Đây là dự án 100% vốn nước ngoài do Công ty CP Fujiwara, Nhật Bản đầu tư tại khu vực sườn núi phía Tây núi Phương Mai, thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội với diện tích 60 ha, công suất 100 MW...
Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Nhà máy điện mặt trời và điện gió Fujiwara Bình Định với tổng vốn đăng ký đầu tư là 63,69 triệu USD (tương đươngkhoảng 1.400 tỉ đồng).
Dự án Nhà máy điện mặt trời và điện gió Fujiwara Bình Định sẽ có thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự án sẽ sản xuất điện từ năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Theo tiến độ đăng ký, dự án này sẽ được triển khai đầu tư từ quý 2/2017 và hoàn thành đi vào sản xuất và kinh doanh giai đoạn 1 (sản xuất điện mặt trời với quy mô công suất 64 MW) trong quý 1/2019, hoàn thành đi vào sản xuất và kinh doanh giai đoạn 2 (đầu tư bổ sung nhà máy sản xuất điện gió với quy mô công suất 36 MW) trong quý 1/2020.
Tỉnh Bình Định hiện nay đangđược các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến lĩnh vực năng lượng điện mặt trời, điện gió, trong số đó sẽ có 18 nhà đầu tư đăng ký dự án và có 6 dự án được tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương, khảo sát để lập dự án đầu tư.
Đây là dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thứ 2 của Nhật Bản đầu tư vào khu kinh tế Nhơn Hội và là dự án thứ 12 của Nhật Bản vào tỉnh Bình Định, nâng tổng vốn FDI từ Nhật Bản lên gần 100 triệu USD. Trước đó là dự án được cấp phép vào khu kinh tế Nhơn Hội là Nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất của Công ty CP Marubeni Lumber Nhật Bản.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 30 nhà đầu tư lớn (trong và ngoài nước) đã xúc tiến lập các dự án điện mặt trời công suất từ 20 MW đến trên 300 MW tại một số địa phương có tiềm năng, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung.
Đối với điện gió, khoảng 140 MW đã được lắp đặt và đang vận hành tại Việt Nam. Hơn 500 MW của gần 10 dự án đang xúc tiến đầu tư ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung bộ. 6 tỉnh đã có quy hoạch điện gió với tổng công suất dự kiến lắp đặt đến năm 2020 là trên 1.000 MW.
Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam sở hữu tiềm năng rất lớn về các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó tiềm năng năng lượng mặt trời cho khu dân cư và thương mại ước tính đạt tối thiểu 2 - 5 GW trong thập kỷ tới. Công suất của hệ thống mặt trời lắp trên mặt đất có tiềm năng vào khoảng 22 GW đối với khu vực miền Nam.
Trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Chính phủ Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu tăng công suất điện mặt trời từ khoảng 6 - 7 MW vào cuối năm 2015 lên 850 MW vào năm 2020, 4.000 MW vào năm 2025 và 12.000 MW vào năm 2030.
Mới đây, Thủ tướng chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg (ngày 11.4.2017) về cơ chế hỗ trợ cho dự án điện mặt trời. Việc ban hành giá mua điện mặt trời thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư tiềm năng và các cơ quan nhà nước tham gia vào phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam.
Tuyết Nhung