Tại một hội nghị BĐS tại TP HCM, đại diện CBRE Việt Nam đưa ra số liệu người Trung Quốc chiếm tới 44% giao dịch nhà ở. Về số liệu gây sốc này, trao đổi với phóng viên, đại diện Hiệp hội BĐS TP HCM cho rằng thông tin không chính xác, đây chỉ là cách tính riêng của công ty nghiên cứu thị trường này.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam - cho biết, số liệu thống kê Hiệp hội bất động sản Việt Nam trong cùng thời điểm không ghi nhận được số liệu này.
Số liệu giật mình
Báo cáo tại hội nghị BĐS tại TP HCM mới đây, bà Dương Thùy Dung - GĐ cấp cao của CBRE Việt Nam - đã thông tin, nếu như 6 tháng đầu năm 2017, nhà đầu tư nội địa chiếm 79% giao dịch trên thị trường căn hộ thì sau một năm bức tranh đã đổi màu. Cụ thể, người mua nhà Việt Nam chiếm khoảng 24% các giao dịch trên thị trường trong 9 tháng đầu năm 2018. Từ việc không có mặt trong top 5 dẫn đầu thị trường với chỉ 4% vào năm 2017, người mua Trung Quốc vươn lên dẫn đầu thị trường, chiếm 31% giao dịch trong 9 tháng đầu năm 2018, nếu tính cả Đài Loan và Hồng Kông, lượng người Trung Quốc mua nhà chiếm tới 44%.
Theo bà Dung, nếu 2 năm trước, lượng khách đến từ Hàn Quốc là đông đảo nhất thì hiện nay số lượng khách mua từ Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan đang dẫn đầu về các hoạt động đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài tập trung nhiều ở phân khúc căn hộ cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng, nhiều nhất vẫn là phân khúc căn hộ cao cấp ở những khu vực trung tâm TP HCM. “Rất nhiều người nước ngoài quan tâm đến nhà Việt Nam. Chúng tôi đã đối thoại và làm việc với nhà đầu tư, chủ đầu tư. Sự quan tâm không chỉ đến với sàn của chúng tôi mà còn nhiều sàn khác và ngày càng nhiều hơn. Chúng tôi nhìn vào số liệu của riêng mình thì thấy nó ngày càng khác” - bà Dung nói.
Ngoài ra, bà Dung cũng đưa thông tin gây bất ngờ về việc người chưa từng đặt chân đến Việt Nam cũng mua nhà ở TP HCM. Cụ thể, vị giám đốcCBRE cho biết, khác 3 năm trước, khách mua là người nước ngoài sinh sống và làm việc trong nước, giờ có những người sinh sống ở nước ngoài và thậm chí còn chưa từng đặt chân vào Việt Nam.
Chỉ là cách tính riêng của CBRE
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - cho rằng, báo cáo mới đây của CBRE chỉ chính xác với cơ sở dữ liệu khảo sát mua bán tại đơn vị này. “CBRE chủ yếu môi giới ở phân khúc bất động sản cao cấp và trung cao cấp, chứ phân khúc trung cấp và nhà giá dưới 30 triệu đồng/m2không làm khảo sát. Trong khi đó, phân khúc trung, cao cấp thuộc đối tượng khách hàng của đơn vị này 1 năm chỉ khoảng 5.000 - 7.000 người. Có thể tỉ lệ được tính trên con số này” - ông Châu nói. Ngoài ra ông Châu phản bác, CBRE Việt Nam cho rằng, có người Trung Quốc chưa đến Việt Nam lần nào vẫn mua nhà là không chính xác vì luật Việt Nam chưa cho phép. Cụ thể, Luật nhà ở chỉ cho phép người nước ngoài sau khi nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam được mua nhà.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam - cho rằng, các số liệu thống kê của Hiệp hội bất động sản Việt Nam tại TP HCM trong quý III/2018 không ghi nhận thống kê người Trung Quốc chiếm tới 44% giao dịch bất động sản. “Chúng tôi ghi nhận những nước có dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam thì kéo theo những công dân nước này mua nhà chiếm tỉ lệ lớn nhất. Trong đó, người Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia đang dẫn đầu” - ông Đính nói.
Bên cạnh đó, ông Đính đưa ra phân tích, quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng tại từng địa phương, và trên cơ sở này UBND các tỉnh công bố dự án nhà ở người nước ngoài được phép mua.
Theo Lao Động
Đại diện Sở Xây dựng TPHCM cho biết, hiện không thể thống kê số liệu người nước ngoài mua nhà tại các dự án trên địa bàn vì không có quy định chủ đầu tư phải báo cáo thông tin khách hàng cho cơ quan quản lý. Chỉ khi chủ đầu tư đi làm thủ tục cấp giấy chủ quyền cho khách hàng mới có thể thống kê được. Trong gần 1 năm qua, việc thống kê số người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chưa được các cơ quan chức năng công bố. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, khi có Luật Nhà ở 2014 tới tháng 8.2017 mới chỉ có 750 trường hợp người nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà tại Việt Nam.