Một đợt nắng nóng kỷ lục sớm bất thường ở Ấn Độ làm giảm sản lượng lúa mì, khiến nước này khó lòng cân bằng giữa nỗ lực đáp ứng nhu cầu trong nước, bù đắp nguồn cung thiếu hụt do cuộc chiến tại Ukraine.
Một số bãi rác khổng lồ tại thủ đô New Delhi đã bốc cháy trong vài tuần gần đây. Nhiều trường học trên địa bàn bang Odisha phải đóng cửa trong vòng một tuần, còn trường học ở bang Tây Bengal bắt đầu tích trữ muối bù nước dạng uống cho trẻ em. Ngày 26.4, thành phố Rajgarh với 1,5 triệu dân là nơi nóng nhất Ấn Độ với nhiệt độ ban ngày lên đến 46,5 độ C, vượt ngưỡng 45 độ C ở các thành phố khác.
Tháng 3 là thời điểm nóng nhất kể từ năm 1901 đến nay. Nhiệt độ cao kỷ lục làm cây trồng còi cọc, không phát triển được.
Lúa mì rất nhạy cảm với nhiệt, đặc biệt trong giai đoạn cuối khi lúa chín. Nông dân Ấn Độ thường sắp xếp thời gian gieo trồng sao cho giai đoạn này trùng với mùa xuân mát mẻ. Tuy nhiên nhà khoa học Friederike Otto thuộc Đại học Hoàng gia London cho biết biến đổi khí hậu khiến đợt nắng nóng ở Ấn Độ nóng hơn.
Thường thường, những đợt nắng nóng như đợt nắng nóng năm nay chỉ xảy ra một lần ở Ấn Độ trong khoảng nửa thế kỷ. Nhưng hiện tại thì chúng diễn ra trong mỗi 4 năm.
Theo một bài đăng trên tạp chí y khoa The Lancet năm 2021, Ấn Độ thuộc nhóm 5 quốc gia có bộ phận dân số dễ bị tổn thương (người lớn tuổi, người nghèo) hứng chịu nắng nóng nhiều nhất. Ấn Độ cùng Brazil có tỷ lệ tử vong liên quan đến nắng nóng cao nhất thế giới.
Người lao động nông nghiệp như ông Baldev Singh nằm trong số dễ bị tổn thương. Người nông dân sống tại bang Punjab này tận mắt chứng kiến cây trồng của mình héo úa khi mùa xuân mát mẻ chuyển sang nắng nóng kéo dài. Ông bị mất khoảng 1/5 sản lượng, những người khác mất nhiều hơn nữa. “Tôi sợ điều tồi tệ nhất vẫn còn đang ở phía trước”, ông Singh bày tỏ lo ngại.
Punjab là vựa ngũ cốc của Ấn Độ, chính phủ nước này khuyến khích trồng lúa mì và gạo tại đây từ những năm 1960. Bang này thường đóng góp nhiều nhất cho kho dự trữ quốc gia, và giới chức Ấn hy vọng sẽ lấp đầy được 1/3 lượng dự trữ của năm 2022 bằng ngũ cốc mua từ Punjab.
Nhưng chính phủ Ấn Độ dự báo sản lượng 2022 sẽ thấp hơn. Chuyên gia chính sách nông nghiệp Devinder Sharma thậm chí còn xác định cụ thể rằng sản lượng giảm đi 25%.
Không chỉ Punjab, vài bang sản xuất lúa mì khác như Uttar Pradesh hay Madhya Pradesh cũng gặp tình trạng tương tự.
Ấn Độ trong năm 2021 thu mua tổng cộng hơn 43 triệu tấn lúa mì. Chuyên gia Sharma ước tính năm nay lượng lúa mì thu mua được giảm từ 20% đến gần 50%.
Dù là quốc gia sản xuất lúa mì lớn thứ 2 thế giới, Ấn Độ lại chỉ xuất khẩu một lượng nhỏ mặt hàng này. Tuy vậy hiện tại họ đang tìm cách tận dụng sự gián đoạn nguồn cung gây ra bởi cuộc chiến tại Ukraine để tìm kiếm thị trường mới ở châu Á, châu Âu, châu Phi.
Nhưng đợt nắng nóng kỷ lục đẩy Ấn Độ vào thế khó. Cường quốc Nam Á này vốn cần đến khoảng 25 triệu tấn lúa mì cho chương trình phúc lợi lương thực cung cấp cho hơn 80 triệu dân.
Trước đại dịch COVID-19, Ấn Độ có lượng dự trữ lớn vượt xa nhu cầu nội địa. Chuyên gia Sharma cho biết dự trữ đã cạn kiệt vì chính sách phân phối miễn phí cho 800 triệu dân trong đại dịch. Chính sách vừa được gia hạn đến tháng 9. “Chúng tôi không còn dư dả như vậy nữa. Xuất khẩu đang tăng lên, nguồn cung lúa mì nội địa sẽ chịu nhiều áp lực”, theo chuyên gia Sharma。
Ngoài Ấn Độ, một số quốc gia cũng gặp khó khăn bởi mùa màng thất thu khiến họ không thể bù đắp nguồn cung mất đi từ Nga và Ukraine. Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc Đường Nhân Kiện tháng trước cho biết lũ lụt cùng sự chậm trễ trong gieo trồng khiến nước này đối mặt với nguy cơ mất mùa lúa mì vụ đông.