Đây là ý kiến của TS. Lê Thanh Hà, Phó viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn khi trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu mới đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

‘Người lương thấp muốn nghỉ hưu sớm, người lương cao muốn tăng tuổi hưu’

Trí Lâm | 12/10/2016, 15:45

Đây là ý kiến của TS. Lê Thanh Hà, Phó viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn khi trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu mới đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan này đang cân nhắc các phương án tăng tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức, trước khi đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật lao động.

Dự kiến có hai phương án, tăng từ 60 lên 62 đối với nam và tăng từ 55 lên 58 hoặc từ 55 lên 60 đối với nữ. Việc tăng tuổi nghỉ hưu nhằm ứng phó với già hóa dân số, sử dụng tốt nguồn nhân lực và cân đối quỹ lương hưu

Lý do đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra là để tránh “vỡ quỹ bảo hiểm xã hội” và khắc phục tình trạng già hóa dân số của Việt Nam, đồng thời sử dụng tốt nguồn nhân lực.

Được biết, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã đề xuất từ năm 2016 trở đi thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức (nữ từ 55 lên 60 tuổi và nam từ 60 lên 62 tuổi); từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Tuy nhiên, đề xuất này không được Quốc hội chấp thuận.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giớivề vấn đề này, TS. Lê Thanh Hà, Phó viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng, tăng tuổi hưu là quy luật chung của cả thế giới, nhưng vận dụng vào Việt Nam thì cần phải tính toán kỹthời điểm, thành phần và có lộ trình cụ thể.

Theo ông Hà, khi tuổi thọdân số tăng lên thì chúng ta phải tăng tuổi nghỉ hưu,đây là điều cả thế giới họ làm. Tuy nhiên, tăng thế nào và tăng ở thời điểm nào thì cần phải tính toán kỹ, cần phải có lộ trình rõ ràng chứ không nên đột ngột quá, dư luận sẽ không ủng hộ.

“Cùng với việc tăng tuổi hưu thì phải cải thiện điều kiện lao động. Cần phải xét tùy vào loại hình công việc khác nhau mà có phương án tăng tuổi hưu khác nhau. Những người làm công việc nặng nhọc thì họ muốn nghỉ hưu sớm, còn người công việc nhàn nhã hơn thì họ mong muốn nghỉ hưu muộn hơn. Có nhiều người họ rất mong muốn được về hưu sớm bởi đặc thù công việc của họ” – ông Hà nói.

Vị chuyên gia này cho rằng, hiện nay có hai luồng ý kiến. Với những người có đồng lương ít ỏi thì họ không có động lực để kéo dài công việc thêm. Người ta nghĩ về hưu được đồng nào thì được rồi sau khi về hưu đi làm thêm cái khác. Còn những người có chức vụ, lương cao, làm nhàn thì họ lại mong muốn ở lại, bởi vì về hưu cũng phải tìm việc khác để làm.

Một trong những lý do để tăng tuổi hưu là để đảm bảo an toàn cho quỹ bảo hiểm xã hội cũng như ứng phó với tình trạng già hóa dân số. Ông Hà cho rằng, nếu không tăng tuổi hưu thì phải nâng cao tỉ lệ đóng bảo hiểm, hoặc giảm tỉ lệ hưởng đi thì mới có thể đảm bảo được quỹ bảo hiểm xã hội.

Theo ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết, tuy nhiên tăng ở thời điểm nào cần phải tính toán kỹ. Hiện nay nguồn nhân lực trong nước còn dồi dào, trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động rất lớn.

Ông Thọ còn cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng đến một số lượng lớn lao động trẻ đang cần chỗ làm việc, nếu người đến tuổi nghỉ theo quy định mà ở thêm thời gian thì sẽ mất cơ hội của người trẻ.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết quý 2 năm 2016 cả nước có 1.088 triệu người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 16.400 người so với quý 1 năm 2016.

Đáng chú ý, trong số những người bị thất nghiệp có tới 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật, cụ thể có 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên, 94.800 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và 59.100 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp.Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên thành thị là 11,3% trong tổng số người thất nghiệp,gấp 5 lần tỷ lệ thất nghiệp chung. Ngoài ra, số người thất nghiệp dài hạn trên 12 tháng chiếm tới 22,6% tổng số người thất nghiệp.

Theo con số của Bộ Nội vụ, năm 2015 đã tinh giản được trên 5.300 người, trong đó có tới hơn 4.500 người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, trên 800 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 4 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học và 10 người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước.

Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam mới đây cũng cho biết, dự tính năm 2016, tổng số dư Quỹ Bảo hiểm xã hội bắt buộc, tự nguyện, thất nghiệp) khoảng 497.594 tỉ đồng, tăng 18% so với năm 2015 (tăng hơn 75.900 tỷ đồng). Ngoài ra, Quỹ Bảo hiểm xã hội dự phòng còn kết dư 5.200 tỉ đồng.

Hoàng Long
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
1 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Người lương thấp muốn nghỉ hưu sớm, người lương cao muốn tăng tuổi hưu’