Các ngân hàng cho biết sẽ không để bất động sản thiếu room, vì vậy đã thống nhất giảm lãi suất huy động.

Không để bất động sản thiếu room, các ngân hàng thống nhất giảm lãi suất huy động

Tuyết Nhung | 08/02/2023, 16:41

Các ngân hàng cho biết sẽ không để bất động sản thiếu room, vì vậy đã thống nhất giảm lãi suất huy động.

Các ngân hàng thống nhất giảm lãi suất huy động

Tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản ngày 8.2, Tổng Giám đốc ngân hàng Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, cho đến hết ngày 31.12, dư nợ bất động sản chiếm trên 20% dư nợ của ngân hàng, bao gồm cả cho vay doanh nghiệp phát triển và cá nhân. Trong năm 2022, tín dụng bất động sản tăng 17%. Do vậy, ngân hàng sẽ không để lĩnh vực bất động sản thiếu room.

anh-dai-dien.png
Ngân hàng Nhà nước đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh - Ảnh: NHNN

Trong đó, cho vay đối với cá nhân chiếm 90% và 10% cho với các doanh nghiệp đầu tư bất động sản. Đáng chú ý, dư nợ bất động sản khu công nghiệp tăng 4 lần trong năm 2022 do tiềm năng của ngành nghề này.

Đại diện ngân hàng Vietcombank cũng cho biết, ngay trước cuộc họp này, Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại đã họp nhóm và thống nhất giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay nói chung và lãi suất cho vay bất động sản nói riêng.

Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, mức lãi suất đa ở các ngân hàng lớn sẽ chỉ còn khoảng 8,7%/năm, thay vì mức tối đa 9,5% hiện tại. Theo khảo sát, ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm. Động thái này diễn ra sau khi cơ quan điều hành có hoạt động thanh kiểm tra và nhắc nhở một số nhà băng có lãi suất huy động trên 10%.

Do đó, các ngân hàng cũng đã tiết chế hơn trong việc huy động với lãi suất cao. Thống kê hiện nay cho thấy, không còn ngân hàng nào niêm yết lãi suất tiết kiệm trên 10%/năm. So với giai đoạn cao điểm hồi tháng 11.2022, lãi suất huy động hiện nay đã giảm từ 0,5-2%/năm tùy từng kỳ hạn.

Không có chuyện thiếu room tín dụng vào thời điểm đầu năm

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết trong năm 2022, con số tăng trưởng tín dụng 14,17% cho thấy nhu cầu vốn của nền kinh tế đã được đáp ứng phù hợp mục tiêu kiểm soát lạm phát. Thời điểm các ngân hàng kiến nghị nới hạn mức tín dụng (room) thì chưa hết room, còn đến 1,5% mà các ngân hàng thương mại chưa cho vay hết. Việc các ngân hàng thương mại sử dụng room được cấp ra sao là do nội bộ các ngân hàng điều phối.

Liên quan tới vấn đề room tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, Phó Thống đốc khẳng định không có quy định room riêng cho lĩnh vực ngành nghề, chỉ có room chung hay hạn mức tín dụng đặt ra để phù hợp kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó, ông Tú cũng cho biết sẽ không có chuyện thiếu room tín dụng vào thời điểm đầu năm, bởi lẽ tình trạng này thường rơi vào cuối năm. Do đó, lúc này không thể nói là không vay được vì không có room.

Năm 2023 sẽ tiếp tục sử dụng công cụ room tín dụng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết đã tóm tắt các kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội như: Đề xuất giữ nguyên nhóm nợ, không nên phân biệt hệ số rủi ro, cần có hướng dẫn về tín dụng đối với việc phát triển khu đô thị, mở room tín dụng riêng cho bất động sản, hỗ trợ tín dụng cho phân khúc nhà ở xã hội, có cơ chế riêng về tín dụng bất động sản du lịch (condotel), miễn giảm lãi, điều kiện vay vốn, sửa Thông tư 16 cho phép cấp tín dụng để cơ cấu lại khoản vay, nên có một gói hỗ trợ lãi suất tương tự với gói 30.000 tỉ đồng năm 2013… 

Theo Thống đốc, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã họp và thống nhất sẽ tiếp tục sử dụng công cụ room tín dụng. Năm 2023 định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14 - 15%, nếu diễn biến lạm phát cho phép thì việc điều hành tín dụng sẽ linh hoạt hơn.

Về việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát rủi ro đối với lĩnh vực bất động sản và chứng khoán, Thống đốc cho biết đây không phải là rủi ro tín dụng thuần túy, có thể là dự án đủ điều kiện vay vốn nhưng ngân hàng không cho vay được vì nhu cầu vốn bất động sản thường là vay dài hạn và giá trị lớn. Nếu cho vay, ngân hàng sẽ không đảm bảo được an toàn hoạt động, người dân đến rút tiền sẽ không có tiền trả. Do đó, rủi ro ở đây là việc chênh lệch kỳ hạn và thanh khoản.

"Bản thân Ngân hàng Nhà nước không bó cứng room tăng trưởng tín dụng, chúng tôi chỉ có định hướng chung là thông báo cho từng tổ chức tín dụng trên cơ sở các tổ chức hoạt động an toàn, lành mạnh. Còn việc phân bổ cho các chi nhánh, địa phương là do các tổ chức tín dụng. Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản nào nêu vấn đề thắt chặt tín dụng vào bất động sản. Ở đây hoàn toàn phụ thuộc vào việc cho vay, thẩm định của các tổ chức tín dụng đối với các doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo an toàn hoạt động của từng ngân hàng và của hệ thống", Thống đốc nhấn mạnh.

Về định hướng điều hành năm 2023, để thực hiện các giải pháp tín dụng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản và tổ chức, cá nhân khi tiếp cận vốn tín dụng, góp phần phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã có một số yêu cầu chi tiết đối với các tổ chức tín dụng để tháo gỡ các khó khăn cho thị trường bất động sản.

Bài liên quan
Áp thuế cao với người lướt sóng bất động sản có ngăn được đầu cơ?
Các chuyên gia cho rằng việc áp thuế cao hơn đối với giao dịch "lướt sóng" sẽ hạn chế được tình trạng đầu cơ bất động sản.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không để bất động sản thiếu room, các ngân hàng thống nhất giảm lãi suất huy động