Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Úc đồng ý làm việc chặt chẽ hơn với các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng các đảo quốc ở Thái Bình Dương, những nơi Trung Quốc đang muốn mở rộng tầm ảnh hưởng.
Trong cuộc gặp ngày 15.6 tại Nhật, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles và người đồng nhiệm Nhật Nobuo Kishi nói hợp tác khu vực là cần thiết để duy trì và củng cố một trật tự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi theo hãng tin AP là đang có sự lo ngại việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine có thể khiến Trung Quốc nâng cao sự hung hăng.
Tại cuộc họp báo chung, ông Marles nói: “Rõ ràng khu vực chúng ta đối mặt với những tình hình chiến lược phức tạp nhất kể từ khi kết thúc Thế chiến 2, như giá sinh hoạt tăng vọt, chuỗi cung ứng bị đứt gãy bởi dịch COVID-19. Chỉ có cách cùng làm việc cùng nhau chúng ta mới có thể duy trì được một trật tự quốc tế dựa theo luật, góp phần hiệu quả vào sự cân bằng sức mạnh quân sự và bảo đảm khu vực của chúng ta ổn định, hòa bình và thịnh vượng”.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Kishi cho biết ông Marles và ông đã chia sẻ sự lo ngại về tác động của việc Nga gây chiến tại Ukraine. Hai nhà lãnh đạo quân sự Nhật - Úc phản đối bất kỳ sự đơn phương thay đổi nguyên trạng nào trên biển Hoa Đông và Biển Đông, đồng thời tái khẳng định sự gắn kết với một tầm nhìn chung về trật tự quốc tế trên biển “tự do và rộng mở”.
Bộ trưởng Kishi nói: “Điều quan trọng là củng cố quan hệ hợp tác giữa chúng ta với các đối tác khu vực, nhất là với khối ASEAN và các đảo quốc ở Thái Bình Dương, nhằm duy trì và củng cố khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Hai vị bộ trưởng cũng đã gặp nhau trao đổi tại Singapore 3 ngày trước, bên lề diễn đàn đối thoại an ninh Shangri-La (SLD).
Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã có diễn văn khai mạc SLD 2022, hứa Nhật sẽ đóng góp 2 tỉ USD để hỗ trợ phát triển tàu tuần tra, các khả năng bảo vệ pháp luật trên biển cùng các sự giúp đỡ khác cho ít nhất 20 quốc gia ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương, để các quốc gia này tự vệ tốt hơn.
Ông Kishida còn cho biết Nhật sẽ tăng khả năng quân sự và chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên theo AP, nỗ lực mở rộng vai trò an ninh ở châu Á của Nhật là một vấn đề nhạy cảm, vì nhiều quốc gia từng bị Nhật chiếm hồi Thế chiến 2.
Hồi đầu năm nay, Nhật - Úc đã ký một thỏa thuận đồng tiếp cận, qua đó quân đội mỗi nước có thể nhập cảnh vào nước kia để tập luyện cùng các mục đích quân sự khác, và phối hợp với nhau chặt chẽ hơn.
Vẫn theo AP, Nhật đã ghi nhận sự gia tăng hoạt động quân sự của Trung Quốc trên biển Hoa Đông và Biển Đông, xem đó là một mối nguy cho hai tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới.
Nhật đặc biệt quan ngại các hoạt động của quân đội và cảnh sát biển Trung Quốc ở biển Hoa Đông, gần quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát nhưng bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và đặt tên là quần đảo Điếu Ngư.