Trạm quỹ đạo quốc tế sẽ được gắn thêm thiết bị cho phép theo dõi các đàn chim di cư và động vật nhỏ trên Trái đất.
Trạm có thể thực hiện được công việc khó khăn và lý thú đó nhờ thiết bị mà các nhà sáng chế mới tạo ra có tênICARUS (International Cooperation for Animal Research Using Space – Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dùng công nghệ vũ trụ nghiên cứu động vật).
ICARUS gồm khối điện tử, các khối giao diện, anten thu phát gắn trên bề mặt modul “Ngôi sao” của Nga. Thiết bị độc đáo ở chỗ cho phép từ vũ trụ theo dõi những con chim nhỏ nặng chưa đến 200g (trước đây Trạm quỹ đạo quốc tế chỉ theo dõi được những con vật to lớn). Đương nhiên, trên cơ thể những con chim đại diện cho loài chim cần theo dõi sẽ được gắn modul ICARUS nặng không quá 5g, bao gồm thiết bị thu GLONASS/GPS, thu phát sóng vô tuyến, acqui, pin mặt trời, bộ cảm biến nhiệt và tốc độ.
Giáo sư Mikhail Beljaev, giám đốc tổ hợp Energia tiết lộ: phía Đức chế tạo thiết bị, phía Nga chuẩn bị giao diện để lắp ráp trên Trạm quỹ đạo quốc tế.
Dự kiến, thiết bị sẽ được chuyển lên trạm năm 2017, anten sẽ được lắp trong thời gian các nhà du hành vũ trụ bước ra khoảng không vũ trụ trong vòng 6 giờ. Thông tin thu được chuyển về trạm, xử lý và chuyển tiếp tới Trung tâm quản lý bay. Sau đó, theo thỏa thuận, các dữ liệu sẽ được chia sẻ với Viện địa lý thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga và Viện điểu học mang tên Max Planck của Đức.
Những dữ liệu thu được sẽ giúp giải quyết những vấn đề sinh thái, nghiên cứu biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học, kiểm soát sự lây lan của bệnh truyền nhiễm, ngăn ngừa thảm họa, bảo đảm an toàn hàng không.
Vũ Trung Hương