Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 12.4 đã lý giải cho các biện pháp trừng phạt đối với Venezuela và nói rằng Mỹ sẽ không “từ bỏ cuộc chiến” ở quốc gia Mỹ Latinh vốn đã đắm chìm vào khủng hoảng kinh tế và chính trị ngày một sâu sắc.
Theo Reuters, ông Pompeo đang có chuyến công du ba ngày đến Chile, Paraguay và Peru – một nhóm các quốc gia đang phát triển nhanh ở khu vực mà Washington tập trung quan ngại vào sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc cũng như cuộc khủng hoảng tại Venezuela.
"Mỹ và các đồng minh sẽ không từ bỏ cuộc chiến này", Ngoại trưởng Mỹ phát biểu tại thủ đô Santiago của Chile và khẳng định chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục ủng hộ người dân Venezuela bởi họ đã “dũng cảm đứng lên giành dân chủ cho quê hương”.
Washington đang nỗ lực gây sức ép buộc Tổng thống Nicolas Maduro phải từ chức và kêu gọi nhiều nước tham gia vào liên minh ủng hộ lãnh đạo đối lập Juan Guaido. Khu vực Nam Mỹ đã chứng kiến sự thay đổi chính trị hướng về phía cánh hữu trong những năm qua và hầu hết các nước trong khu vực này đều đồng loạt tuyên bố công nhận ông Guaido.
“Đây là cơ hội lịch sử khi có hầu hết các nước trong khu vực đã thực sự định hướng theo cơ chế thị trường và có chế độ dân chủ - điều mà chúng ta không thấy ở Nam Mỹ trong nhiều thập kỷ”, ông Pompeo nói với các phóng viên khi đang trên đường đến Santiago - nơi ông sẽ gặp Tổng thống Chile Sebastián Piñera.
Tiếp đó, Ngoại trưởngMỹ sẽ đi tới Paraguay. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ đến nước này kể từ năm 1965. Vào chủ nhật, ông Pompeo cũng sẽ có chuyến thăm đến Cucuta, một thành phố biên giới ở Colombia nơi tiếp nhận một số lượng đáng kể người dân Venezuela vượt biên sang trốn khỏi nạn đói và bạo lực ở quê nhà.
Cũng trong ngày 12.4, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục thông báo trừng phạt bổ sung nhằm vào Venezuela. Cơ quan này nhấn mạnh, lĩnh vực dầu của Venezuela vẫn cung cấp tài chính cho chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro. Do vậy, Washington sẽ tiếp tục nhắm vào các công ty vận chuyển dầu của Venezuela tới Cuba baogồm 4 công ty vận tải và 9 tàu.
Cách đây một tuần, Bộ Tài chính Mỹ cũng áp đặt trừng phạt 34 tàu do Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) vận hành hoặc sở hữu và 2 công ty, 1 tàu vận chuyển dầu cho Cuba.
Những người chỉ trích cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt của Washington nhằm vào Venezuela có thể “tổn thương” đến người dân ở đất nước này vốn đã “khốn khổ” trước tình trạng siêu lạm phát cũng như thiếu thốn lương thực và thuốc men. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nói rằng, người dân Venezuela nhận ra rằng Mỹ không có lỗi trong khủng hoảng ở đất nước họ.
Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan Ngoại giao Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc là góp phần làm sụp đổ nền kinh tế Venezuela bằng cách tài trợ cho chính phủ của ông Maduro và coi sự hiện diện của quân đội Nga ở Venezuela là “sự khiêu khích rõ ràng”.
Ông Pompeo cũng đang cố gắng tìm cách làm nổi bật lợi ích mà các nước Nam Mỹ có được từ hợp tác kinh tế và thương mại với Mỹ khi mà ảnh hưởng trong khu vực đang ngày càng bị Trung Quốc thách thức.
“Các hoạt động thương mại của Trung Quốc thường gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ an ninh quốc gia, mục tiêu công nghệ của họ, với mong muốn của họ muốn đánh cắp sở hữu trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ và tham gia các hoạt động không phải thuần là kinh tế”, ông Pompeo cảnh báo.
Trung Quốc -nền kinh tế đang bùng nổ trong hai thập kỷ qua đã thúc đẩy nhu cầu về nguyên liệu thô, từng bướctrở thành đối tác thương mại hàng đầu của các quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh.
Sựchuyển dịch chính sách tài chính của các nước Mỹ Latinh hướng về Bắc Kinh là hồi chuông báo động đối với Washington.
Chiến lược an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, tháng 12 năm 2017 đã chỉ ra rằng Bắc Kinh đang tìm cách lôi kéo khu vực Nam Mỹ vào quỹ đạo của mình thông qua đầu tư và các khoản vay do Trung Quốc cung cấp.
Hoàng Vũ (theo Reuters)