Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời nhiều chuyên gia đánh giá mục đích chuyến thăm Trung Quốc mới đây của Chủ tịch nước CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un là nhằm có được sự ủng hộ từ phía Bắc Kinh trước khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên bất ngờ thăm Trung Quốc với mục đích gì?

Cẩm Bình | 28/03/2018, 10:50

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời nhiều chuyên gia đánh giá mục đích chuyến thăm Trung Quốc mới đây của Chủ tịch nước CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un là nhằm có được sự ủng hộ từ phía Bắc Kinh trước khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra.

Tân Hoa Xã ngày 28.3 đưa tin Chủ tịch Kim đã có chuyến thăm khôngchính thức 4 ngày (từ 25-28.3) đến Bắc Kinh và hội đàm với Chủ tịch nước Tập Cận Bình.

Ông Tập đón tiếp nhàlãnh đạo Bình Nhưỡng “rất nồng nhiệt” và khẳng định rất xem trọng quan hệ Trung-Triều. Đáp lại, ông Kim vì “tình đồng chí lẫn trách nhiệm” thấy rằng cần phải trực tiếp thông báo tình hình bán đảo Triều Tiên với nhà lãnh đạo Bắc Kinh, theo Tân Hoa Xã.

Ông Kim khẳng định tình hình bán đảo đang diễn biến tốt, và xác nhận sẵn sàng đàm phán với Mỹ. Trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, phía Bình Nhưỡng hy vọng cùng với Trung Quốc tăng cường liên lạc chiến lược, cùng nhau duy trì đà đối thoại và hòa bình, ổn định tại khu vực.

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Kim kể từ khi ông lên nắm quyền (năm 2011) đến nay. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh các bên đang chuẩn bị cho cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo Giáo sư Bates Gill của Khoa Nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc Đại học quốc gia Úc, chuyến thăm Bắc Kinhlà dấu hiệu cho thấy Chủ tịch Kim rất muốn Trung Quốc đứng về phía nước này trước khi ông hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Trump.

“Việc ông Kim đến Bắc Kinh và gặp Chủ tịch Tập là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến hai ông Moon và Trump rằng Trung Quốc sẵn sàng dành sự ủng hộ, ít nhất là về mặt chính trị. Kim hiểu rằng khi bước vào những cuộc gặp chiến lược cấp cao kiểu này, ông ta cần có được tất cả những người bạn có thể có được, hay ít nhất là xây dựng được hình tượng “có nhiều bạn bè””, Giáo sư Gill nhận định.

Triều Tiên mong có được sự ủng hộ từ Trung Quốc trước khi bước vào đối thoại với Mỹ ­- Ảnh: Tân Hoa Xã

Còn theo ông Chu Thần Minh, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, quyết định chọn Trung Quốc là nước đi thăm đầu tiên kể từ khi lên cầm quyền của Chủ tịch Kim cũng có mục đích nhằm đảm bảo với Bắc Kinh rằng Triều Tiên không vì có quan hệ gần gũi hơn với Mỹ mà bỏ rơi quan hệ với Trung Quốc.

“Bản thân chuyến thăm đã là một bằng chứng cho thấy Bắc Kinh và Bình Nhưỡng vẫn đang duy trì tình hữu nghị và liên hệ cấp cao trong bối cảnh có những tin đồn về sự rạn nứt trong quan hệ song phương”, ông Chu đánh giá.

Dưới thời Chủ tịch Kim, Bình Nhưỡng đã thực hiện 4 vụ thử hạt nhân cùng hàng loạt vụ phóng tên lửa, buộc Trung Quốc phải ủng hộ và thực hiện những biện pháp trừng phạt mà Liên Hợp Quốc áp đặt với Triều Tiên. Vì vấn đề này mà quan hệ Trung-Triều được cho là đã rạn nứt, và Bắc Kinh đã không còn sức ảnh hưởng gì đến người hàng xóm của mình.

Theo chuyên gia Chu: “Ông Kim dường như cảm thấy được áp lực từ những lệnh trừng phạt ngày một khắc nghiệt và tuyệt vọng thực hiện những bước đi chủ động để tránh chế độ bị sụp đổ, đất nước rơi vào đói nghèo”.

Tuy nhiên, ông Chu cho biết thêm, cũng có thể lãnh đạo Triều Tiên muốn tận dụng tình hình Mỹ-Trung đang có căng thẳng ngày càng tăng trong thương mại, thúc đẩy lợi ích nước này bằng cách dùng “lá bài Trung Quốc” trước cuộc gặp với Tổng thống Mỹ.

Euan Graham, Giám đốc chương trình an ninh quốc tế của Viện Nghiên cứu Lowy (Úc)đánh giá việc Triều Tiên muốn có Trung Quốc hậu thuẫn khi bước vào cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều cũng là điều dễ hiểu, đặc biệt sau khi Washington gần đây bổ nhiệm ông John Bolton, một người có tư tưởng “diều hâu” với Bình Nhưỡng, làm Cố vấn an ninh quốc gia.

“Bình Nhưỡng muốn chắc chắn rằng sẽ không bị một thỏa thuận Mỹ-Trung “đâm sau lưng” trước khi cuộc gặp Kim-Trump diễn ra. Nếu mọi chuyện diễn biến xấu, nước này có một cường quốc và đồng minh đứng bên mình, điều mà Mỹ cần xem xét đến”, theo ông Graham.

Benoit Hardy-Chartrand, giảng viên Đại học Montreal (Canada)cũng đồng tình rằng cùng hợp tác trước hai cuộc gặp thượng đỉnh đem lại lợi ích cho cả Trung Quốc lẫn Triều Tiên.Theo ông, Chủ tịch Kim muốn làm dịu căng thẳng với Trung Quốc, và thậm chí có thể yêu cầu Bắc Kim giảm bớt một số biện pháp trừng phạt nhắm vào nước này. Không những vậy, còn yêu cầu Trung Quốc ủng hộ một số yêu cầu mà Bình Nhưỡng sắp đưa ra với Mỹ (ví dụ như yêu cầu giảm bớt số binh lính Mỹ đóng tại Hàn Quốc) cũng có khả năng đã được lãnh đạo Triều Tiên đưa ra.

Được Trung Quốc ủng hộ, những yêu cầu này sẽ có “sức nặng” hơn với Mỹ, ông Hardy- Chartrand khẳng định.

Về phía Trung Quốc, chuyến thăm của ông Kim giúp làm giảm nỗi thất vọng bị “cho ra ngoài lề” trong vấn đề Triều Tiên của Bắc Kinh. Ông Hardy-Chartrand nhấn mạnh: “Mọi người đều muốn là một phần trong cuộc chơi này, bây giờ Trump và Moon đều muốn gặp Kim. Không ai muốn bị bỏ qua”.

Cẩm Bình (theo Sina, SCMP)
Bài liên quan
Phó chủ tịch Trung Quốc dự lễ nhậm chức của ông Trump
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cử Phó chủ tịch Hàn Chính sang dự lễ nhậm chức ngày 20.1 của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, đánh dấu lần đầu tiên một nhân vật cấp lãnh đạo của nước này hiện diện tại sự kiện như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà lãnh đạo Triều Tiên bất ngờ thăm Trung Quốc với mục đích gì?