Các tổ chức cứu trợ tới giờ vẫn e ngại Triều Tiên không sẵn sàng đối phó Covid-19.
Dù Triều Tiên chưa báo cáo ca nhiễm nào, nhưng đã có phương tiện truyền thông Hàn Quốc dẫn nguồn tin giấu tên tiết lộ về vài cái chết bị nghi liên quan đến chủng coronavirus mới và tình hình theo dõi đặc biệt 4.000 người, cách ly 720 trường hợp ở một tỉnh giáp Trung Quốc.
Hệ thống y tế công Triều Tiên còn tồn tại nhiều bất cập, lệnh hạn chế đi lại mùa dịch còn khiến quốc gia Đông Bắc Á này khó mua thuốc men lẫn những mặt hàng khác từ Trung Quốc hơn nữa. Bên cạnh đó lệnh trừng phạt áp đặt lâu nay cũng ngăn các tổ chức cứu trợ cung cấp nhu yếu phẩm kịp thời.
Hội Chữ thập đỏ quốc tế tuần qua phải lên tiếngkêu gọi miễn trừ trừng phạt để họ chuyển tiền cho văn phòng tại Triều Tiên, phục vụ công tác mua sắm dụng cụ xét nghiệm và đồ bảo vệ y tế cấp thiết.
Giới chức Washington đã quyết định không cản trở sự viện trợ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus tuyên bố khuyến khích các tổ chức Mỹ lẫn quốc tế góp phần ngăn chặn Covid-19, chính quyền Mỹsẽ tạo điều kiện thuận lợi.
Có chung đường biên giới dài với Trung Quốc, Triều Tiên thời gian qua thực hiện hàng loạt biện pháp phòng ngừa mạnh mẽ như đóng cửa biên giới, đình chỉ giao thông đường sắt lẫn hàng không, tạm ngừng hoạt động du lịch quốc tế, khử trùng nhà ga và sân bay, tăng cường kiểm tra mọi tuyến đường đi đến thủ đô Bình Nhưỡng, kéo dài thời gian cách ly trường hợp có triệu chứng từ 14 đến 30 ngày.
Một điểm đáng chú ý nữa là nhà lãnh đạo Kim Jong-un chẳng hề xuất hiện trước công chúng kể từ buổi hòa nhạc cuối tháng 1 cho đến nay. Triều Tiên còn yêu cầu cácquan chức Hàn Quốc sơ tán khỏi văn phòng liên lạc chung ở Kaesong.
Triều Tiên không công khai số người chịu cách ly hoặc xét nghiệm vi rút. Nhà lãnh đạo Kim đảm bảo không có xáo trộn xã hội, tuy nhiên kinh tế sẽ bị thiệt hại do tình trạng phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc.
Cẩm Bình (theo The New York Times)