Đã 13 năm trôi qua kể từ khi Khu công nghiệp (KCN) Bình Minh bắt đầu hình thành nhưng đến nay nó vẫn… không chịu phát triển như mục tiêu đề ra của tỉnh Vĩnh Long, vẫn là một “thành phố ma” dưới chân cầu Cần Thơ như biệt danh nhiều nhà báo đã đặt cho nơi này, trong khi nông dân bị mất đất mỏi mòn đi kiện.

Những phiên tòa 'sao y', giết chết niềm tin!

Hữu Phú | 02/01/2018, 16:48

Đã 13 năm trôi qua kể từ khi Khu công nghiệp (KCN) Bình Minh bắt đầu hình thành nhưng đến nay nó vẫn… không chịu phát triển như mục tiêu đề ra của tỉnh Vĩnh Long, vẫn là một “thành phố ma” dưới chân cầu Cần Thơ như biệt danh nhiều nhà báo đã đặt cho nơi này, trong khi nông dân bị mất đất mỏi mòn đi kiện.

>>Kỳ 1: Tiếng kêu bên dòng sông Hậu

>> Kỳ 2: Những phận người dưới chân cầu Cần Thơ

Đã có rất nhiều bài báo trên các phương tiện truyền thông từ cấp địa phương đến trung ương… viết về Khu công nghiệp (KCN) Bình Minh dưới chân cầu Cần Thơ. Hầu hết các bài báo này đều phê phán, đặt vấn đề về quá trình hình thành cũng như hiện thực phát triển của nó, và việc thu hồi đất gây khiếu kiện kéo dài của nông dân. Đã 13 năm trôi qua kể từ khi KCN Bình Minh bắt đầu hình thành nhưng đến nay nó vẫn… không chịu phát triển như mục tiêu đề ra của tỉnh Vĩnh Long, vẫn là một “thành phố ma” dưới chân cầu Cần Thơ như biệt danh nhiều nhà báo đã đặt cho nơi này, trong khi nông dân bị mất đất mỏi mòn đi kiện.

Vào những tháng cuối năm 2017, tại Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã lần lượt diễn ra hàng chục phiên tòa hành chính (trong tổng số 14 đơn kiện) xét xử đơn kiện của những nông dân bị mất đất về quyết định thu hồi đất của chính quyền tỉnh. 14 phiên tòa riêng biệt cho từng cá nhân nông dân khởi kiện, nhưng chung quy chỉ về 1 nội dung: Nông dân cho rằng UBND tỉnh Vĩnh Long đã thu hồi đất của họ trái pháp luật.

10 phiên tòa xét xử , nhưng tựu trung cũng chỉ có 1 kết quả: Tòa bác đơn kiện của những nông dân bị thu hồi đất để cấp cho một KCN mãi 13 năm sau vẫn không ra hồn ra dáng.

Các phiên tòa “nhân bản vô tính”

Theo giấy hẹn, 7 giờ sáng ngày 5.10.2017, những nông dân đã cơm đùm cơm nắm đi trên những chiếc xe thuê lục đục kéo nhau đến tòa. Vẻn vẹn khoảng hai chục con người, mặt mày ngơ ngác, áo quần tươm tất nhất trong điều kiện có thể… ngồi túm tụm trong sân tòa chờ phiên xử. Phiên tòa chỉ xử đơn khởi kiện của một người, nhưng những nông dân này đã đến cùng nhau, cùng chờ đợi… như một cách để truyền cho nhau niềm tin và sự quyết tâm đeo đuổi việc đòi hỏi công lý mà tương lai với họ dường như vô định.

Người dân mang theo đồ ăn, thức uống để đến dự phiên tòa xét xử đơn kiện quyết định thu hồi đất trái pháp luật

7 giờ 30, phiên tòa vẫn chưa bắt đầu. 8 giờ 30 phiên tòa cũng vẫn chưa bắt đầu. 8 giờ 37 phút, chủ tọa phiên tòa và hội đồng xét xử, đại diện viện kiểm sát mới trịnh trọng bước ra. Phía bên kia, những đại diện của chính quyền, KCN ngồi bình thản, có phần ngạo nghễ như đã biết trước điều gì đó…

Cuối cùng, sau phần thủ tục, phiên tòa cũng diễn ra.

Người có đất bị thu hồi đứng tên khởi kiện, đã kiện quyết định thu hồi đất vì các lý do: Không ai nhận được quyết định thu hồi đất cá nhân, thủ tục tiến hành là trái pháp luật, người ký quyết định thu hồi không đúng thẩm quyền.

Phía luật sư của nguyên đơn ra sức chứng minh bằng những điều luật, bộ luật hiện hành và cả những bộ luật trong quá khứ với những lập luận sắc bén.

Bên phía bị đơn - UBND tỉnh Vĩnh Long -cố gắng bào chữa cũng bằng những điều luật, bộ luật, và nổi bật nhất vẫn là câu biện luận: “Chúng tôi làm đúng quy trình, đúng quy định của pháp luật”.

Trong diễn biến phiên tòa, có chi tiết khá đặc biệt:

Chủ tọa phiên tòa hỏi nguyên đơn: “Anh cho biết căn cứ pháp luật nào cho rằng quyết định 2016 (quyết định thu hồi và giao đất của UBND tỉnh Vĩnh Long - PV) là sai?”; nguyên đơn (là một nông dân, trình độ học vấn chỉ vừa đủ biết đọc, biết viết - PV) trả lời: “Nhờ luật sư trả lời”; chủ tọa phiên tòa: “Không, anh trả lời.” (?!)…

Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thành Mới xét hỏi nguyên đơn trong vụ án ông Huỳnh Văn Sung khởi kiện UBND tỉnh

Buổi chiều, Hội đồng xét xử đến chậm hơn 1 giờ đồng hồ so với thời gian quy định đã thông báo với các đương sự mà không hề nêu lý do, vị đại diện cho UBND tỉnh (bị đơn) vắng mặt… Cuối phiên xử, tòa tuyên: Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Người dân tranh thủ ăn lót dạ khi tòa tạm dừng để có sức tiếp tục “chiến đấu”, đến nay họ đã mất 13 năm đấu tranh đòi công lý nhưng vẫn chưa có kết quả

Toàn bộ 10 phiên tòa đã đưa ra xét xử đơn kiện của 10 nguyên đơn khác nhau nhưng với một nội dung tương tự đã có một diễn biến tương tự, với kết quả cũng tương tự như phiên tòa đã nêu ở trên. Đến nỗi, trước khi diễn ra phiên tòa xử đơn kiện của mình (ngày 18.12.2017), anh Huỳnh Minh Truyền, con trai ông Huỳnh Văn Sung đồng thời cũng là người nhận ủy quyền của nguyên đơn, đã thốt lên bên ngoài phiên tòa rằng: “Thôi, khỏi xử luôn cho rồi, cứ tuyên như những bản án trước là xong!”Nói vậy, nhưng anh Truyền vẫn bước vào phiên tòa với chút niềm tin ngây thơ rằng công lý sẽ thắng, mình sẽ thắng, vì ở phiên tòa này luật sư có thêm những chứng cứ, chứng lý mới…

Diễn biến toàn bộ nội dung vụ việc

Thiết tưởng cũng cần phải nhắc lại toànbộ nội dung vụ việc để bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh, thấu đáo hơn.Theo những tài liệu chúng tôi thu thập được thì sự việc diễn biến như sau:

Ngày 8.7.2004, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định số 2016/QĐ-UB về việc thu hồi và giao 1.632.122,60 m2 đất tọa lạc tại ấp Mỹ Hưng 2 và ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh cho Ban quản lý dự án các khu công nghiệp Vĩnh Long quản lý để xây dựng khu công nghiệp Bình Minh.

Cùng ngày 8.7.2004, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định số 2017/QĐ-UB về việc thu hồi và giao quyền sử dụng đất 300.169 m2 đất tọa lạc tại ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Hòa, huyện (nay là thị xã) Bình Minh cho Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân Mekong để xây dựng khu nhà ở phục vụ khu Công nghiệp Bình Minh.

Thực chất, cả 162 ha đất đều đã giao cho Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại địa ốc Hoàng Quân (theo văn bản số 440/UB ngày 15.9.2004 của Ban Quản lý các khu Công nghiệp).

Hàng trăm hecta đất giao cho Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại địa ốc Hoàng Quân để xây dựng khu nhà ở nay chỉ là những “khu nhà ma”, tồi tàn, xập xệ khiến ai đi qua cũng có cảm giác ớn lạnh

Những người có đất bị thu hồi đứng tên trong đơn khởi kiện, tất cả đều đã khiếu nại về việc thu hồi đất bởi các lý do: không ai nhận được quyết định thu hồi đất cá nhân, thủ tục tiến hành là trái pháp luật, người ký quyết định thu hồi không đúng thẩm quyền.

Nhưng địa phương không giải quyết, bác bỏ các khiếu nại.

Sau đó, các nông dânnày khiếu nại về Trung ương. Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và ngày 26.12.2007 đã có Báo cáo số 2746/BC-TTCP về kết quả thanh tra việc giải quyết khiếu nại của một số hộ dân liên quan đến Khu công nghiệp Bình Minh, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Tại văn bản số 132/VPCP.VH ngày 29.01.2008, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “Giao Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long thực hiện nghiêm các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ; đồng thời tổ chức kiểm điểm những sai phạm trong quá trình thực hiện dự án được Thanh tra Chính phủ làm rõ, kết luận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong quý I năm 2008”.

Vừa tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 3.4.2008, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã có văn bản số 11/TTr-UBND xin thay đổi hình thức đầu tư và điều chỉnh diện tích Khu công nghiệp Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Ngày 13.5.2008, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 700/TTg.KTN: Cho phép Khu Công nghiệp Bình Minh tỉnh Vĩnh Long được thay đổi hình thức đầu tư từ 100% vốn nước ngoài sang 100% vốn trong nước và đồng ý giảm diện tích đất khu công nghiệp này từ 162 ha xuống 132 ha, chuyển đổi 30 ha đất để xây dựng nhà ở cho chuyên gia, công nhân và dịch vụ.

Ngoài ra, trong văn bản số 700/TTg-KTN, Thủ tướng có nhắc lại UBND tỉnh Vĩnh Long phải thực hiện nghiêm túc việc giải quyết khiếu nại của các hộ dân liên quan đến Khu Công nghiệp Bình Minh.

Hai cụ bà Nguyễn Thị Tòng, Nguyễn Thị Bá cùng sinh năm 1932 là chị em sinh đôi, nay đã hơn 85 tuổi, chỉ còn nằm một chỗ, nhưng vẫn dùng phần đời còn lại đeo đuổi việc khiếu kiện

Về mặt thực tế, các đề nghị này của UBND tỉnh chỉ để hợp thức hóa chuyện đã làm xong từ… 4 năm trước: Hoàng Quân đã “thay cho các nhà đầu tư nước ngoài” từ năm 2004, đã nhận 30 ha và rao bán nền nhà từ năm 2004.

Ngày 9.7.2009, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức đối thoại với 22 hộ dân có khiếu nại. Ngày 27.12.2016, UBND tỉnh có đối thoại với 17 hộ dân, trong đó có vấn đề thu hồi đất không đúng pháp luật.

Sau khi đối thoại với UBND tỉnh, những nông dân này thấy UBND tỉnh Vĩnh Long không có thiện chí trong việc giải quyết khiếu nại về việc thu hồi đất trái pháp luật, nên đã khởi kiện ra Tòa án hành chính.

Nhiều người dân vẫn đang phải cư ngụ trong những căn nhà rách nát, có nguy cơ đổ sập bất kỳ lúc nào trong 13 năm qua, có người đã phải ra đường cất chòi trú ngụ tạm bợ. Anh Huỳnh Văn Trầm tại căn nhà trống trước hở sau...

Căn cứ pháp lý tại những phiên tòa

Tất cả các đơn khởi kiện của nông dân đều chung một yêu cầu: Hủy quyết định hành chính số 2016/QĐ-UB ngày 8.7.2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long về việc thu hồi đất trái pháp luật của các hộ gia đình người khởi kiện. Lý do:

- Quyết định hành chính về việc thu hồi đất là quyết định của Ủy ban nhân dân (cơ quan), chứ không phải của Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

- Quyết định hành chính về việc thu hồi đất của hộ gia đình/cá nhân thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Quyết định hành chính về việc thu hồi đất phải là quyết định với từng cá nhân/hộ và phải được tống đạt đến cá nhân/hộ gia đình.

Tại phiên tòa, người khởi kiện cho rằng Quyết định 2016/QĐ-UB ngày 8.7.2004 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long về việc thu hồi đất của hộ gia đình là vi phạm pháp luật vì trái thẩm quyền được quy định tại điều 44 Luật Đất đai 2003, vì đây là thẩm quyền của UBND cấp huyện.

Phía người bị kiện cho rằng vào thời điểm ban hành quyết định 2016/QĐ-UB, đúng là lúc Luật Đất đai 2003 có hiệu lực, nhưng vì chưa có Nghị định hướng dẫn thi hành, nên Quyết định đã vận dụng điều 28 Luật Đất đai năm 1993 để giải quyết.

Tại phiên tòa ngày 5.10.2017, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh long đã kết luận vụ án, có nói như sau: “… Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện dự án, cơ quan triển khai thực hiện sai sót trong thủ tục tiến hành, cũng như UBND cấp huyện không ra quyết định thu hồi đất cho từng hộ cá nhân là trái quy định tại khoản 2 điều 44 Luật Đất đai năm 2003 (theo báo cáo kết luận số 2746 ngày 26.12.2007 của Thanh tra Chính phủ)…”

Thế nhưng cuối cùng Tòa vẫn“căn cứ điều 28 Luật Đất đai năm 1993, điểm b, khoản 1 điều 2 Nghị định số 66/2001/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2000/NĐ-CCP ngày 11.02.2000 về thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đaiđể tuyên bác yêu cầu của người khởi kiện.

Bản án này cũng được xử với các vụ án của những người khởi kiện tiếp theo.

Những vấn đề còn lại

Theo luật sư Nguyễn Kỳ Việt, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những nông dân trong các vụ kiện này thì:

Các biện minh của Ủy ban Nhân dân tỉnh đều không đúng, các căn cứ nêu ra đều trái với pháp luật, bởi: Người khởi kiện khởi kiện về thẩm quyền thu hồi đất; Ủy ban Nhân dân lại biện minh bằng các điều khoản pháp luật về… giao đất. Các điều khoản nêu ra trong bản án: Nghị định số 66/2001/NĐ-CP; Nghị định 04/2000/NĐ-CP đều là các quy định về “giao đất”, trong lúc các quan hệ pháp luật trong vụ kiện là “thu hồi đất”.

Phía bị khởi kiện biện minh bằng điều 28 Luật Đất đai 1993, cho rằng “cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất nào thì có quyền thu hồi đất đó”. Và như thế, Ủy ban Nhân dân tỉnh giao đất cho công ty Hoàng Quân Mekong nên… có thẩm quyền thu hồi các đất này của hộ gia đình/cá nhân (?).

Quyết định 2016/QĐ-UB có hai mục đích: thu hồi và giao đất.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Kỳ Việt, để thực hiện việc thu hồi đất thì phải tuân thủ thẩm quyền về quy định thu hồi đất, để thực hiện giao đất thì phải tuân thủ thẩm quyền về giao đất. Quan hệ pháp luật “thu hồi đất” “giao đất” có quy định về thẩm quyền khác nhau; không có điều khoản nào quy định thẩm quyền thu hồi đất hộ cá nhân (hoạt động nông, lâm nghiệp) là của Ủy ban Nhân dân tỉnh. Mặt khác, tại điều 32 Luật Đất đai 2003 có quy định: “Việc quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện khi có quyết định thu hồi đất đó”.

Như vậy, Nhà nước phải thu hồi đúng thẩm quyền, đúng pháp luật, sau đó mới giao cho chủ đầu tư dự án, việc giao đất chỉ thực hiện sau khi đã xong giai đoạn thu hồi. Và, việc sử dụng thẩm quyền giao đất để coi đó là thẩm quyền thu hồi đất là trái pháp luật.

Đối với quan điểm của Viện Kiểm sát trình bày tại phiên Tòa cho thấy báo cáo kết luận của Thanh tra Chính phủ là Quyết định 2016/QĐ-UB thu hồi đất của những người khởi kiện là vi phạm quy địnhcủa pháp luật tại điều 44 khoản 2 Luật Đất đai 2003. Và, theo chỉ đạo của Chính phủ thì việc này phải được giải quyết lại. Nay UBND tỉnh Vĩnh Long và Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã làm ngược lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chưa hết, theo quy định của tất cả các Luật Đất đai, việc thu hồi đất là thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân, quyết định thu hồi đất phải là Ủy ban Nhân dân. Và như vậy, việc thu hồi 162 ha đất của các hộ gia đình, cá nhân được thực hiện bằng Quyết định hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long là không đúng pháp luật. Quyết định 2016/QĐ-UB, ngày 08.7.2004 có vi phạm nghiêm trọng về chủ thể ban hành quyết định. Thẩm quyền thu hồi đất, thẩm quyền giao đất quy định trong các Luật Đất đai 1987, 1993, 2003, 2013 là của Ủy ban Nhân dân có thẩm quyền, chỉ có Ủy ban Nhân dân mới có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính về việc thu hồi đất, về giao đất. Thế nhưng, Quyết định 2016/QĐ-UB, ngày 08.7.2004 lại do Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành là trái pháp luật.

Trao đổi sâu hơn với chúng tôi về diễn biến các phiên tòa, luật sư Nguyễn Kỳ Việt nhấn mạnh: “Tại phiên Tòangày 21.11.2017, phía người khởi kiện đã trả lời Hội đồng xét xử cho rằng Quyết định 2016/QĐ-UB chỉ là quyết định giao đất cho nhà đầu tư (không có vấn đề thu hồi đất), phía bị kiện là Phó Chủ tịch thường trực UBND tinh Vĩnh Long cũng khẳng định như vậy. Chúng tôi nghĩ rằng phía bị kiện cho rằng không có việc thu hồi đất của nhân dân để khỏi bị thưa kiện. Sau đó chính chủ tọa phiên Tòa đã gợi ý để UBND tỉnh Vĩnh Long rút lại lời phát biểu để vẫn xử thu hồi đất.Tại phiên Tòa ngày 01.12.2017, phía bị kiện đã trả lời trước Tòa, thẩm quyền thu hồi đất là của UBND không phải của Chủ tịch UBND. Thế nhưng Chủ tọa phiên Tòa đã giải thích (như trả lời thay cho Ủy ban) giải thích việc trái pháp luật và cũng tuyên án đồng ý với việc Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định thu hồi đất. Chúng tôi nhận thấy có sự việc không khách quan, vô tư trong khi giải quyết vụ án. Kết quả Tòa án vẫn tuyên theo ý của Ủy ban Nhân dân tỉnh”.

Tóm lại, từ diễn biến của các phiên tòa, dù là người không có hiểu biết nhiều về pháp luật, nhưng nếu chịu khó theo dõi kỹ tranh biện trong vụ việc và đối chiếu với những văn bản pháp luật được viện dẫn, có thể thấy “hiện tượng” như sau: Người dân kiện về tính hợp pháp của Quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Vĩnh Long, thì UBND tỉnh Vĩnh Long lại đem những điều luật về… giao đất ra tranh biện, dù luật sư đã nhiều lần nhắc nhở và yêu cầu không sử dụng những căn cứ pháp luật này; Người dân kiện về việc UBND tỉnh Vĩnh Long làm trái vì không tiến hành họp dân, thì UBND tỉnh Vĩnh Long nói có, nhưng biên bản họp dân bị… mất; Người dân kiện vì UBND tỉnh Vĩnh Long ra quyết định thu hồi đất sai chủ thể ký ban hành (chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long ký, thay vì ký thay UBND tỉnh Vĩnh Long trong văn bản) thì bên đại diện UBND tỉnh Vĩnh Long thừa nhận là có sai sót nhỏ nhưng không ảnh hưởng đến chủ trương chung, v…v…

Một chủ trương, dự án lớn của tỉnh, thu hồi hàng triệu mét vuông đất, ảnh hưởng đến vận mệnh, cuộc sống của hàng ngàn hộ dân, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, lại được thực hiện bằng một quyết định mà “đối chiếu với bộ luật đất đai của năm nào cũng thấy không đúng” (Luật sư Nguyễn Kỳ Việt); chủ thể ký quyết định “có thiếu sót nhỏ” (ông Nguyễn Văn Đấu - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Vĩnh Long, người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của UBND tỉnh Vĩnh Long); dân cho rằng không có họp dân để lấy ý kiến dân (theo luật định), còn UBND tỉnh Vĩnh Long thì lại cho là có nhưng “mất” biên bản họp dân… Mà lại là “đúng quy trình và phù hợp với quy định của pháp luật” (biện hộ của người đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của UBND tỉnh Vĩnh Long )! Pháp luật của Nhà nước ta có vấn đề hay UBND tỉnh Vĩnh Long có vấn đề trong việc áp dụng luật pháp khi triển khai dự án? Hay người dân của xã Bình Minh đã bị các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Vĩnh Long coi thường quá thể chỉ vì họ là nông dân, ít học, không nắm vững kiến thức về pháp luật?

Không phải ngẫu nhiên mà hàng chục tờ báo trên khắp cả nước đã có bài phản ánh về những “vấn đề” tồn tại trong dự án KCN Bình Minh và hầu như có cùng một quan điểm trong việc đứng về phía những người nông dân bị mất đất. Những tờ báo này chắc cũng “có vấn đề” trong việc phân tích vụ việc, đưa ra nhận định để định hướng dư luận xã hội?

Hữu Phú - Ảnh: Ngọc Thạnh

Quyết định nêu căn cứ luật đất đai năm 2003, áp dụng thì lại vận dụng luật đất đai năm 1993?!

Sáng 18.12.2017, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Vĩnh Long tiếp tục mở phiên tòa (vụthứ 10 trong 14 vụ kiện của nông dân thị xã Bình Minh kiện Quyết định hành chính của UBND tỉnh Vĩnh Long trong việc thu hồi đất, thực hiện dự án KCN Bình Minh) đưa ra xét xử vụ án hành chính 14 hộ dân xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh kiện UBND tỉnh này buộc hủy một phần Quyết định số 2016/QĐ.UB ngày 8.7.2004 để tiến hành thu hồi đất của hàng trăm hộ dân, giao doanh nghiệp thực hiện dự án khu công nghiệp Bình Minh.

Tại tòa, phía nguyên đơn là hộ ông Huỳnh Văn Sung cho rằng Quyết định số 2016/QĐ.UB được ban hành trái quy định pháp luật của Luật đất đai 2003 vì UBND tỉnh không được phép thu hồi đất nông nghiệp khi đang có người sử dụng và được cấp chứng nhận quyền sử dụng, đồng thời yêu cầu UBND tỉnh giải thích tính pháp lý và hủy một phần quyết định 2016.

Ông Huỳnh Văn Sung cũng cho rằng khi thu hồi đất, UBND tỉnh Vĩnh Long đã không họp dân và yêu cầu bị đơn cung cấp biên bản này.

Đại diện phía UBND tỉnh Vĩnh Long là ông Nguyễn Văn Đấu - Phó giám đốc Sở TN-MT, cho rằng do Luật đất đai 2003 có hiệu lực từ ngày 1.7.2004 nhưng chưa có nghị định hướng dẫn nên tỉnh áp dụng theo luật đất đai và thông tư hướng dẫn cũ.

Riêng biên bản họp dân trước khi thu hồi đất, ông Nguyễn Văn Đấu trình bày UBND tỉnh đã làm thất lạc nên không thể đáp ứng yêu cầu phía nguyên đơn.

Luật sư Nguyễn Kỳ Việt - người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích cho ông Sung, bất ngờ trưng ra công văn số 2162/BTNMT-ĐĐ ngày 2.7.2004 của Bộ trưởng TN-MT gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành về việc hướng dẫn thi hành Luật đất đai 2003 khi chưa có nghị định.

Theo đó, tại khoản 5, mục số 1 có nêu cụ thể: "Đối tượng được nhà nước giao đất, cho thuê đất… được thực hiện theo Luật đất đai 2003". Tương tự, ở khoản 6 cũng nêu cụ thể: "Việc thu hồi đất, quản lý quỹ đất sau khi thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công bố thực hiện theo quy định của Luật đất đai 2003".

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đấu cho rằng tỉnh không hề biết đến văn bản này…

(BáoTuổi Trẻ)

Như vậy, trên Quyết định số 2016/QĐ-UB ký ngày 8.7.2004 của UBDN Tỉnh Vĩnh Long ký ban hành để thực hiện thì ghi rõ ràng là “Căn cứ luật đất đai ngày 26.11.2003”, nhưng khi áp dụng trong thực tế thì lại… vận dụng theo luật đất đai năm 1993 với lý do đã nêu tại tòa rằng do chưa có Nghị định hướng dẫn, dù trước đó Bộ Tài nguyên - Môi trường đã ra Công văn số 2162/BTNMT-ĐĐ ngày 2.7.2004 của Bộ trưởng TN-MT gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành về việc hướng dẫn thi hành Luật đất đai 2003 khi chưa có nghị định. Theo Công văn số 2162/BTNMT-ĐĐ ngày 2.7.2004 của Bộ trưởng TN-MT,những điều luật về giao, thu hồi đất trong thời gian này không cần phải chờ Nghị định hướng dẫn của Chính phủ. Ở đây, cũng cần phải nhấn mạnh rằng: Nếu vận dụng theo luật đất đai năm 1993 (đã hết hiệu lực thi hành vào thời điểm UNDN Tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định số 2016/QĐ UB) thì phần bất lợi nghiêng về phía người bị thu hồi đất - tức nông dân - rất lớn.

(*) Tiêu đề và phần kết là của Báo điện tử Một Thế Giới

Mất biên bản họp dân vì đã quá lâu?!

Sáng ngày 18.12.2017, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Vĩnh Long đưa ra xét xử vụ người dân xã Mỹ Hòa khởi kiện UBND tỉnh Vĩnh Long vì đã ra quyết định thu hồi đất trái pháp luật, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của họ. Lần xét xử thứ 10 này, tòa xét đơn khởi kiện của hộ ông Huỳnh Văn Sung về Quyết định 2016/UBND của UBND tỉnh Vĩnh Long thu hồi đất trái quy định, và yêu cầu hủy một phần quyết định này.

Đại diện cho bên bị kiện là ông Lê Quang Trung - PCT UBND tỉnh Vĩnh Long (vắng mặt, có đơn xin), ông Nguyễn Văn Đấu - PGĐ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh là người bảo vệ quyền và lợi ích cho UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Dân - PCT thị xã Bình Minh, ông Trương Văn Tuấn - Phó trưởng ban quản lý KCN.

Như các lần xét xử trước đây, bên bị kiện luôn khẳng định việc thực hiện thu hồi đất của các hộ dân tại xã Mỹ Hòa để làm khu công nghiệp Bình Minh là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật vì khi Luật đất đai năm 2003 có hiệu lực ngày 1.7.2004 thì chưa có các thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành luật nên tỉnh áp dụng các thông tư, nghị định, luật cũ là phù hợp. Do vậy, UBND tỉnh vẫn giữ quan điểm là không hủy một phần Quyết 2016/UBND.

Tại tòa, hộ ông Huỳnh Văn Sung yêu cầu bên bị kiện cung cấp biên bản họp dân khi thực hiện thu hồi đất thì người bảo vệ quyền và lợi ích cho bên bị kiện là UBND tỉnh Vĩnh Long trả lời “vì biên bản này được lập cách đây lâu nên đã bị thất lạc, do vậy không thể cung cấp cho bên khởi kiện”.

Ngay sau đó, luật sư Nguyễn Kỳ Việt, người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích cho hộ ông Huỳnh Văn Sung trưng ra công văn số2162/BTNMT-ĐĐ ngày 2.7.2004của Bộ trưởng Mai Ái Trực, Bộ trưởng bộ TN-MT gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành về việc hướng dẫn thi hành Luật đất đai 2003 khi chưa có nghị định.

Căn cứ văn bản này, luật sư Nguyễn Kỳ Việt nói việc UBND tỉnh Vĩnh Long áp dụng các thông tư, nghị định cũ để thực hiện thu hồi và bồi thường đất cho các hộ dân xã Mỹ Hòa là không đúng. Và việc đại diện UBND tỉnh Vĩnh Long nói vì Luật đất đai 2003 có hiệu lực ngày 1.7.2004 nhưng chưa có thông tư, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật này là sai, vì văn bản này được ban hành vào ngày 2.7.2004, ngay sau khi Luật đất đai năm 2003 có hiệu lực ngày 1.7.2004.

Theo đó, tại khoản 5, mục số 1 và khoản 6 của văn bản này có nêu cụ thể: "Đối tượng được nhà nước giao đất, cho thuê đất… được thực hiện theo Luật đất đai 2003"; "Việc thu hồi đất, quản lý quỹ đất sau khi thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công bố thực hiện theo quy định của Luật đất đai 2003".

Khi luật sư trưng ra văn bản (2162/BTNMT-ĐĐ) hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003 trong thời gian chưa có các Nghị định hướng dẫn thì Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thành Mới liền tạm hoãn phiên tòa để “hội ý”!

Tranh luận với luật sư Nguyễn Kỳ Việt, ông Nguyễn Văn Đấu - PGĐ sở TN và MT tỉnh Vĩnh Long, người bảo vệquyền và lợi ích cho UBND tỉnh Vĩnh Long viện dẫn khoản 1 điều 1 của văn bản 2162/BTNMT-ĐĐ:

“1. Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết tranh chấp đất đai, giải quyết khiếu nại về đất đai được thực hiện theo thẩm quyền quy định của Luật Đất đai năm 2003. Trình tự, thủ tục theo các quy định hiện hành”.

Căn cứ khoản này, ông Đấu lập luận cho việc thu hồi đất của các hộ dân xã Mỹ Hòa là đúng quy định vì trong khoản này có nêu “Trình tự, thủ tục theo các quy định hiện hành”. Do vậy, việc UBND tỉnh Vĩnh Long áp dụng các nghị định, thông tư trước đây nhưng còn hiệu lực để thu hồi đất là phù hợp và theo ông là đúng với quy định của pháp luật, nên Quyết định thu hồi đất của Chủ tịch tỉnh Vĩnh Long số 2016/UBND là đúng quy định.

Ông Đấu nói thêm, việc biên bản họp dân bị thất lạc là do thiếu sót của việc quản lý lưu trữ và cũng vì biên bản này được lập cách đây quá lâu nên sẽ tiếp tục tìm kiếm lại và cung cấp sau.

Luật sư Việt nhắc lại với bên bị kiện và Hội đồng xét xử rằng: “Từ trước đến giờ nguyên đơn chỉ khởi kiện về việc thu hồi đất, không liên quan đến việc giao đất, vì vậy hãy viện dẫn các điều khoản của luật liên quan đến việc thu hồi đất”. Luật sư Việt nói tiếp, Khoản 1 điều 1 của văn bản 2162/BTNMT-ĐĐ là nói đến việc giao đất, cho thuê đất, việc này chúng tôi không ý kiến, tỉnh có thẩm quyền muốn giao cho ai thì giao chúng tôi không quan tâm.

Bên cạnh đó, luật sư Việt còn đưa ra các cơ sở chứng minh việc Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long ra Quyết định thu hồi đất 2016/UBND là trái thẩm quyền. Vì không có quy định nào cho phép Chủ tịch tỉnh được quyền thu hồi đất mà phải là UBND tỉnh và Chủ tịch tỉnh chỉ là người đại diện ký tên, đóng dấu.

Sau khi luật sư Việt viện dẫn các quy định của Luật tổ chức hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân và quy định của Luật đất đai về quyền hạn của Chủ tịch tỉnh thì ông Đấu đã chấp nhận rằng: Việc Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long ra quyết định thu hồi đất là có sai về mặt thể thức, tuy nhiên phần nội dung quyết định là hoàn toàn đúng và phù hợp với quy định của pháp luật.

Vậy nhưng khi tuyên án, TAND tỉnh Vĩnh Long đã bác đơn khiếu nại của hộ ông Huỳnh Văn Sung vì không đủ cơ sở để khởi kiện và việc Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long ra quyết định thu hồi đất số 2016/QĐUB là đúng với quy định của pháp luật.

Ngọc Thạnh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những phiên tòa 'sao y', giết chết niềm tin!