Lợi nhuận ngân hàng đạt mức cao trong bối cảnh thị trường tài chính có nhiều biến động, doanh nghiệp khó khăn, dẫn đến những ý kiến đòi hỏi ngân hàng phải sớm hạ lãi suất cho vay.
Loạt ngân hàng giảm lãi suất cho vay
Hàng loạt ngân hàng như Agribank, Techcombank, VietinBank, Sacombank, ACB, MB, SeABank… đã công bố các chương trình giảm lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi với mức lãi suất thấp hơn khoảng 1 - 3%/năm.
Điển hình như ngân hàng Agribank ngày 16.2 đã thông báo giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Cụ thể, khoản vay kinh doanh bất động sản có thể được điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ. Thời gian thực hiện điều chỉnh lãi suất tối đa đến ngày 31.12.2023 và thời gian áp dụng lãi suất điều chỉnh kéo dài từ ngày 31.1.2023 đến hết 31.12.2024.
Theo Agribank, dự kiến trong năm 2023 ngân hàng này sẽ tiếp tục dành hơn 100.000 tỉ đồng để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng doanh nghiệp, khách hàng xuất nhập khẩu, ngành y tế, ngành giáo dục; giảm lãi suất đối với các đối tượng khách hàng thuộc lĩnh vực ngành nghề gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng VietinBank cũng công bố dành gói tín dụng 10.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mới phát triển hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023.
Còn ngân hàng BIDV triển khai gói cho vay ngắn hạn (từ ngày 1.1 - 30.4.2023) với quy mô 30.000 tỉ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng trong đầu năm 2023. Theo đó, khách hàng tham gia gói vay phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 8%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng; hoặc chỉ từ 9%/năm đối với các khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng triển khai gói vay tín dụng năm 2023 (với gói vay trên 12 tháng) lên tới 100.000 tỉ đồng phục vụ vay nhu cầu đời sống và sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, ngân hàng Vietcombank cam kết giảm 0,5%/năm lãi suất cho tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới ngay từ đầu năm 2023. Thời gian từ ngày 1.1.2023 đến hết 30.4.2023, áp dụng cho khách hàng cá nhân và tổ chức có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới tại ngân hàng, trừ nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...
Với Techcombank, ngân hàng này tung ra gói tín dụng 30.000 tỉ đồng với ưu đãi lãi suất 2% dành cho doanh nghiệp sản xuất, thương mại có hoạt động xuất nhập khẩu.
Ngân hàng SeABank cũng tung gói ưu đãi 3.000 tỉ đồng, giảm lãi suất cho vay tối đa 1%/năm cho các khoản vay ngắn hạn phục vụ mục đích kinh doanh. Gói ưu đãi này hướng đến cá nhân, hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh có nhu cầu vay vốn ngắn hạn tối đa 12 tháng. Các khoản vay phục vụ sản xuất và thương mại trong các lĩnh vực như chăn nuôi, nông, lâm, ngư nghiệp sẽ được giảm 1%/năm so với lãi suất cho vay hiện hành của ngân hàng. Ngoài ra, SeABank giảm 0,5%/năm cho các khoản vay kinh doanh không thuộc lĩnh vực nêu trên.
Ngân hàng ACB ngày 23.2 đã thông báo triển khai gói cho vay ưu đãi cùng với chính sách giảm và ưu đãi lãi suất. Cụ thể, từ ngày 23.2, ACB chính thức triển khai gói cho vay có quy mô lên đến 20.000 tỉ đồng với lãi suất thấp hơn biểu lãi suất tối đa đến 3%/năm.
Song song với ưu đãi lãi suất vay cho khách hàng mới, ACB tiếp tục duy trì chính sách giảm 1% lãi suất cho vay so với cho khách hàng hiện hữu đang có khoản vay đến kỳ thay đổi lãi suất và giao dịch chính tại ngân hàng.
Đặc biệt, ACB ban hành thêm thêm chính sách giảm 2% lãi suất cho các khách hàng doanh nghiệp, cá nhân có khoản vay đến kỳ thay đổi lãi suất và chỉ sử dụng duy nhất sản phẩm, dịch vụ như vay tiền, tiền gửi thanh toán, bảo lãnh, thanh toán quốc tế và thẻ tín dụng.
Ngân hàng giảm lãi suất phù hợp với thị trường
Trao đổi với Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia tài chính kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có phải có biện pháp mạnh để tất cả các ngân hàng thương mại giảm lãi suất phù hợp với thị trường với kỳ hạn dài để doanh nghiệp phục hồi và ổn định sản xuất kình doanh.
Việc các ngân hàng giảm lãi suất là động thái phù hợp trong bối cảnh hiện nay, nhưng các cơ quan quản lý cũng cần phải tính toán điều chỉnh phù hợp, cân đối cẩn trọng, không hạ lãi suất sâu ngay lập tức và đồng loạt để tránh những hệ lụy có thể xảy ra trong nền kinh tế. Trên thực tế, hạ lãi suất có nghĩa tiền gửi của người dân vào ngân hàng không còn hấp dẫn. Với dự báo lạm phát năm 2023 khoảng 4%, cần đảm bảo lãi suất ổn định khiến người dân có niềm tin gửi tiết kiệm ngân hàng.
Ông Hiếu phân tích việc lãi suất giảm mạnh cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân chuyến hướng đầu tư sang các lĩnh vực khác như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu... để có lợi nhuận hơn.
Hơn nữa, khi hạ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng cần phải cân bằng 3 mục tiêu chính là kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và tăng trưởng kinh tế. Trong năm 2022, tỷ giá USD/VNĐ đã từng có thời điểm tăng đột biến trên 9%, và chỉ dần hạ nhiệt sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tiếp tăng mạnh lãi suất điều hành sau đó. Vì vậy, cân đối lãi suất với tỷ giá trở thành vấn đề khó khăn.
"Ngoài ra, động thái Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất cũng đã tác động tới chính sách tiền tệ của Việt Nam. Với việc dự kiến Fed tiếp tục tăng lãi suất điều hành trong thời gian tới, dự báo sẽ làm giảm khoảng cách lãi suất giữa đồng Việt Nam và USD. Lúc này, dư địa giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là không nhiều", ông Hiếu nói
Giới chuyên môn dự báo, năm 2023 nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Nhiều tổ chức quốc tế đưa ra triển vọng kém lạc quan và liên tục cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, điều hành chính sách tiền tệ vẫn kiên định hướng tới mục tiêu nhất quán và xuyên suốt đó là: kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an toàn hệ thống.
Việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất; lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng; tín dụng tăng nhanh hơn huy động vốn, tạo áp lực cho các tổ chức tín dụng phải tăng lãi suất để ổn định và thu hút thêm nguồn vốn. Bên cạnh đó, đồng USD tiếp tục tăng giá cũng là một yếu tố quan trọng gây áp lực lên lãi suất VNĐ.
Trên cơ sở đánh giá, phân tích, nhận định tình hình và bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, trong năm 2023, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả chính sách tiền tệ, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế; chính sách tỷ giá, lãi suất tiếp tục các giải pháp để tạo sự ổn định và từng bước giảm thấp nếu/khi điều kiện thị trường trong nước và quốc tế cho phép.
Về tín dụng, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng với quy mô phù hợp nhằm hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô; hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ.
Đồng thời, Ngân hàng nhà nước tiếp tục kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; kiểm soát chất lượng tín dụng và không hạ chuẩn tín dụng. Ngành ngân hàng cũng sẽ tiếp tục triển khai với nỗ lực cao nhất các nhiệm vụ của ngành tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị định số 31 của Chính phủ.