Đội tuyển bóng đá Việt Nam (BĐVN) đã thắng Hồng Kông 1-0 trong ngày ra mắt của ông Philippe Troussier trên cương vị HLV đội tuyển quốc gia Việt Nam, và người hâm mộ BĐVN nên học gì từ các cổ động viên Hồng Kông?
Phút 90+1, màn hình trực tiếp trận đấu chiếu cận cảnh nhóm nhỏ cổ động viên (CĐV) Hồng Kông vẫn nhiệt tình cổ vũ đội nhà dù khi đó đội Hồng Kông đang bị dẫn và trận đấu chỉ còn vài phút. Nhưng điều đáng nói ở khung hình này là gì? Là các CĐV Hồng Kông đều mặc áo màu đỏ - trắng. Đó là màu áo đội tuyển, màu áo thi đấu sân nhà, sân khách của đội Hồng Kông.
Trong khi đó, khán đài sân vận động Lạch Tray với sức chứa 30.000 khán giả không còn chỗ trống, thậm chí, số lượng khán giả còn đông hơn sức chứa của sân.
Thế nhưng, có bao nhiêu khán giả Việt Nam đến sân cổ vũ đội tuyển nước nhà mặc áo đội tuyển Việt Nam (ĐTVN)?
Không thể biết con số chính xác, nhưng chắc chắn là rất ít so với số lượng người khoác trên mình những chiếc áo màu đỏ nhưng không phải là áo ĐTVN. Đó là sự khác biệt không nên có khi chúng ta chứng kiến các CĐV trên thế giới cũng như ngay trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan hay Malaysia - họ luôn mặc áo đội tuyển quốc gia khi đến sân cổ vũ đội nhà.
Đây không phải là vấn đề mới và chúng ta cần sớm thay đổi. VFF không ít lần kêu gọi CĐV ủng hộ ĐTVN nói "không" với áo nhái (fake). VFF cũng đã chính thức kêu gọi các CĐV, nếu thương yêu, ủng hộ ĐTVN thì hãy mua áo đấu chính hãng khi tham gia cổ vũ cho đội tuyển vì đó là chuyện bình thường mà CĐV các nước trong khu vực và thế giới vẫn làm.
Phủ đỏ khắp các khán đài là hình ảnh rất đẹp mỗi khi ĐTVN thi đấu trên sân nhà cũng như trên sân khách, nhưng màu đỏ đó nên là màu đỏ của áo thi đấu chính thức của đội ĐTVN. Đẹp ở đây không chỉ là hình thức mà quan trọng hơn đó là cái đẹp linh hồn. Cái đẹp đó còn đem lại giá trị thương mại, sự chuyên nghiệp cho một nền bóng đá.
Không phải ngẫu nhiên trước sự xuất hiện việc kinh doanh áo, mũ, khăn quấn đầu... tại khu vực sân vận động ĐTVN thi đấu từ cấp U đến đến đội tuyển quốc gia, AFC đã phải lên tiếng cảnh cáo hiện tượng này.
Theo VFF, AFC đã đưa ra những cảnh cáo về quyền thương mại và quyền kinh doanh tại các giải đấu. Theo đó, quyền kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ trong khu vực sân vận động thuộc về ban tổ chức địa phương. Có nghĩa là các đơn vị, cá nhân không liên quan tới giải đấu không được tổ chức các hoạt động kinh doanh tại khu vực này nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của BTC địa phương. Tất nhiên BTC địa phương mà kinh doanh những mặt hàng này cũng phải theo quy định của AFC.
AFC cũng rất nghiêm trong việc bảo vệ quyền sở hữu hình ảnh, thương hiệu cùng các quyền khai thác thương mại của các giải trong hệ thống AFC. Do đó họ nghiêm cấm việc “quảng cáo lậu” nếu như các CĐV mặc áo, mũ hay sử dụng bất kỳ trang thiết bị cổ vũ nào mà có hình ảnh, logo các công ty, doanh nghiệp không sở hữu quyền thương mại ở các giải của AFC. Nếu vi phạm, AFC sẽ tiến hành các biện pháp trong phạm vi thẩm quyền để bảo vệ quyền thương mại của giải theo quy định của điều lệ.
Tất nhiên, trận đấu ĐTVN thắng Hồng Kông chỉ là trận giao hữu, nhưng dưới góc độ hình ảnh “hồn cốt ĐTVN” cũng như là thương mại, thì ĐTVN đã thua, và nhìn tổng thể, BĐVN chưa bao giờ thắng khi đại đa số các CĐV đến sân cổ vũ luôn mặc áo không phải là áo thi đấu chính thức của ĐTVN.
Đây là nguyên nhân khiến cho những thương hiệu toàn cầu trước đây từng tài trợ trang phục thi đấu cho ĐTVN như Adidas và Nike đã lần lượt rút lui khi họ thấy hiệu quả không đạt được như mong muốn khi số lượng áo nhái, áo giả xuất hiện quá nhiều trên thị trường.
Tất nhiên, giá một áo thi đấu chính thức sẽ cao hơn áo nhái, áo giả, nhưng không phải vì thế mà ĐTVN nói riêng và nền BĐVN "bất lực" trước hiện tượng "bất thường" tồn tại hiển nhiên bao năm qua.
Ở đây là ý thức, là tình yêu trọn vẹn của người hâm mộ dành cho đội tuyển quốc gia. Việc sử dụng áo nhái của người hâm mộ sẽ khiến cho giá trị những hợp đồng tài trợ trang phục thi đấu cho ĐTVN giảm sút đáng kể. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ ảnh hưởng việc sử dụng hàng nhái, hàng giả của người hâm mộ. Bởi khi nhìn vào thực tế này, cả thế giới chứ không riêng gì thế giới bóng đá sẽ có một cái nhìn không hay về tính không chuyên nghiệp của người Việt Nam và BĐVN.
Người Việt Nam tự hào là những người hâm mộ bóng đá bậc nhất Đông Nam Á và không hề thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Như cựu HLV đội tuyển BĐVN Park Hang-seo đã nói rằng, người Việt Nam hâm mộ bóng đá rất nồng nhiệt, nhưng đó là yêu bóng đá chiến thắng. Có nghĩa là nếu thành tích BĐVN sa sút, khán đài sẽ trống vắng, khi ĐTVN thua thì khán giả sẽ về sớm.
Còn trước mắt, như chúng ta thấy qua trận ĐTVN thắng Hồng Kông, dù đội nhà có thua, các CĐV Hồng Kông vẫn nhiệt tình cổ vũ, họ vẫn yêu, vẫn tự hào về đội tuyển nước họ và vẫn luôn khoác lên người chiếc áo thi đấu chính thức của đội tuyển quốc gia.
Nói, người hâm mộ BĐVN nên học CĐV Hồng Kông là vậy!