Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La) sắp diễn ra sẽ lại là diễn đàn để Mỹ - Trung Quốc tranh cãi về nhiều vấn đề, gồm cả chiến tranh ở Ukraine, Reuters ngày 9.6 cho biết.

Mỹ-Trung Quốc sẽ lại tranh cãi tại Đối thoại Shangri-La 2022

Bảo Vĩnh | 09/06/2022, 13:04

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La) sắp diễn ra sẽ lại là diễn đàn để Mỹ - Trung Quốc tranh cãi về nhiều vấn đề, gồm cả chiến tranh ở Ukraine, Reuters ngày 9.6 cho biết.

Đối thoại Shangri-La vì diễn ra ở khách sạn cùng tên tại Singapore từ ngày 10.6 đến 12.6. 

Đối thoại Shangri-La tập hợp các quan chức quân sự cấp cao, các nhà ngoại giao và các hãng sản xuất vũ khí từ khắp thế giới, được tổ chức vào ngày mai 10.6, sau hai lần hoãn do dịch COVID-19 từ năm 2019.

Bên lề hội nghị này sẽ là cuộc gặp mặt đối mặt đầu tiên giữa hai vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Lloyd Austin và Tướng Ngụy Phụng Hòa, kể từ sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi hơn hai năm trước.

Trước cuộc gặp này, hai bên đều tuyên bố sẵn sàng bàn luận để tránh bất đồng liên quan đến những vấn đề cấp khu vực và toàn cầu. Giới truyền thông Trung Quốc cũng nêu Bắc Kinh sẽ tận dụng cơ hội này để trao đổi về quan hệ hợp tác Trung-Mỹ.

Theo Reuters, nhiều khả năng Tướng Ngụy và Bộ trưởng Austin sẽ dùng phát biểu của mỗi vị để tái khẳng định sự cam kết của mỗi quốc gia đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời đưa ra những nhận định hướng vào mỗi bên.

Trong vài tháng qua, quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng, hai nền kinh tế lớn nhất-nhì thế giới bất đồng về vấn đề Đài Loan, các hoạt động quân sự của mỗi bên ở Biển Đông cùng nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Thái Bình Dương.

Dù Đối thoại Shangri-La chú trọng các vấn đề an ninh của châu Á, chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine sẽ vẫn là chủ đề chính. Phía Ukraine sẽ cử một đoàn dự hội nghị nhưng Nga không tham dự, theo một nguồn tin của Reuters.

Phó Giáo sư Lý Minh Giang ở Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) nói với Reuters rằng: “Đoàn Mỹ sẽ dùng dịp này để chỉ trích mối quan hệ chiến lược của Trung Quốc với Nga. Chúng ta sẽ chứng kiến vài nhận định xem quan hệ đối tác Nga-Trung là một liên minh độc tài... Trung Quốc sẽ bảo vệ quan hệ với Nga, bảo vệ quan điểm và chủ trương của họ đối với Ukraine”.

Vì Mỹ ủng hộ chính trị-quân sự cho Ukraine, Bộ trưởng Austin sẽ chịu sức ép thuyết phục được các đối thủ của Trung Quốc ở châu Á rằng họ có thể trông cậy vào Washington.

Các cuộc nói chuyện song phương Mỹ-Trung và ở Đối thoại Shangri-La 2022 sẽ chú trọng vấn đề Đài Loan. Bắc Kinh luôn tuyên bố Đài Loan thuộc Trung Quốc, trong hai năm qua đã gia tăng hoạt động quân sự quanh hòn đảo này để phản đối điều họ gọi là “sự câu kết” giữa Đài Loan với Mỹ.

Nhà phân tích quốc phòng Derek Grosmann ở tổ chức nghiên cứu RAND Corporation, nói với Reuters: “Mỹ sẽ xoáy mạnh vào vấn đề bảo vệ Đài Loan, nhưng cũng sẽ đề cập thái độ hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Trong tháng này, Tổng thống Biden đã nói Mỹ sẽ hành động quân sự nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan dù sau đó chính phủ Mỹ khẳng định rõ ràng chính sách của Mỹ là nhất quán và Washington không ủng hộ Đài Loan độc lập.

Theo hãng tin Anh, Washington từ lâu có chủ trương nói nước đôi về việc sẽ bảo vệ Đài Loan theo hướng hành động quân sự hay không.

Các đảo quốc ở Thái Bình Dương cũng nổi lên là “mặt trận chủ lực” của Mỹ trong chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc. Tuần tới, một đặc sứ của Tổng thống Biden sẽ thăm Quần đảo Marshall, vào lúc Mỹ lo ngại Trung Quốc nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực này.

Mối đe dọa quân sự ngày càng tăng do CHDCND Triều Tiên tạo ra cũng phủ bóng Đối thoại Shangri-La 2022. Trong năm nay, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm vũ khí ít nhất 18 lần nhằm phô trương kho tên lửa và hạt nhân. Hôm 8.6, các quan chức Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã gọi các cuộc thử tên lửa gần đây của Triều Tiên là “hành động khiêu khích nghiêm trọng và trái pháp luật”.

Theo Reuters, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida sẽ khai mạc Đối thoại Shangri-La 2022 hôm 10.6, với bài phát biểu kêu gọi các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Bài liên quan
Thủy lôi ngăn cản kế hoạch giải cứu ngũ cốc Ukraine
Kế hoạch mở hành lang vận chuyển đưa hàng hóa ra khỏi các cảng của Ukraine ở Biển Đen do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian xúc tiến bị giáng một đòn mạnh khi phía Kyiv cho biết công tác rà phá thủy lôi dọc bờ biển có thể mất đến 6 tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ-Trung Quốc sẽ lại tranh cãi tại Đối thoại Shangri-La 2022