Một ngư dân đã phải trả lại con tàu thế hệ mới đầu tiên ở Đà Nẵng vì ra biển 10 chuyến thì 4 chuyến bị hỏng hóc, phải cho nằm bờ dài hơi. Đây là hậu quả của việc người dân không được tham gia trong việc góp ý thiết kế phương tiện mà chính họ là người trực tiếp sử dụng đánh bắt trên biển.

Ngư dân trả lại tàu sắt: Hậu quả của việc làm từ một phía

Lê Đình Dũng | 29/03/2016, 08:53

Một ngư dân đã phải trả lại con tàu thế hệ mới đầu tiên ở Đà Nẵng vì ra biển 10 chuyến thì 4 chuyến bị hỏng hóc, phải cho nằm bờ dài hơi. Đây là hậu quả của việc người dân không được tham gia trong việc góp ý thiết kế phương tiện mà chính họ là người trực tiếp sử dụng đánh bắt trên biển.

Trả tàu vì quá chán nản

Anh Lê Văn Sang (34 tuổi, trú Q.Hải Châu, Đà Nẵng) mới đây đã quyết định trả lại con tàu vỏ thép mang tên Sang Fish 01 cho Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang (Khánh Hòa). Con tàu này được anh Sang cùng anh rể Phan Bé ký hợp đồng đóng tại công ty trên với công suất 750CV, có tổng vốn đầu tư gần 12 tỉ đồng; con tàu đầu tiên theo quyết định số1787/QĐ-TTg về chính sách thí điểm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép khai thác hải sản xa bờ.

Anh Sang bên con tàu sắt đầu tiên phải trả lại vì hư hỏng quá nhiều- Ảnh: Lê Đình Dũng.

Tàu được hạ thủy hồi tháng 7.2014, chuyên hành nghề lưới vây, là niềm hân hoan chung cho gia đình và cả ngư dân Đà Nẵng lúc đó. Sang Fish 01 có các thiết bị hiện đại như máy Icom hơn 100 triệu đồng, GPS định vị chính xác tọa độ để đánh bắt cá và hoạt động trong vùng hợp pháp trên biển. Thời gian chủ tàu phải hoàn tiền cho công ty là 6 năm. Tuy nhiên, từ khi ra đời đến nay, tàu ra khơi được 10 chuyến thì đã có 4 chuyến bị hỏng hóc trên biển, thiệt hại rất nhiều.

Anh Sang kể: “2 chuyến bị hư tời, 2 chuyến bị hư máy. Ngay chuyến đầu tiên đã hư tời, phải về bờ sửa chữa với chi phí khoảng 500 triệu đồng. 6 chuyến còn lại đánh bắt không được lắm nhưng vẫn có thu nhập cho lao động. Và hơn nữa năm nay, tàu phải nằm trong âu thuyền Thọ Quang vì hỏng hóc không ra khơi được”.

Anh Sang cho biết, là tàu mới nhưng máy chính lại là máy cũ nên hư hỏng suốt - Ảnh: Lê Đình Dũng.

Chán nản vì kỳ vọng quá nhiều vào con tàu nhưng không mang lại hiệu quả, lại không tạo ra tiền để trả vốn cho nhà máy, anh Sang đã quyết định trả lại tàu cho Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang. “Hiện họ đã chấp thuận nhận lại tàu. Trong thời gian chờ họ ra nhận tàu, tôi tranh thủ cho người nhà dùng tàu làm nơi may vá lưới. Khi nào họ lấy tàu, tôi sẽ lấy lại toàn bộ ngư lưới cụ để trả xác tàu cho hạo”, Sang nói.

Kinh nghiệm cho thế hệ tàu mới

Theo anh Sang, tàu Sang Fish 01 được đóng theo tàu mẫu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Qua quá trình vận hành, anh rút ra những mặt hạn chế của loại tàu sắt này là tuyến hình không phù hợp với đánh bắt ở biển, tàu chỉ chú trọng vào tốc độ nên hạn chế ở tải trọng khiến bị lắc khi đánh bắt. Không những vậy, tàu đóng mới nhưng lại sử dụng máy chính là máy cũ. Khi đóng loại tàu này, chủ tàu có tham gia góp ý về thiết kế, mẫu mã nhưng họ chỉ đóng theo thiết kế của họ.

Về mặt được, đây là mẫu tàu thử nghiệm nên những sai sót từ loại này sẽ là kinh nghiệm cho những thế hệ tàu đóng theo nghị định 67 cải tiến.

Tàu nằm bờ hơn nửa năm nay và đang chờ trả - Ảnh: Lê Đình Dũng.

“Tôi đã rất kỳ vọng vào con tàu này nhưng rồi cuối cùng nó không làm được gì cho mình. Tuy nhiên, nghĩ lại, nó cũng cho tôi được nhiều kinh nghiệm để tiếp tục đóng những tàu vỏ thép khác tốt hơn và chia sẻ cùng những ngư dân khác đóng tàu vỏ thép. Mong những kinh nghiệm xương máu của mình sẽ giúp đóng lứa tàu vỏ thép của Việt Nam sau này tốt hơn. Mà thực tế những thế hệ ‘tàu 67’ sau này, các chủ tàu được góp ý về mẫu mã, thiết kế nên chất lượng tàu tốt hơn”, anh Sang nói.

Sang đang dồn tâm huyết vào 2 chiếc tàumới: Một chiếc tàu sắt công suất 814 CV vạy theo nghị định 67 đang đóng ở nhà máy cơ khí thủy sản TP.HCM; một chiếc tàu gỗ hậu cần 850CV vay vốn theo nghị quyết 47 của TP.Đà Nẵng.

Những vướng mắc ‘tàu 67’

Sơ kết 1 năm triển khai Nghị định 67/2014-NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, Bộ NN-PT-NT cho hay, có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới tàu cá với 1.084 tàu mới và 213 tàu nâng cấp (473 tàu vỏ thép, 553 tàu vỏ gỗ, 58 tàu vật liệu mới. Tính đến 29.2.2016, có 84 tàu cá đóng mới và 12 tàu nâng cấp được hạ thủy đi vào hoạt động.

Theo đánh giá của Bộ, nghi định 67 là chính sách phù hợp với nguyện vọng của ngư dân, tạo động lực phát triển thủy sản theo hướng hiện đại, đột phá trong việc tổ chức lại khai thác hải sản xa bờ…

Tàu cá các tỉnh tập trung ở âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng - Ảnh: Lê Đình Dũng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn được Trung ương hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị. Theo Trung ương hội, hiện nay các địa phương mới quan tâm nhiều cho việc vay vốn đóng tàu khai thác và dịch vụ khai thác xa bờ mà chưa chú trọng đến các chính sách khác.

Đồng thời, các cơ sở dịch vụ cho đội tàu khai thác xa bờ, nhất là đối với tàu vỏ thép hiện vẫn còn yếu kém như: luồng lạch ra vào hẹp và cạn, cơ sở sữa chữa tàu vỏ thép thiếu, hệ thống các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão chưa đảm bảo và chưa đáp ứng được yêu cầu. Đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng, cán bộ kỹ thuật nghề cá hiện tại chưa có bằng cấp phù hợp cho việc phát triển đội tàu đánh bắt lớn…

Cũng theo Hội Nghề cá, theo số liệu dự báo của viện Nghiên cứu hải sản, khả năng cho phép khai thác hải sản ở vùng biển Việt Nam chỉ khoảng 2 triệu tấn/năm trong khi đó tổng kết năm 2015 của ngành thủy sản lượng khai thác hải sản là 3 triệu tấn (tăng 1,5 lần mức cho phép). Mặt khác, qua tổng hợp đến cuối năm 2015toongr số tàu cá xa bờ trên 30.000 chiếc, nhiều tàu khai thác xa bờ vẫn hoạt động vùng biển ven bờ và vùng lộng, một số tàu vi phạm vùng biển các nước để khai thác hải sản…

Do đó, Hội đề nghị Bộ NN&PT-NT cần chỉ đạo điều tra đánh giá lại khả năng nguồn lợi thủy sản các vùng biển và điều chỉnh lại cơ cấu đội tàu các nghề khai thác hoạt động ở các vùng biển cho phù hợp; đồng thời khẩn trương xây dựng đề án tổ chức đội tàu khai thác vươn ra hoạt động ở các vùng biển cả (biển quốc tế) nhằm tạo điều kiện phát huy hiệu quả của đội tàu khai thác xa bờ được đầu tư.

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngư dân trả lại tàu sắt: Hậu quả của việc làm từ một phía