Chuẩn bị gặp trực tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga phải chịu sức ép cùng các quốc gia phương Tây áp đặt trừng phạt với Trung Quốc do nước này vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Căng thẳng Trung Quốc - phương Tây leo thang thời gian gần đây. Mỹ, Canada cùng hàng loạt quốc gia khác vừa đồng loạt triển khai trừng phạt quan chức Trung Quốc, còn phía chính quyền Bắc Kinh tiếp tục bác bỏ cáo buộc vi phạm nhân quyền, đồng thời thực hiện biện pháp trả đũa.
Lâu nay Nhật Bản luôn tránh áp dụng trừng phạt kinh tế với đối tác thương mại lớn nhất của mình, nhưng trong nội bộ đảng cầm quyền hiện tại đã có tiếng nói kêu gọi Thủ tướng Suga hành động quyết liệt hơn.
“Nhật là quốc gia G7 duy nhất không tham gia chiến dịch trừng phạt. Thật đáng xấu hổ khi chúng ta bị xem là nước đang vờ như chẳng biết chuyện gì đang xảy ra”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani phát biểu.
Thủ tướng Suga sẽ là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên hội kiến Tổng thống Biden tại Nhà Trắng, thời gian gặp gỡ dự kiến vào ngày 9.4. Nhật cũng là điểm đến đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, tại đây ông đã gặp gỡ người đồng cấp bàn bạc hàng loạt vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Giống như láng giềng Hàn Quốc, Nhật bị kẹt trong thế khó xử khi vừa xây dựng quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc vừa duy trì quan hệ đồng minh với Mỹ. Chính quyền Tokyo thường tìm cách giữ cân bằng và hiếm khi mạnh mẽ lên án quốc gia khác về vấn đề nhân quyền.
Vấn đề Tân Cương đang làm đau đầu không ít thương hiệu Nhật Bản. Họ đối mặt nguy cơ bị thị trường đông dân nhất thế giới tẩy chay nếu tuyên bố không dùng bông Tân Cương như tình cảnh những nhãn hàng phương Tây như H&M, Nike… đang hứng chịu.
Dù tuyên bố tiếp tục bán sản phẩm làm từ bông Tân Cương, nhưng cổ phiếu của nhà bán lẻ thời trang Nhật Muji vẫn bị sụt giảm sau khi bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cảnh báo công kích nước này không có lợi cho Nhật. Quan hệ Trung - Nhật thường căng thẳng do vấn đề lịch sử và tranh chấp chủ quyền, nhưng chính quyền Tokyo luôn tránh đối đầu trực diện nhằm tránh gây tổn hại kinh tế.
Vài năm nay Nhật cố gắng cứu vãn quan hệ song phương. Tuy nhiên rạn nứt bắt đầu xuất hiện trở lại khi họ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch G7 năm 2020, thúc đẩy nhóm ra tuyên bố chung lên án nỗ lực làm xói mòn dân chủ tại Hồng Kông mà chính quyền Bắc Kinh đang thực hiện.
Năm nay Trung Quốc thông qua luật cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng vào tàu nước ngoài, làm căng thẳng quanh tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nóng trở lại.