Thủ tướng Chính phủ thông báo nếu mọi việc suôn sẻ, trong tháng 9 tới Việt Nam có thể có vắc xin sản xuất trong nước.

Nếu suôn sẻ, tháng 9 sẽ có vắc xin COVID-19 sản xuất trong nước

Lam Thanh | 13/08/2021, 08:46

Thủ tướng Chính phủ thông báo nếu mọi việc suôn sẻ, trong tháng 9 tới Việt Nam có thể có vắc xin sản xuất trong nước.

Ngày 12.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với các nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng chống COVID-19.

Nói là làm chứ không nói xong để đấy

Thủ tướng nêu rõ, để có vắc xin tiêm cho người dân nhiều nhất, nhanh nhất có thể, chúng ta thực hiện đồng bộ “kiềng ba chân” gồm mua và nhập khẩu; chuyển giao công nghệ để sản xuất; nghiên cứu, sản xuất trong nước.

Trong đó, việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin trong nước có vai trò rất quan trọng. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc lớn của đất nước, được người dân rất trông đợi.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Phải bàn và làm bằng được” việc sản xuất vắc xin trong nước. “Trong cái khó ló cái khôn”, “trong nguy có cơ”, bối cảnh hiện nay là cơ hội để phát triển ngành dược Việt Nam, trong đó có việc nghiên cứu và sản xuất vắc xin phòng COVID-19.

“Chính phủ nói là làm chứ không phải nói xong để đấy. Đề nghị các đại biểu nêu rõ các kết quả đạt được, chưa được, các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân để chung tay tháo gỡ”, Thủ tướng nêu rõ.

thu-tuong-2.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP

Thủ tướng cho rằng mỗi người trên cương vị của mình phải làm hết trách nhiệm trên tinh thần “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật”; đặt lợi ích quốc gia dân tộc, sức khỏe và tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết. Đồng thời, cần chống mọi biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực này; nếu phát hiện tiêu cực phải xử lý ngay, xử lý nghiêm.

Việc tiếp nhận, chuyển giao vắc xin đang chậm tiến độ

Trung tướng, GS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y, đại diện đơn vị tham gia nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin Nanocovax nêu rõ quan điểm khẳng định sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy định về mặt chuyên môn và khoa học; bảo đảm khách quan, trung thực trong nghiên cứu, đánh giá thử nghiệm.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, dịch đang rất căng thẳng và vẫn thiếu vắc xin trên cả nước. TP.HCM rất cần vắc xin tiêm cho người dân để bảo vệ dân khỏi lây nhiễm, nếu bị nhiễm thì triệu chứng cũng sẽ không nặng.

“Chúng ta đã ký hợp đồng mua hàng trăm triệu liều vắc xin nhưng trong tháng 8.2021 chỉ có thêm khoảng 3 triệu liều vắc xin về Việt Nam. Việc này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của riêng TP.HCM để đủ miễn dịch cộng đồng, chưa kể còn một số địa phương khác như Long An, Đồng Nai, Bình Dương hay Hà Nội”, Phó thủ tướng nêu.

Phó thủ tướng cũng cho biết trong tháng 9.2021, dự kiến chỉ có khoảng 9,3 triệu liều vắc xin được nhập về. Việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin từ nước ngoài đang bị chậm tiến độ.

Theo Phó thủ tướng Đam, các vắc xin nghiên cứu, phát triển trong nước như Nanocovax đã bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, phải được đẩy nhanh tiến độ hơn nữa để khẩn trương cấp phép lưu hành khẩn cấp. Cấp bách nhất hiện nay là phải có vắc xin ngay thời điểm này để tiêm cho người dân nhiều nhất có thể.

Sau tháng 10.2021, vắc xin từ các hợp đồng mua của nước ngoài sẽ về rất nhiều (dự kiến trong quý 4 sẽ có khoảng 60 triệu liều). Các dự án tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin của nước ngoài cũng bắt đầu đi vào hoạt động. Các vắc xin trong nước cũng sẽ hoàn tất quy trình thử nghiệm lâm sàng.

Phấn đấu tháng 9 có vắc xin trong nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trên tinh thần “kịp thời, an toàn, hiệu quả”, cần rút gọn tối đa quy trình, thủ tục hành chính nhưng về mặt chuyên môn, khoa học phải chặt chẽ, đầy đủ hồ sơ, “dục tốc bất đạt”, “phải có trái tim nóng và cái đầu tỉnh táo, không nóng vội, không chần chừ”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho biết ông luôn luôn sẵn sàng làm việc ngày đêm sớm tối với các cơ quan liên quan nhưng về chuyên môn, khoa học thì dứt khoát phải do các cơ quan chuyên môn, khoa học có thẩm quyền đánh giá.

Hai yêu cầu cốt lõi đã được nêu rất rõ trong Nghị quyết 86 là phải bảo đảm tính an toàn và hiệu quả (hiệu quả điều trị của thuốc, hiệu quả bảo vệ của vắc xin dựa trên dữ liệu về tính sinh miễn dịch của vắc xin).

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, Bộ KH-CN, các hội đồng cùng “xắn tay áo” vào cuộc, không để do thủ tục hành chính mà ách tắc công việc. Các cơ quan liên quan tập trung hỗ trợ các cơ quan quản lý, nhà khoa học, theo tinh thần “chống dịch như chống giặc, ai có gì dùng nấy”.

Chính phủ giao Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo chung về công tác này; đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành thông tư về cấp giấy lưu hành thuốc và vắc xin sản xuất trong nước theo tinh thần Nghị quyết 86 của Chính phủ.

Bộ Y tế, Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 15 sửa đổi quy định về thử nghiệm lâm sàng và thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế tại điều 87, điều 89 Luật Dược.

Thủ tướng nhắc lại và tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu tiếp cận bình đẳng với tất cả các loại vắc xin, “loại vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất”. Ông yêu cầu đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và đề nghị các nhà khoa học, các nhà chuyên môn lên tiếng để tránh tâm lý “có vắc xin không tiêm” mà so bì, chờ đợi, phân biệt các loại vắc xin.

Thủ tướng nhấn mạnh, đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa, quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa. Mục tiêu cuối cùng là Việt Nam sớm có vắc xin tự mình sản xuất.

“Nếu mọi việc suôn sẻ thì trong tháng 9 này, chúng ta có thể có vắc xin sản xuất trong nước. Đây là kết quả từ sự nỗ lực, lao động của các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, các nhà quản lý, các nhà sản xuất, cũng là sản phẩm chung của cả nước, của dân tộc”, Thủ tướng nói.

Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Đã hy sinh giãn cách thì phải kiểm soát được tình hình'
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: "Chúng ta đã hy sinh để thực hiện giãn cách, phong tỏa thì dứt khoát phải kiểm soát được tình hình; Phong tỏa, giãn cách mà không thực hiện được mục tiêu sẽ khiến người dân bức xúc".

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
10 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nếu suôn sẻ, tháng 9 sẽ có vắc xin COVID-19 sản xuất trong nước