Trí tuệ nhân tạo (AI) gây sốt trên toàn thế giới, nhưng dường như ngày càng ít người sáng tạo hào hứng với công nghệ này.
Nhịp đập khoa học

Nhiều nhà sáng tạo nội dung đang quay lưng lại với các ứng dụng AI hàng đầu

Sơn Vân 24/05/2024 16:19

Trí tuệ nhân tạo (AI) gây sốt trên toàn thế giới, nhưng dường như ngày càng ít người sáng tạo hào hứng với công nghệ này.

Trong tháng 5, công ty âm nhạc Epidemic Sound (Thụy Điển) đã công bố một báo cáo cho thấy có ít nhân vật truyền thông xã hội hơn sử dụng các ứng dụng AI như chatbot hoặc phần mềm chuyển văn bản thành lời nói vào năm 2024 so với 2023.

Epidemic Sound đã khảo sát 1.500 nhà sáng tạo đang tích cực kiếm tiền từ nội dung của họ, gồm cả YouTuber, podcaster và người ảnh hưởng trên mạng xã hội, để thu thập thông tin về các xu hướng hiện tại trong ngành.

Dù 84% người sáng tạo cho biết đang tận dụng AI để sáng tạo nội dung, cuộc khảo sát cũng chỉ ra việc họ dùng các ứng dụng AI hàng đầu đã giảm dần qua từng năm.

Theo cuộc khảo sát, dưới đây là các ứng dụng AI hàng đầu được các nhà sáng tạo sử dụng:

- Phần mềm nhận dạng hình ảnh hoặc video: 46,5% năm 2024, so với 64,9% năm 2023.

- Công cụ chuyển văn bản thành giọng nói tự động: 32,8% năm 2024, so với 57,4% năm 2023.

- Chatbot hoặc trợ lý ảo: 32,2% năm 2024, so với 55,6% năm 2023.

- Công cụ gợi ý cá nhân hóa: 32% năm 2024, so với 53,9% năm 2023.

Các ứng dụng AI như Midjourney và Adobe Firefly được giới thiệu để giúp việc tạo nội dung dễ dàng và phổ biến hơn. Song trong số hàng trăm người sáng tạo mà Epidemic Sound khảo sát, 48,9% bày tỏ lo ngại về chất lượng nội dung do AI tạo, 38,5% lo ngại về tính thiếu độc đáo và 33% lo ngại về đạo văn mà AI có thể gây ra. 28,7% lo ngại về những tác động đạo đức của công nghệ này, chẳng hạn rủi ro về quyền riêng tư dữ liệu và việc ghi nhận công lao chính xác.

nhieu-nguoi-sang-tao-noi-dung-dang-quay-lung-lai-voi-ai.jpg
Cuộc khảo sát mới đây với 1.500 nhà sáng tạo nội dung cho thấy việc sử dụng các ứng dụng AI hàng đầu đang giảm - Ảnh: Getty Images

Nhiều người sáng tạo đang thay đổi chiến lược do lo ngại về AI

Rất nhiều công cụ AI tạo sinh như Midjourney, DALL-E và Aug X Labs đã xuất hiện để giải quyết các nhu cầu cụ thể của người sáng tạo, từ chỉnh sửa video đến dịch ngôn ngữ. Những gã khổng lồ công nghệ như Adobe và YouTube cũng giới thiệu các tính năng tận dụng AI để hỗ trợ người dùng.

Khi AI bắt đầu phát triển vào đầu năm 2023, nhiều nhà sáng tạo nói với trang Insider rằng rất hào hứng với tiềm năng của công nghệ này và đang sử dụng nó cho nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ soạn thảo hợp đồng pháp lý đến viết bài đăng trên LinkedIn. Song những tháng gần đây, mối lo ngại ngày càng tăng về độ chính xác, thiên kiến và tính sáng tạo khiến một số người trong số họ giảm việc sử dụng ChatGPT hoặc hoàn toàn tránh xa AI tạo sinh.

Jessica Morrobel, nhà sáng tạo du lịch, nói: “Tôi lo lắng về việc AI cản trở khả năng sáng tạo, thay thế nhu cầu sử dụng bộ não của chúng ta. Nó có thể lấy hình ảnh và dáng vẻ của bạn cũng như tạo ra tài liệu, vậy thì cần gì đến chúng ta?".

Noah Jennings, nhà thiết kế web có hơn 1 triệu người theo dõi trên TikTok, nói dù các công cụ như ChatGPT đã giúp anh tăng tốc một số tác vụ, nhưng sử dụng AI tạo sinh cho phần sáng tạo trong công việc thường tốn nhiều thời gian hơn so với việc tự anh đưa ra ý tưởng.

“Đó là một quá trình đi vào ngõ cụt. Các lựa chọn của bạn chỉ là sẽ dành nhiều thời gian hơn để sửa chữa thứ này cho đến khi trông chính xác, hoặc chỉ sử dụng nó làm ví dụ, sau đó đi theo một hướng hoàn toàn khác. Nó không thực sự loại bỏ bớt các phần của quá trình", Noah Jennings lý giải.

Trong khi đó, Marina Mogilko (YouTuber giáo dục nổi tiếng từng dùng AI để viết kịch bản, tạo ý tưởng và lồng tiếng cho video) nói cô chỉ sử dụng khoảng 10% đến 20% nội dung mà ChatGPT và các công cụ AI tương tự tạo ra.

Những nhà sáng tạo mà trang Insider phỏng vấn có xu hướng sử dụng công cụ AI cho các tác vụ theo quy trình, lặp đi lặp lại nhiều hơn, thay vì thay thế các yếu tố sáng tạo trong công việc của họ.

Người sáng tạo phong cách sống Joseph Arujo nói anh chủ yếu sử dụng ChatGPT để định dạng email của mình vì nhận được rất nhiều yêu cầu hợp tác thương hiệu. Gần đây, Joseph Arujo cũng sử dụng AI tạo sinh để tạo phông nền cho bữa tiệc mà anh tổ chức cùng một người bạn.

Cherie Luo, người xuất bản nội dung giáo dục, tiết lộ cô sử dụng AI để phiên âm và tóm tắt các tập podcast của mình.

Salha Aziz, nhà sáng tạo nội dung cho người dùng, nói cô sử dụng AI cho nhiều nhiệm vụ khác nhau, gồm cả việc viết kịch bản cho video của mình. Thế nhưng, Salha Aziz nói thêm rằng cô cẩn thận khi dùng AI để tránh trường hợp kịch bản nghe quá giống robot.

Salha Aziz thổ lộ: “Nó giúp ích cho việc có được bố cục tổng thể của kịch bản, nhưng yếu tố con người mới là thứ thêm gia vị cho nó”.

Sora là mối lo ngại lớn với một số người có ảnh hưởng

Việc OpenAI ra mắt Sora, mô hình AI giúp chuyển văn bản thành video chân thực dài 1 phút, hồi tháng 2 đã gây chấn động ngành giải trí. Nam diễn viên kiêm nhà sản xuất Tyler Perry thừa nhận đã tạm dừng kế hoạch mở rộng xưởng phim trị giá 800 triệu USD mà anh từng lên kế hoạch vì Sora.

Video về những con vật không có thật được nghệ sĩ kỹ thuật số Don Allen Stevenson III tạo ra bằng Sora

"OpenAI về cơ bản đã tung ra chiếc Ferrari của AI tạo sinh. Thế nhưng, cách tiếp cận này không chỉ dành riêng cho OpenAI. Nó sẽ được các nhà cung cấp khác áp dụng sớm và sẽ trở thành tiêu chuẩn mới trong khoảng một năm tới", theo Martin Haerlin, người tự gọi mình là "đạo diễn được hỗ trợ bởi AI" và từng sử dụng nhiều công cụ AI tạo sinh khác nhau như RunwayML, Pika và Stable Video để tạo phim.

Cassey Ho, nhà sáng lập nền tảng thể dục Blogilates có hơn 16 triệu người theo dõi trên YouTube, TikTok và Instagram, nhận xét: “Sora đang phá hủy con người. Nó đang tước đi sự sáng tạo của chúng tôi và không mang lại lợi ích gì cả".

Tristan Tales, người tạo ra những video và câu chuyện kỳ lạ bằng cách sử dụng hiệu ứng hình ảnh, đang rất lo lắng, đặc biệt là về việc Sora có thể tác động đến công việc trong ngành như thế nào.

Có gần 3 triệu người theo dõi trên TikTok và Instagram, Tristan Tales cho biết: “Thật đáng lo ngại vì mức độ tuyệt vời của Sora. Sự cộng tác là phần hay nhất của quá trình làm phim và việc biết rằng Sora có thể loại bỏ một số vai trò trong đoàn làm phim khiến tôi hy vọng rằng rằng các quy định (quản lý AI) sẽ sớm được đưa ra”.

Alex Piper, lãnh đạo Night Studios, hãng sản xuất liên kết với công ty quản lý tài năng có ảnh hưởng, đã thể hiện sự lo ngại tương tự. Ông nói: “Bây giờ, thay vì bắt đầu từ đầu, nhiều người sẽ được thuê để chỉnh sửa công việc do AI tạo ra. Điều đó đồng nghĩa tổng số nhân viên sẽ ít hơn và những người vẫn được nhận việc sẽ có ít giờ để làm hơn”.

Dù vậy, những người trong ngành kinh tế sáng tạo dường như ít lo lắng hơn về việc AI sẽ thay thế khả năng của con người trong việc tạo ra những câu chuyện phức tạp và có sức ảnh hưởng.

Martin Haerlin nói: “Một mình Sora sẽ không biến mọi người thành nghệ sĩ”.

Nhà sáng tạo giáo dục Kahlil Greene, được mệnh danh là "nhà sử học thế hệ Z" với hơn 800.000 người theo dõi trên TikTok và Instagram, nói công nghệ do con người tạo ra thường phản ánh những định kiến sẵn có của họ. Do đó, trong một thế giới mà những nhà sáng tạo thuộc các cộng đồng thiểu số phải đối mặt với vấn đề như chênh lệch lương, những điều chưa được giải quyết này có thể được chuyển sang AI.

Ông nói: “Chúng tôi không có đủ người da đen làm việc trong lĩnh vực AI và phát triển những công cụ này, vì vậy điều đó sẽ được phản ánh trong các sản phẩm hoàn chỉnh mà chúng ta thấy. AI còn phải đi một chặng đường dài trước khi đến được nơi mà những người như tôi cảm thấy thoải mái khi sử dụng nó”.

Trước đây, Kahlil Greene sử dụng ChatGPT để hỗ trợ việc lên ý tưởng nội dung, nhưng đã dừng lại khoảng 5 tháng trước vì ông đọc được những lo ngại từ các nhà nghiên cứu rằng công cụ AI này đang truyền bá thông tin sai lệch.

Có hơn 33.000 người theo dõi trên Instagram, người sáng tạo nội dung du lịch Nneya Richards đã nhấn mạnh các vấn đề không ghi nguồn và đánh cắp hình ảnh của AI là lý do khiến cô ngừng sử dụng công nghệ này, sau khi thỉnh thoảng dùng ChatGPT khi chatbot của OpenAI ra mắt.

Nneya Richards nói: “Việc có thể cấp phép cho hình ảnh của bạn hoặc tạo hình ảnh của bạn là vấn đề lớn với những người sáng tạo BIPOC vì ngành này thu được lợi nhuận từ việc sử dụng tác phẩm của chúng tôi”.

BIPOC là viết tắt của Black, Indigenous, and People of Color (Người da đen, Người bản địa và Người da màu). Đây là thuật ngữ được sử dụng để bao gồm các nhóm người thiểu số trong xã hội, thường phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng. BIPOC bao gồm:

Người da đen: Người có nguồn gốc từ châu Phi, gồm cả người Mỹ gốc Phi, người Caribê và người châu Phi.

Người bản địa: Người có nguồn gốc từ các dân tộc bản địa, gồm cả người Mỹ bản địa, người Úc bản địa và người Maori.

Người da màu: Người không phải da trắng, gồm cả người châu Á, người Latinh và người Trung Đông.

Ví dụ trong những ngày đầu TikTok trở nên nổi tiếng, nhiều biên đạo múa da đen trên ứng dụng này không được ghi nhận xứng đáng cho các điệu nhảy mà họ tạo ra.

Bài liên quan
CEO Google DeepMind: Trình chuyển văn bản thành video Lumiere khó sánh kịp Sora của OpenAI
Demis Hassabis cho rằng Sora, mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) chuyển văn bản thành video của OpenAI, tiên tiến hơn công cụ Lumiere do Google DeepMind của ông sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều nhà sáng tạo nội dung đang quay lưng lại với các ứng dụng AI hàng đầu