiến triển. Bằng chứng đến nay chưa đủ thuyết phục để sa thải 2 nhà khoa học còn lại.
Không chỉ đóng vai trò đơn vị điều trị ung thư, MD Anderson còn là tổ chức học thuật và nghiên cứu.
Đơn vị không cho biết quốc tịch của ba nhà khoa học. Bản báo cáo điều tra rút gọn viết rằng họ từ chối công khai các mối quan hệ cộng tác quốc tế, từng gửi đơn xin tài trợ bí mật cho một cá nhân ở Trung Quốc cùng nhiều cáo buộc khác.
Chủ tịch MD Anderson Peter Pisters nhận định có một số lượng không ít người tiết lộ sở hữu trí tuệ được tạo ra từ nguồn tài trợ Mỹ, phá vỡ nguyên tắc liêm chính.
Năm 2018, Giám đốc NIH Francis S. Collins gửi thư cho hơn 10.000 tổ chức nhận tài trợ từ cơ quan này nhằm mục đích khuyến cáo việc đánh cắp kết quả những nghiên cứu y sinh học. Một cuộc điều tra quy mô lớn đã được tiến hành sau đó.
Giới chức liên bang tuyên bố đã phát hiện trường hợp cung cấp sở hữu trí tuệ cho Trung Quốc, nguồn tài chính (ngoài NIH) không rõ ràng, lén lút làm việc tại cường quốc châu Á trong lúc vẫn đang tham gia dự án nghiên cứu do NIH tài trợ.
Giám đốc Collins trong một phiên điều trần tháng 4 cho biết ngày càng có nhiều nhân sự thuộc các đơn vị nghiên cứu bị sa thải, nhưng không nêu số lượng cụ thể. Ông còn lưu ý không chỉ Trung Quốc mà một số quốc gia khác cũng nỗ lực thu hút đội ngũ chuyên gia phương Tây.
Thành viên Hiệp hội các trường y khoa Mỹ (AAMC) Ross McKinney nhận định đây chỉ là “phần nổi của tảng băng” sắp lộ rõ hơn trong tương lai gần.
Nhiều cơ quan chính phủ Washington từ lâu đã nghi ngờ các chương trình tuyển mộ nhân tài khoa học của cường quốc châu Á có mục đích đánh cắp công nghệ cùng sở hữu trí tuệ Mỹ.
Nổi bật trong số này là Kế hoạch Nghìn người được giới thiệu năm 2008, thu hút được hơn 7.000 nhà nghiên cứu về Trung Quốc . Hầu hết trong số họ vẫn còn giữ được mối quan hệ với các đơn vị nước ngoài.
Trước MD Anderson, Học viện Y thuộc Đại học John Hopkins (JHUSOM) cuối năm 2018 quyết định đình chỉ chương trình cho nhà khoa học nước ngoài đến nghiên cứu ngắn hạn vì lo ngại từ NIH.
Cẩm Bình (theo The New York Times)