Thấy Đánh dừng xe hỏi 1 người dân đường xuống phà sang sông, anh Ha nghi ngờ có chuyện không lành nên nói Đánh cho mình đi vệ sinh. Xuống xe, anh đi bộ ngược lại đường cũ. Thấy vậy, Đánh kêu anh quay lại nhưng anh không nghe theo thì bị Đánh chửi bằng những từ ngữ thô tục, đầy tính hăm dọa.
Lời mời thăm quê bất ngờ
Anh Dương Vô Ha (SN 1977, người dân tộc Khmer), ngụ tại ấp Bét Tôn, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) có phải là nạn nhân hụt của bọn buôn người?
Anh cho biết: “Qua người chị vợ là bà Danh Thị Lan (xã Thuận Hưng, huyện Mỹ Tú, hiện đang sinh sống ở TP.HCM) và người chồng (tức anh em cột chèo với anh Ha) tên Thủy (không rõ họ), tôi quen với 1 thanh niên tên Đánh (quê Hải Phòng, giới thiệu là bà con cô con cậu với chồng của Lan)”.
Đã nhiều lần Đánh theo vợ chồng bà Lan về Mỹ Tú chơi và ghé thăm nhà anh Vô Ha.Gần đây, Đánh ngỏ lời rủ anh Ha đi du lịch Hải Phòng. Biết Đánh là chỗ bà con “dính líu” mà từ nhỏ tới lớn chưa một lần đi xa nên cũng háo hức khám phá đất nước nên Ha đồng ý theo Đánh ra Bắc một chuyến cho biết.
Sáng 28.3, Đánh cho xe đón anh Ha tại cầu Sư Tử thuộc xã Thuận Hưng (huyện Mỹ Tú). Lúc đó trên xe có 5 người, trong đó có Lan, Đánh, Thủy cùng 2 người ở địa phương nhưng anh Ha không biết tên của 2 người này.
Khi xe đến TP. Sóc Trăng, cả nhóm chuyển sang 1 chiếc xe giường nằm trực chỉTP.HCM.Sau khi đến TP.HCM, Lan và mấy người kia ở lại, còn Đánh và anh Ha, Thủy ra sân bay Tân Sơn Nhất đi Hà Nội. Máy bay cất cánh lúc khoảng 17 giờ 10 phút. Đến hơn 19 giờ cùng ngày, cả 2 có mặt tại sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Sau khi xuống sân bay, Đánh lại đi riêng trên 1 xe du lịch, còn anh Ha được chồng của Lan là Thủy chở bằng xe gắn máy. Sau đó, cả 3 người lại gặp nhau, ăn tối xong, anh Ha và Thủy thuê nhà nghỉ để ngủ lại qua đêm, còn Đánh chạy xe đi chỗ khác.
Sáng 29.3 cả 3 người cùng đi ăn sáng. Sau đó Đánh chở anh Ha đến 1 nhà máy bia để xem cơ ngơi được giới thiệu là của Đánh. Đến chiều, anh Ha được Đánh đưa đi mua 1 bộ quần áo mới với giá 450.000 đồng. Sau đó, Đánh đưa anh Ha về nhà cha mẹ Đánh ở Hải Phòng ngủ, còn Đánh đi ngủ ở nơi khác.
Đến khoảng 8 giờ 30 phút ngày 30.3, Đánh chở anh Ha đi ăn sáng rồi đưa anh lại 1 nhà máy bia, dặn anh chờ ở đó, không được đi đâu cả để Đánh đi mua sim điện thoại.Khoảng 20 phút sau, Đánh đến chở anh Ha đi tiếp. Đi được khoảng 1km, thấy đi vào con đường nhỏ, nên anh Ha hỏi Đánh chở mình đi đâu thì Đánh nói: “Chở đi… làm ăn”.
Nghi ngờ hành vi của Đánh, anh Ha im lặng xem xét. Khi thấy Đánh dừng xe hỏi 1 người dân đường xuống phà sang sông, anh Ha nghi ngờ có chuyện không lành nên nói Đánh cho mình đi vệ sinh.Xuống xe, anh Ha không đi vệ sinh mà đi bộ ngược lại đường cũ. Thấy vậy, Đánh kêu anh quay lại nhưng anh không nghe theo thì bị Đánh chửi bằng những từ ngữ thô tục, đầy tính hăm dọa.
Định chở sang Trung Quốc bán?
Linh cảm có chuyện chẳng lành, anh Ha lập tức gọi điện về cho vợ là chị Danh Thị Khoa biết tình hình. Nghe chồng kể, chị Khoa khuyên chồng nên tìm cách trốn đi, nhưng vốn là người từ nào giờ chưa bao giờ bước chân ra khỏi huyện nhà, nên anh Ha sợ lạc đường và không dám trốn.
Sau đó anh Ha điện cho bà Lan thì bà này nói với anh là cứ theo Đánh đi thăm 1 nhà máy bia, không có chuyện gì, nhưng anh Ha không đồng ý mà đứng chờ bên đường đón xe về Hải Phòng.
Chờ hơn 1 giờ đồng hồ không đón được xe, anh Ha gọi điện cho vợ và chị khuyên chồng cứ lên xe cho Đánh chở lại bến xe Hải Phòng. Nhưng khi anh Ha ngồi lên xe, Đánh không quay lại mà chạy tiếp con đường khi nãy nên anh Ha nhảy xuống xe bỏ chạy.
Khi gặp 1 người chạy xe ôm, anh Ha hỏi đường về bến xe Hải Phòng thì người này cho biết còn khoảng 15km nữa. Anh Ha ngỏ ý đi xe ôm thì người này lấy giá 80.000 đồng và chở anh lại bến xe.
Biết anh Ha ở bến xe, Thủy và Đánh lại tìm, rủ anh Ha đi ăn cơm nhưng anh cự tuyệt. “Tôi không đi vì sợ chúng bỏ thuốc”, anh Ha nói.
Thấy vậy, Thủy và Đánh bỏ đi, còn anh Ha vào trình báo sự việc với bảo vệ bến xe và được đưa tới công an địa phương. Sau khi nhận trình báo của anh Ha, công an ở địa phương đã liên hệ với công an xã Phú Mỹ để xác mình nhân thân của anh Ha và tạo điều kiện đưa anh Ha ra bến xe lên xe về TP.HCM.
Thật éo le, bởi khi đó trong túi anh Ha chỉ còn khoảng 400.000 đồng, không đủ tiền mua vé xe về lại quê nhà. Anh gọi cho bà Lan biết thì bà này gọi cho Thủy. Lát sau, Thủy đến bến xe đưa cho anh Ha 600.000 đồng để anh mua vé về TP.HCM.
Trong khi đó, vé xe là 850.000 đồng, anh Ha phải bù vào 250.000 đồng mới có vé để trở về cùng gia đình.
Đến chiều ngày 1.4 anh Ha có mặt tại nhà mình ở ấp Bét Tôn. Trò chuyện cùng PV, anh Ha nói: “Khi lên xe từ Hải Phòng về TP.HCM, tôi không yên tâm vì sợ chúng nó (Đánh, Thủy) cho người đi cùng xe, lợi dụng mình sơ hở để bắt lại.Do đó, dọc đường tôi không dám ngủ, ăn uống cũng nhìn trước ngó sau, không mạnh miệng chút nào. Ngồi trên xe cứ cầu trời Phật cho mình được bình yên để trở về với mẹ, với vợ con và bà con làng xóm”.
Bà Lý Thị Cong (75 tuổi, mẹ ruột anh Ha) nói: “Khi nghe Đánh rủ đi, cả nhà không ai nghi ngờ gì vì Đánh là bà con. Nhưng khi nghe con điện về, tụi tui nghi nó bị lừa bán sang Trung Quốc nên cả nhà ai cũng khóc, sợ có chuyện không hay đến với nó. Mấy ngày đó tui niệm Phật cầu cho con bình yên trở về.Khi về đến nhà, mặt mày con tui xanh như tàu lá, ốm nhom ốm nhách, thấy mà tội. Bây giờ con về rồi tui mới dám tin chứ mấy bữa trước, cứ nghĩ là mất con thật rồi. Nó mà đưa qua được bên Trung Quốc thì không biết đường nào mà về cả, chưa nói là nó đem bán cho kẻ xấu lấy nội tạng”.
Còn chị Khoa nói trong nước mắt: “Bữa chồng đi, cả nhà không có đồng nào, hỏi mượn trước của chủ nơi chồng làm thuê được mấy trăm ngàn. Cứ nghĩ chị mình là người tốt, ai dè nó là kẻ xấu. May mắn chồng em đã trở về an toàn. Hôm nghe anh điện về, cả nhà ai cũng khóc vì lo lắng”.
Theo chị Khoa, ngày nhận tin chồng đang trên đường từ Hải Phòng về TP.HCM, cả ngày lẫn đêm chị và mọi người nôn nao chờ được đón anh về nhà.Oái oăm thay, lúc đó trong túi chị không còn đồng nào nên phải nhờ sự giúp đỡ của bà con trong xóm, người giúp ít, kẻ cho nhiều để chị có tiền bắt xe từ Sóc Trăng lên TP.HCM đón chồng về. Về đến nhà, trong túi anh Ha còn đúng 15.000 đồng...
Những người tổ chức chuyến đi trốn biệt
Sau khi anh Ha trở về nhà, nhiều người thân và anh liên tục điện thoại vào số máy của Thủy, Lan và Đánh, nhưng chuông reo mà không ai nghe máy. Và trước đó, họ cũng không hề có lời giải thích nào về những việc làm mờ ám của mình.
Điều mà anh Ha lo lắng nhất, chính là số phận của 2 người cùng địa phương đi cùng với mình trong chuyến xe ngày 28.3 ấy, đã ở lại TP.HCM cùng Lan...
Trao đổi với chúng tôi về nhân thân bà Danh Thị Lan, cán bộ xã Thuận Hưng cho biết đúng bà Lan là người Thuận Hưng nhưng đi lên TP.HCM đã lâu, ít khi về nhà và cũng không ai biết bà ta làm gì, ở đâu. Ngay chị Khoa là em gái nhưng cũng không biết chị mình làm gì, ở đâu cả.
Hoàn cảnh vợ chồng anh Ha thật khó khăn khi cả nhà không có đất đai sản xuất nên sinh sống bằng làm thuê làm mướn. 2 đứa con gái đã lớn (20 và 17 tuổi) không có việc làm nên cũng phải đi làm thuê như cha mẹ….
Ông Trần Cam (ngụ cùng địa phương) chia sẻ: “Hoàn cảnh Vô Ha khó khăn lắm, chưa bao giờ ra khỏi huyện nên nghe có người quen rủ đi du lịch ở miền Bắc là đi liền. May mà kẻ xấu chưa kịp hành động chứ nếu không thì Ha không thể về nhà với vợ con được nữa.Chuyện của anh Ha cũng là bài học cảnh giác cho những người dân ở địa phương phải cẩn thận kẻo rơi vào tay kẻ xấu thì khổ cả đời”.
Bà con đề nghị Công an huyện Mỹ Tú phối hợp với Công an TP.HCM và Công an TP.Hải Phòng làm rõ nhân thân cũng như hành vi của ngững người như Đánh, Thủy và Lan.
Đại tá Trần Quyết Liệt, Trưởng Công an huyện Mỹ Tú cho biết: “Chúng tôi chưa nghe báo cáo vụ việc này. Qua thông tin của nhà báo, công an huyện sẽ chỉ đạo công an xã Phú Mỹ và các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ rà soát, nắm rõ thông tin và có kết luận cụ thể”.
Phong Vũ