Việc máy bay quân sự Nga chở đầy hàng viện trợ giúp Ý chống dịch COVD-19 đã phơi bày sự thất bại của khối Liên hiệp châu Âu (EU) trong việc giúp thành viên đối phó khủng hoảng, đồng thời giúp Tổng thống Nga Vladimir Putin có cơ hội quảng bá uy tín trong nước và nước ngoài, theo hãng tin Reuters.
Chính phủ Ý sau khi kêu gọi giúp đỡ đã cảm ơn thiện chí của Nga, ngược với những hồi âm lẻ tẻ từ các nước cùng khối EU với Ý. Các quan chức cùng các nhà ngoại giao EU và NATO đều xem sự giúp đỡ của Nga không phải là ‘‘hành động thiện chí’’, thay vào đó lại là một nước cờ địa - chính trị để phô trương quyền lực và tầm ảnh hưởng lớn của Nga.
Một nhà ngoại giao nói: “Người Ý đề nghị giúp đỡ toàn diện, và người Nga đưa máy bay quân sự chở bác sĩ quân y, thiết bị quân sự qua Ý. Điều đó phát đi một tín hiệu”.
Người Ý vui với quà “Gửi hết yêu thương từ nước Nga”
Reuters nêu sự giúp đỡ của Nga là một hành động thiện chí mà Moscow gọi là “Gởi hết yêu thương từ nước Nga”, theo tựa phim From Russia with Love kể điệp viên 007 của Anh chống Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh”.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết đã cử ít nhất 15 chuyến bay qua Ý kể từ ngày 22.3, sử dụng các vận tải cơ quân sự chở xe tải khử trùng chuyên dụng cùng các phương tiện y tế. Nga cũng cử 8 lữ đoàn quân y, 100 chuyên gia quân sự về dịch tễ học và vi trùng học.
Chính phủ Nga và đoàn quân sự Nga ở NATO đã công bố nhiều đoạn vidéo thu hình các xe tải đến tâm dịch Bergamo trên tài khoản Twitter của họ, trong khi giới truyền thông nhà nước Nga chiếu hình ảnh đích thân Ngoại trưởng Ý chào đón chiếc máy bay Nga đầu tiên hạ cánh.
Các chiếc máy bay và xe tải đều có dòng chữ “Gửi hết yêu thương từ nước Nga”, cùng các tấm dán khổng lồ đặt hai lá cờ Nga - Ý hình trái tim cạnh nhau.
Sự giúp đỡ "Gửi hết yêu thương từ nước Nga" đến Ý - Ảnh: Reuters
Ngược lại, cầu không vận của NATO chở phương tiện y tế khẩn cấp cho các đồng minh châu Âu lại không thu hút được sự chú ý của công chúng. Ông Domenico Arcuri, quan chức chính phủ Ý phụ trách tình trạng khẩn cấp chống dịch COVID-19, nói với kênh truyền hình RAI hôm 22.3: “Pháp tặng chúng ta 2 triệu khẩu trang, Đức gởi cho chúng ta vài chục máy thở. Thủ tướng Conte đã đề nghị và nhận được vài máy bay từ Nga chở 180 bác sĩ, y tá, máy thở và khẩu trang”.
EU đang phải đối mặt với việc chậm nhận được số khẩu trang cùng các phương tiện bảo hộ khác, trong khi chính phủ các nước EU đều đã đóng cửa biên giới. Quân đội các nước thành viên NATO đang lo chở người bệnh đến các bệnh viện, giao giường bệnh và chở công dân của họ về nước, dù NATO không triển khai các đơn vị quân phòng chống vũ khí sinh học.
Một quan chức ngoại giao NATO cấp cao nói: “Đây là một câu chuyện thành công vĩ đại cho Putin. Tôi nghĩ người Ý đã bị sập bẫy”, dù ông lưu ý Ý nay nhận nhiều sự giúp đỡ hơn từ NATO. Tây Ban Nha cũng đã trực tiếp đề nghị NATO giúp.
Alexander Baunov, một nhà nghiên cứu cấp cao ở Trung tâm Moscow Carnegie Center, nhắc việc Cuba và Trung Quốc cũng đã gởi sự giúp đỡ y tế đến Ý: “Đối với các nước muốn sửa lại trật tự thế giới theo hướng có lợi cho họ, đại dịch COVID-19 này là một cơ hội vàng”.
Nga không giúp Ý để nhờ Roma “nói hộ” EU gỡ cấm vận
Đã có những lời xì xầm rằng sự giúp đỡ này theo lệnh của Tổng thống Putin nhằm để “nhờ Roma nói một tiếng với EU” để khối này dở bỏ lệnh cấm vận các lĩnh vực ngân hàng, tài chính và dầu khí của Nga, với lý do Moscow thu hồi bán đảo Crimea và giúp quân ly khai ở miền đông Ukraine hồi năm 2014.
EU và NATO từ lâu cũng cáo buộc Điện Kremlin sử dụng các quyền lực mềm, các hoạt động ngầm và tin tặc nhằm khai thác sự phân hóa xã hội để gây bất ổn cho phương Tây.
Tuần trước, một tài liệu EU mà Reuters xem được, đã cáo buộc giới truyền thông Nga mở “một chiến dịch xuyên tạc đáng kể” chống lại phương Tây, nhằm nghiêm trọng hóa tác động kinh hoàng của dịch COVID-19. Moscow đã phủ nhận không hề có kế hoạch phá hoại này.
Cứ mỗi 6 tháng, 27 nước thành viên EU cần đồng ý gia hạn lệnh cấm vận Nga. Các nhà máy điện của Ý hoạt động là nhờ nhập khí đốt Nga, và từ lâu Roma đã kêu gọi EU nới lỏng lệnh cấm vận Nga.
Nhưng người phát ngôn Dmitry Peskov khẳng định sự giúp đỡ y tế này không nhằm nhờ Ý “nói hộ” với EU để dở bỏ lệnh cấm vận Nga, mà để giúp Ý chống dịch COVID-19. Tính đến sáng 27.3, ở Ý có 80.589 ca nhiễm và 8.215 người chết, khiến Ý có số tử vong cao nhất thế giới.
Khi được hỏi có phải Ý sẽ “đền đáp” tình nghĩa bằng sự giúp đỡ vừa nêu hay không, ông Peskov nói nhận định này là phi lý: “Ở đây chúng ta không nói về bất kỳ điều kiện hoặc tính toán hoặc hy vọng nào. Ý thật sự cần giúp đỡ ở cấp độ rộng hơn, và việc Nga làm là có thể quản lý được”.
Ông cũng cho biết ngày 21.3, Tổng thống Putin đã nói chuyện với Thủ tướng Ý Giuseppe Conte, mở lời đề nghị để Nga giúp dưới hình thức các phương tiện khử trùng di động cùng các chuyên gia đến giúp ở các vùng nhiễm dịch nặng nhất.
Nhưng chính quyền Ý đã phủ nhận sự giúp đỡ của Nga đã phát đi tín hiệu có sự kết hợp các quyền lợi địa - chính trị của Ý và Nga. Ngày 26.3, báo Il Corriere della Sera dẫn lời Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio: “Không có các kịch bản địa - chính trị mới để truy vết đâu, ngoài việc một quốc gia đang cần được giúp đỡ và các nước khác đang giúp đỡ chúng ta. Đây không phải chuyện Chiến tranh Lạnh, mà là vấn đề thực tế hoặc chính trị hiện thực, tùy bạn muốn gọi sao cũng được”.
Tổng thống Nga Putin dự hội nghị trực tuyến khối G20 - Ảnh : AP
Thế giới không thể chống dịch COVID-19 theo kiểu “thân ai nấy lo”
Ngày 26.3, tại hội nghị trực tuyến của nhóm quốc gia G20 nhằm tìm cách kiểm soát dịch COVID-19, ông Putin đã kêu gọi nới lỏng lệnh cấm vận vì “đó là chuyện sống còn”, nhưng ông không nói nước nào cần được phương Tây nới lỏng sự trừng phạt. Ngoài việc bị trừng phạt, Nga còn là đồng minh của CHDCND Triều Tiên và Iran, hai quốc gia cũng bị phương Tây trừng phạt kinh tế.
Nhà lãnh đạo Nga nói: “Lý tưởng thì chúng ta nên áp dụng một sự đình hoãn các hạn chế đối với các loại hàng hóa, các cuộc chuyển khoản tài chính để mua chúng. Tôi đang nói về các nước đang bị tổn thất nhiều nhất từ đại dịch này. Đấy là vấn đề sinh tử, hoàn toàn là một vấn đề nhân đạo”.
Vị chủ nhân Điện Kremin còn nói điều quan trọng là lập “những hành lang xanh không có chiến tranh thương mại và trừng phạt”, nhằm bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm, thuốc men, thiết bị và công nghệ.
Ông cũng dự báo cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu hiện nay sẽ ghê gớm hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, và các xung đột thương mại cùng cấm vận chỉ càng khiến đại dịch COVID-19 trở nên nghiêm trọng hơn: “Chắc chắn chúng ta không thể hành động theo nguyên tắc “thân ai nấy lo”, và các nước cần kết hợp sức mạnh để phát triển các loại vaccine phòng dịch và thuốc trị Covid-19".
Mỹ Trinh (theo Reuters)