Trong quá trình chuyển đổi số, sẽ có một bộ phận người dân vì nhiều điều kiện có khả năng không theo kịp sự chuyển động chung của xã hội, trong đó có người nghèo.
Đó là thông tin được ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM đưa ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 vào sáng 8.1.
Theo ông Lâm Đình Thắng, qua dịch COVID-19, các cấp lãnh đạo đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số. Đây là bước chuyển mình quan trọng có vai trò cốt lõi để thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn TP.
Chương trình chuyển đổi số và đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh năm 2022 sẽ tập trung thực hiện 9 nhóm giải pháp. Một trong số đó là phát triển hạ tầng số và công tác đảm bảo an toàn thông tin.
“Đây là nhóm nhiệm vụ có giá trị quyết định và làm nền tảng cho các giải pháp công nghệ”, ông Thắng nhấn mạnh.
Do đó, TP.HCM cần tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, nâng cao khả năng cảnh báo sớm, phòng chống các nguy cơ tấn công, xâm nhập hệ thống công nghệ thông tin, đồng thời ngăn chặn, khắc phục kịp thời các sự cố an toàn thông tin.
Đặc biệt phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng băng rộng di động 4G, 5G và cáp quang tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công nghệ.
Theo Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, trong quá trình chuyển đổi số, sẽ có một bộ phận người dân vì nhiều điều kiện có khả năng không theo kịp sự chuyển động chung của xã hội, trong đó có người nghèo. Hiện TP có hơn 144.000 người nghèo, khả năng một lượng người không nhỏ không có điện thoại thông minh.
"Do đó cần một chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh cho người nghèo, người có thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn để vừa không để ai bị bỏ lại phía sau trong sự phát triển thần tốc của chuyển đổi số, vừa tạo điều kiện để phát triển công dân số, xã hội số", ông Thắng nói.
Trong năm 2022, Sở TT-TT TP.HCM sẽ phối hợp với Sở Lao động - thương binh và xã hội rà soát, hỗ trợ 50%-70% người nghèo chưa có điện thoại thông minh.
Giải quyết việc làm cho 300.000 lao động vào năm 2022
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở LĐTB-XH TP.HCM Lê Minh Tấn cho biết, năm 2022, Sở LĐTB-XH TP.HCM chú trọng thực hiện tốt các chính sách an sinh cho các diện yếu thế, người có đời sống khó khăn sau đại dịch COVID-19 như hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi neo đơn và trẻ em mồ côi vì COVID-19; hỗ trợ nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân, người mắc COVID-19. Hiện nay, TP.HCM có 383 người cao tuổi neo đơn, hơn 2.200 trẻ em mồ côi do dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Sở cũng tham mưu cho UBND TP.HCM giải quyết việc làm cho 300.000 lao động, trong đó có 140.000 chỗ việc làm mới; đào tạo nghề cho 371.000 lao động. Đồng thời, kết nối cung – cầu lao động giữa người lao động và doanh nghiệp; tổ chức các phiên, các sàn giao dịch việc làm, chú trọng đào tạo nghề cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu, 9 ngành dịch vụ của thành phố và 8 ngành dịch chuyển tự do của khu vực ASEAN.
Ngành LĐTB-XH tập trung hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc tại doanh nghiệp gắn với các chính sách đặc thù của thành phố về an sinh xã hội: nhà ở xã hội giá thấp, vận động chủ nhà trọ giảm giá thuê phòng, xây dựng các khu lưu trú cho công nhân tại các doanh nghiệp.