Biệt động Sài Gòn ra đời năm 1982 với 4 tập là Điểm hẹn, Tình lặng, Cơn giông và Hãy trả lại tên cho em do hai nhà biên kịch Lê Phương và nhà báo Nguyễn Thanh viết, Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất, đạo diễn Long Vân thực hiện.
Được xếp vào hàng kinh điển của điện ảnh Việt, từng “làm mưa làm gió” khắp các rạp chiếu từ thành phố tới lưu động khắp cả nước suốt thập niên 80 - 90. Cho đến thời điểm này, dù đã trải qua 33 năm nhưng đến cả lứa khán giả 9x cũng vẫn có thể kể tên vanh vách những Tư Chung, Huyền Trang, Ngọc Mai, Sáu Tâm, Năm Hòa… 4 năm làm phim dài đằng đẵng, khó có thể kể hết bao nhiêu bài báo khai thác chuyện hậu trường phim trong suốt 33 năm ấy. Thế nhưng, đó chưa hẳn là những “bật mí” cuối cùng…
Thanh Loan: Vai diễn duy nhất trong đời
Hơn 30 năm về trước, tôi đang là phát thanh viên Truyền hình An ninh vào Sài Gòn công tác. Lúc đó, đoàn phim Biệt động Sài Gòn đã quay xong tập 1 nhưng chưa tìm được người đóng vai ni cô Huyền Trang. Vô tình, tôi gặp họa sĩ Trịnh Thái và đạo diễn Long Vân. Chỉ sau vài phút chào hỏi, các anh cùng ồ lên: “Đây chính là ni cô xinh đẹp rồi” và mời tham gia phim ngay. Khi đó, tôi khá lưỡng lự nhưng khi đọc kịch bản thì bị thuyết phục hoàn toàn. Ngặt một nỗi, bộ phim quay thời gian khá dài, lại toàn bộ ở Sài Gòn mà với tính chất công việc, tôi khó có thể xin phép cơ quan được. Và ekip làm phim đã “đánh du kích” với cơ quan tôi làm việc, kiên trì xin phép từng năm một, một đợt quay chừng 3 - 6 tháng. Và cuối cùng, tôi có vai diễn để đời. Sau vai ni cô Huyền Trang, tôi không nhận thêm bất kỳ vai diễn nào cho tới tận thời điểm này.
Khi hóa thân thành nữ biệt động dưới lớp áo tu hành, tôi đã phải hy sinh mái tóc dài óng mượt mà bố tôi rất thích để phục trang đội nón không bị giả. Trong cảnh Huyền Trang đi khất thực, dưới nắng trời gay gắt trên đường Nguyễn Huệ. Để cảnh quay chân thực, quay phim phải giấu máy không để lộ tại hiện trường. Vì thế, bà con tưởng ni cô thật, đẹp quá, nên nhiều người lặng lẽ đến bên bỏ quà vào tráp. Sau đó là cảnh giả mưa, với 4 chiếc xe cứu hỏa phun nước. Theo đúng kịch bản, ni cô bị ngất và quả thực lúc đó, tôi bị ngất thật, đúng khung hình đạo diễn ưng ý luôn. Thời đó thuốc cũng khan hiếm, cái gì cũng trị bằng Apspiarin, may mắn lắm thì có viên xuyên tâm liên. Thế nhưng, ngất xong lại đóng tiếp…
|
Diễn viên Thanh Loan trong vai Ni cô Huyền Trang |
NSƯT Bùi Cường: 4 năm đằng đẵng làm phim
Khi vào Nam nhận vai Năm Hòa (K9), điều may mắn tôi có được là nhân vật trong phim vẫn còn sống ngoài đời. Anh chính là Ba Nè, một chiến sĩ thông minh vô cùng dũng cảm. Tôi đã tìm tới nhiều lần, gặp anh hàn huyên, trao đổi rất kỹ về cuộc sống, hoạt động trong lòng địch. Thời điểm ấy, anh vẫn toát lên một khí tiết, bản lãnh của người lính biệt động. Tất cả như đã truyền cho tôi một ý chí và niềm tin vào vai diễn. Phim quay kéo dài 4 năm, những lúc chưa tới vai, anh em thường rủ nhau lai rai nên vất vả nhất là giữ mình không được… mập để không sai rắc co. Là người Bắc vào nên chuyện lái xe ô tô cũng rất vất vả. Trên phim, chúng tôi lái xe thành thạo. Hậu trường, ai biết rằng, nằm dài dưới sàn là một lái xe chính hiệu điều khiển.
Diễn viên - đạo diễn Bùi Cường chưa bao giờ nguôi cảm xúc khi nhớ về Biệt động Sài Gòn
Cảnh nguy hiểm mà tôi nhớ nhất là hình ảnh Năm Hòa thoăn thoắt leo cầu thang ở tòa đại sứ Mỹ, ném lựu đạn vào phòng rồi nhanh tay đóng cửa sắt. Khi đó, khói phong tỏa mịt mù, cay xè mà cảnh quay không cho phép thực hiện lần thứ hai. Tôi nhớ lúc đó mình như một chiến sĩ biệt động thực sự, sẵn sàng làm hết mình để cảnh đó thành công. Sau này dù xem lại bao lần, tôi vẫn xúc động nhớ lại sự vô tư, hồn nhiên, chẳng chút tính toán thời đó…
Diễn viên Thương Tín: Khán giả không cho Sáu Tâm hi sinh!
Theo kịch bản, nhân vật Sáu Tâm của tôi đã hy sinh anh dũng bên chân cầu ở cuối tập hai để thể hiện sự mất mát hy sinh. Khi trình chiếu ở Hà Nội, khán giả quá đông chen lấn sập cả cửa đã la ó đoàn làm phim, đòi… Sáu Tâm phải sống lại. Chính vì vậy, đạo diễn Long Vân và tác giả kịch bản đã gặp tôi, đưa ra ý tưởng bổ sung là Sáu Tâm chưa chết, chỉ thoi thóp, sau đó được bộ đội đặc công cứu được. Quả thật, tôi nghe xúc động lắm, vì khán giả và đồng nghiệp đã quá yêu mến vai diễn Sáu Tâm của mình. Nhưng cũng chính lý do này, tôi đã trả lời: “Hai anh cứ để em chết như thế. Vậy mới khiến mọi người thương và nhớ. Chứ sống lại, chắc gì đã hào hùng…”.
|
Cảnh trong phim Biệt động Sài Gòn |
Nói đến chuyện phim thì kể làm sao cho hết. Nhớ cảnh quay Sáu Tâm phải nhảy từ tấm đan (ngoài cửa sổ) này sang tấm đan khác ở chung cư lầu 8 mà không hề có bảo hiểm hay người đóng thế. Khi đứng từ dưới mặt đất quan sát, tôi hơi ớn vì sợ những tấm đan này lâu ngày mục nát, mình nhảy nó sập bất ngờ là toi. Tôi đề nghị một bạn mập nhất ở tổ thiết kế nhảy thử để kiểm tra. Hú hồn, không sao cả. Đến lượt tôi trèo lên, tự nhiên thoáng nghĩ trong đầu, sao mình ngu thế, lỡ anh bạn đó nặng quá làm rạn tấm đan nhưng chưa bể, đến lượt mình hứng hậu quả thì sao? Nghĩ vậy nhưng liều, lòng tự trọng nghề nghiệp khiến tôi không do dự. Cùng lắm là nếu chết cũng sẽ được tấm giấy ghi nhận nghệ sĩ, liệt sĩ hy sinh cho [B][I]Biệt động Sài Gòn[/I][/B] để vợ con treo. Nghĩ vậy, lao thoăn thoắt. Ơn trời, cảnh quá thành công.
Đạo diễn Long Vân vẫn bị ghét!
Phim cực kỳ thành công, đạo diễn Long Vân đi đâu cũng được mọi người yêu quý nhưng ngoại lệ vẫn có người… ghét. Ví dụ, khi đi uống nước ở Trần Hưng Đạo, Hà Nội, biết ông là đạo diễn[I][B] Biệt động Sài Gòn[/B][/I], bà bán nước trách: “Lẽ ra tôi không lấy tiền ông nhưng vì cái tội để Sáu Tâm chết nên tôi phải lấy”. Tương tự đó là việc để ni cô Huyền Trang hy sinh khiến ông đi đâu cũng bị khán giả vây lấy hỏi rõ nguyên do…
|
Diễn viên Thương Tín |
Sau nhiều năm kể từ khi phim ra mắt, có một lần đi ăn khuya chạy về thì thấy một người phụ nữ rất mập chở con gái rà sát xe bên cạnh hỏi: “Đố anh Tín nhìn ra ai không?”. Quả thật, phần vì trời khuya, phần vì tôi không thể hình dung có người bạn diễn nào lại mập đến thế. Không ngờ cô cười bảo: “Em Thúy An và con gái đây, hiện giờ cùng gia đình định cư ở Đức”. Trời ơi, người yêu trong "Biệt động Sài Gòn" của tôi đây ư? Tôi đành đùa chữa cháy: “Em ăn bơ sữa quá trời phải không?”. Chúng tôi vừa chạy vừa hàn huyên vài câu chuyện rồi chia tay, từ đó đến nay tôi chưa có duyên gặp lại…
Bạn có biết?
Vai Tư Chung lúc đầu suýt nữa được đạo diễn Long Vân trao cho diễn viên Chánh Tín. Nhưng sau một hồi phân vân, phần sợ đánh giá là “phim phải nhờ Chánh Tín mới nổi”, phần thấy nam diễn viên tuy điển trai nhưng “ít thấy chất cộng sản” nên đã mời diễn viên kịch Quang Thái – người bạn của ông tham gia.
|
Cặp đôi Tư Chung và Huyền Trang trong Biệt động Sài Gòn |
Vai Ni cô Huyền Trang lúc đầu là dành cho diễn viên Như Quỳnh bởi vẻ mặt rất thiền. Thế nhưng, tiếc là Như Quỳnh lúc đó đang… có bầu và Thanh Loan đã có một vai diễn để đời. Còn với vai Sáu Tâm, lúc đầu tính dành cho NSND Hoàng Dũng hiện nay, nhưng đạo diễn vẫn còn lăn tăn vì muốn có gương mặt thật sương nắng dãi dầu. Và chuyến thăm đoàn kịch Cửu Long Giang chơi đã khiến ông gặp Thương Tín với vẻ mặt đúng như mong đợi. Tương tự đó là Hà Xuyên, người vào vai Ngọc Mai sau khi đạo diễn sợ Mộng Tuyền đang làm phim thì… vượt biên mất. Và cuối cùng, vai diễn đặc vụ Ngọc Lan do Thúy An thủ diễn trước đó thuộc về Thanh Quý. Lúc đó, Thanh Quý đã nhận lời nhưng vì sức ép của đạo diễn Hồng Sến (chồng của Thúy An lúc đó) nên đạo diễn Long Vân đã phải âm thầm quay mà không dám báo cho Thanh Quý…
Theo TGDA