Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kinh tế Việt Nam năm 2021 có cơ hội tăng trưởng nhanh trở lại.
Cụ thể, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và việc giữ được ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố nền tảng cho quá trình phục hồi kinh tế năm 2021.
Bên cạnh đó, sự kết hợp với việc tiếp tục những cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn; tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và sự thúc đẩy tái cơ cấu về tổ chức và công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp giúp kinh tế Việt Nam năm 2021 có cơ hội tăng trưởng nhanh trở lại.
Theo trung tâm này, trong nội tại nền kinh tế, tiêu dùng nội địa và đầu tư công vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng ở phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2021.
Tiêu dùng nội địa, đóng góp khoảng 68-70% trong GDP, có khả năng phục hồi nhờ yếu tố tâm lý thị trường và thu nhập được cải thiện. Đầu tư công nhiều khả năng tiếp tục được thúc đẩy bởi các dự án lớn bắt đầu triển khai từ năm 2020, cùng nỗ lực của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo sự lan tỏa với các thành phần, lĩnh vực khác trong xã hội.
Ngoài ra, khu vực tư nhân và FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh nhờ sự hồi phục cả phía cung, phía cầu, sự thích ứng của khu vực doanh nghiệp và các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ.
Khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ được kì vọng đạt mức tăng trưởng cao hơn từ mức tăng trưởng thấp của năm 2020 nhờ sự phục hồi của thị trường tiêu thụ và các nguồn cung ứng. Trong đó, các ngành công nghiệp chế biến chế tạo được kỳ vọng phục hồi mạnh, tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế năm 2021.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế thế giới tăng trưởng 5,5% trong năm 2021 với nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu, vật tư, linh phụ kiện và hàng hóa sẽ tăng cao. Đây sẽ là nhân tố thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế, thúc đẩy nền kinh tế xuất nhập khẩu cao như Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ.
Thêm nữa, việc Việt Nam tham gia hàng loạt các FTA (hiệp định thương mại tự do), đặc biệt là EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam) và CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) cùng dòng dịch chuyển đầu tư, dịch chuyển chuỗi cung ứng đang diễn ra mạnh mẽ, mang đến cơ hội cho ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao của Việt Nam như ngành sản xuất máy móc – thiết bị, ngành điện tử; ngành sắt thép; ngành dệt may – da giày; ngành chế biến thực phẩm (nông – thuỷ sản).
Với ngành xây dựng – vật liệu xây dựng, năm 2021, các dự án đầu tư công sẽ được thúc đẩy, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, trong đó các ngành cung cấp nguyên vật liệu xây dựng như ngành thép.
Ngành thép toàn cầu sẽ phục hồi trong năm 2021 cùng một loạt chính sách kích cầu hạ tầng, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này.
Ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản được kỳ vọng sẽ tăng trưởng khá vào năm 2021 do có thể tận dụng các FTA như CPTPP, EVFTA, RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực)… để tăng trưởng xuất khẩu.
Ngành dịch vụ bán lẻ, du lịch, lưu trú – ăn uống, logistics sẽ phục hồi và tăng trưởng và đóng góp nhiều hơn vào GDP trong năm 2021 nhờ các giải pháp kích thích tiêu dùng trong nước. Nếu dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát tốt như hiện nay, các ngành dịch vụ này sẽ tiếp được phục hồi mạnh.
Về dòng vốn FDI, Việt Nam đang cho thấy “sức hấp dẫn” đáng kể với các nhà đầu tư quốc tế dựa trên khả năng chống chịu của nền kinh tế trong COVID-19, triển vọng phục hồi sau đại dịch và các cơ hội từ các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA và RCEP).
Các phân tích thực tế cho thấy kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu tương đối bền bỉ, tốt hơn nhiều quốc gia trước tác động của đại dịch COVID-19 khi là 1 trong 5 nền kinh tế đạt tăng trưởng tốt nhất năm 2020 với các chỉ số tài chính, vĩ mô tương đối ổn định (lạm phát, nợ công, nợ chính phủ vẫn trong tầm kiểm soát, ngân sách nhà nước có dư địa cho việc thực hiện các gói hỗ trợ kinh tế và an sinh xã hội tính đến thời điểm hiện tại).
Triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 được các tổ chức quốc tế dự báo ở mức 6-7% dù đạt tăng trưởng dương 2020, cùng với các cơ hội từ việc khai thác các thị trường đối tác CPTPP, EVFTA và RCEP. Đó là các nhân tố tạo nên “lực hút” với dòng vốn FDI trong năm tới.
Có thể kì vọng khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát, trạng thái bình thường mới được nhiều quốc gia áp dụng, FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, là cơ sở vững chắc cho khả năng phục hồi tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo.