Viện Chính sách xã hội châu Á (ASPI) cảnh báo Trung Quốc có thể quân sự hóa một số dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) vì chúng đủ khả năng phục vụ cho cả mục đích thương mại lẫn quân sự.

Nguy cơ hạ tầng Vành đai và Con đường có công năng phục vụ quân sự

12/09/2020, 11:19

Viện Chính sách xã hội châu Á (ASPI) cảnh báo Trung Quốc có thể quân sự hóa một số dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) vì chúng đủ khả năng phục vụ cho cả mục đích thương mại lẫn quân sự.

Cảng Hambantota ở Sri Lanka - Ảnh: SCMP

Theo ASPI, Trung Quốc tạo ra mô hình xây dựng cơ sở hạ tầng đa mục đích tại hàng loạt quốc gia hòng thiết lập nên hệ thống thương mại, công nghệ, tài chính cùng nhiều điểm mạnh chiến lược lấy nước này làm trung tâm – mở đường cho việc sử dụng sức mạnh quân sự làm suy yếu vai trò đảm bảo an ninh của Mỹ tại Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Minh chứng tiêu biểu cho toan tính trên là hoạt động xây dựng cảng thương mại đáp ứng yêu cầu quốc phòng, xuất khẩu mạng lưới vệ tinh Bắc Đẩu, tăng cường tập trận chung cũng như bán vũ khí cho nước tham gia BRI.

ASPI đặc biệt lưu ý 4 hải cảng: Gwadar ở Pakistan, Koh Kong (gồm cả căn cứ hải quân Ream) ở Campuchia, Hambantota ở Sri Lanka, Kyaukphyu ở Myanmar.

“Chúng được thiết kế như điểm giao thương kết hợp hỗ trợ hậu cần quân sự thay vì là căn cứ quân sự truyền thống. Thay vì trở thành căn cứ quân sự để triển khai quân đội và tiến hành hoạt động chiến đấu thực tế, các cơ sở phù hợp đóng vai trò nơi tiếp tế cho lực lượng trên biển hơn, thúc đẩy khả năng xâm nhập Ấn Độ Dương và hỗ trợ nhiệm vụ phi chiến đấu khác”, ASPI phân tích. Viện nghiên cứu nói thêm rằng dự án thuộc BRI không chỉ làm tăng sự phụ thuộc vào Trung Quốc của quốc gia nơi đặt dự án về mặt kinh tế, mà còn cả về mặt công nghệ, từ đó làm giảm sự phụ thuộc vào hệ thống thương mại cùng công nghệ phương Tây.

Về vệ tinh Bắc Đẩu, đến nay đã có hơn 30 nước tham gia BRI sử dụng mạng lưới này cho mục đích dân dụng. Riêng Pakistan được phép dùng cả chức năng quân sự.

“Khi Trung Quốc tiếp tục phát triển mạng 5G tại các nước tham gia BRI rồi kết nối chúng với Bắc Đẩu, chính quyền Bắc Kinh sẽ tích lũy thêm ảnh hưởng cũng như khiến lợi ích thương mại, ngoại giao, chiến lược của Mỹ suy giảm”, theo ASPI.

Tuy nhiên BRI không phải không gặp khó: tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc lúc đại dịch COVID-19 hoành hành ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng huy động nguồn lực. ASPI khẳng định Mỹ vẫn còn nhiều cơ hội cạnh tranh, chính quyền Washington nên hợp tác với đối tác khu vực như Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, ASEAN cung cấp giải pháp thương mại lẫn quân sự thay thế.

Cẩm Bình (theo SCMP)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguy cơ hạ tầng Vành đai và Con đường có công năng phục vụ quân sự