Trước khi mất vì căn bệnh ung thư, người phụ nữ 63 tuổi đã kịp cứu 2 chàng trai thoát khỏi mù mắt do tai nạn lao động, trong đó có chàng trai bị mù mắt phải gần 30 năm.
Cả 2 chàng trai thoát khỏi mù mắt trên là anh L.Đ.K. (27 tuổi, quê ở huyện Hồng Dân, tỉnh Bạch Liêu) và anh P.V.C. (33 tuổi, quê huyện Phú Tân, tỉnh An Giang).
Trong đó, C. bị mù mắt phải từ khi lên 4 tuổi, do người nhà sơ ý để C.chơi một mình và bị hạt thóc bay vào mắt khiến bị sẹo giác mạc. “Lúc đó nhà không hay biết, thời gian sau mắt phát bệnh, mới đưa đi bác sĩ kiểm tra thì phát hiện mắt phải đã bị hư. Sau khi bác sĩ mổ xong thì mắt phải bị mù luôn. Mặc dù vậy, hiện nay hàng ngày em đi phụ hồ ở Bình Dương để có tiền lo cho vợ và con”, anh C. chia sẻ.
Riêng đối với K., bị mù mắt là do sơ suất trong lúc bảo trì máy cách đây hơn 2 năm, khiến bệnh nhân không chỉ bị sẹo giác mạc, không thấy đường mà còn thường xuyên bị nhức đầu, chóng mặt…
Người phụ nữ hiến giác mạc để cứu 2 chàng trai trên thoát khỏi mù mắt là bà H.T.T.(63 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM). Bà T. bị ung thư vú giai đoạn cuối và đã đăng ký hiến giác mạc tại Đơn vị điều phối các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến ngày 19.10.2020, bà T. nguy kịch và mất tại nhà riêng. Nhận được tin báo, Ngân hàng mắt của Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM đã đến lấy 2 giác mạc của bà T. đem về bảo quản tại đây.
Ngày 26.10, bác sĩ Quách Thanh Hưng – Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi cho biết, cả 2 bệnh nhân trên đã được bệnh viện thực hiện ghép giác mạc thành công và thoát khỏi mù lòa từ 2 giác mạc của người hiến bị ung thư qua đời. Đây là 2 bệnh nhân nghèo được ghép giác mạc hoàn toàn miễn phí từ sự hỗ trợ của Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM và của bệnh viện. “Sau 3 ngày phẫu thuật ghép giác mạc, đến sáng nay (26.10), cả 2 bệnh nhân trên đã hoàn khỏe mạnh, được tháo băng và cho xuất viện”, bác sĩ Hưng cho hay.
Theo BS.CK2 Trần Thanh Danh – Trưởng Khoa mắt, Bệnh viện Nguyễn Trãi, mỗi ca phẫu thuật ghép giác mạc kéo dài 45 phút. Trước khi ghép, các bác sĩ tiến hành sử dụng thuốc hạ nhãn áp, sau khi ghép bệnh nhân được sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
Bác sĩ Danh cho rằng, thành công trong ghép tạng nói chung và ghép giác mạc nói riêng phụ thuộc vào tỷ lệ thải ghép. Đối với giác mạc phải nuôi bằng nước mắt nên khó khăn hơn trong việc thải ghép.
“Tỷ lệ thải ghép sau khi ghép giác mạc tại Việt Nam khoảng 20 đến 40%. Tỷ lệ thải ghép tùy theo mức độ, nếu người hiến giác mạc càng trẻ thì tỷ lệ thải ghép càng thấp. Hiện mắt của 2 bệnh nhân sau khi ghép giác mạc đã cải thiện rõ rệt, đã có thể nhìn thấy những vật xung quanh”, bác sĩ Danh nói.
Theo Bệnh viện Nguyễn Trãi, trong hơn 10 năm qua, bệnh viện đã phối hợp với Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM thực hiện được 49 ca ghép giác mạc nhân đạo. Từ việc ghép giác mạc miễn phí này đã giúp tìm lại ánh sáng đã mất cho nhiều người nghèo khổ, bất hạnh.
Trong khi đó, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM cho biết, hiện đơn vị này đang còn gần 2.000 hồ sơ bệnh nhân nghèo đăng ký ghép giác mạc. Tuy nhiên, mỗi năm Hội này chỉ thực hiện được 2 đến 3 ca ghép giác mạc nhân đạo.
Do đó, tiêu chỉ để chọn bệnh nhân nghèo được ghép giác mạc phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên. “Cũng là bệnh nhân nghèo, nhưng sẽ ưu tiên bệnh nhân có hoàn cảnh hơn được thực hiện ghép giác mạc trước. Trong trường hợp những bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh như nhau thì người nào đăng ký trước sẽ được ghép giác mạc trước”, bác sĩ Danh cho biết.