Trang NBC Washington đưa tin nợ công của Mỹ đang trên đà vượt mức trần 31,4 nghìn tỉ USD ngay trong tháng 1.2023, qua đó khơi mào cuộc đối đầu giữa Tổng thống Joe Biden với Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Một khi chính phủ vượt qua giới hạn, Bộ Tài chính Mỹ sẽ không thể phát hành nợ mới nếu Quốc hội nước này không hành động. Bộ có kế hoạch triển khai “vài biện pháp đặc biệt” nhằm giúp chính phủ duy trì hoạt động.
Nhưng nếu “biện pháp đặc biệt” hết hiệu lực (có thể vào giữa mùa hè) thì chính phủ đối mặt với nguy cơ vỡ nợ trừ phi giới nghị sĩ và Tổng thống Biden đồng ý nâng mức trần nợ.
Nhà Trắng từng tuyên bố quyết không để nợ công chiều theo yêu cầu của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, việc nghị sĩ Cộng hòa Kevin McCarthy sẵn sàng nhượng bộ mạnh mẽ để trở thành tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ mở ra khả năng hai bên đạt thỏa thuận giải quyết bế tắc.
Tân Chủ tịch McCarthy nói rằng các đảng viên Cộng hòa chỉ đồng ý nâng mức trần nợ đổi lấy cắt giảm chi tiêu (chưa xác định mức cắt giảm). Ông cho biết bản thân đã làm việc với Tổng thống Biden về nợ công.
Tuy nhiên, tân Chủ tịch McCarthy không đe dọa từ chối thông qua dự luật chi tiêu hàng năm cần thiết để cấp ngân sách cho chính phủ hoạt động – điều từng xảy hơn hơn 10 năm trước khi tranh cãi về trần nợ công nổ ra.
Nhiều dự báo khuyến cáo trong thời điểm tăng trưởng toàn cầu chậm lại vì lạm phát cao, một vụ vỡ nợ có thể đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái nghiêm trọng ngay lập tức.
Nhà Trắng loại bỏ khả năng dùng mệnh lệnh hành pháp ngăn vỡ nợ. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre mới đây tuyên bố: “Quốc hội cần tăng mức trần nợ vô điều kiện. Nỗ lực dùng trần nợ công làm điều kiện đàm phán sẽ không hiệu quả”.
Bên phía Quốc hội, nghị sĩ Cộng hòa Chip Roy không loại trừ khả năng lật đổ tân Chủ tịch McCarthy nếu ông không giữ đúng cam kết đòi hỏi cắt giảm chi tiêu rồi mới đồng ý nâng trần nợ công.
Nghị sĩ Cộng hòa Bob Good nhận định nâng trần nợ công là “bài kiểm tra thực sự” cho phe bảo thủ, đảng Cộng hòa cần tận dụng quyền hạn để đạt được những gì cần đạt.
Rất khó xác định chính xác thời điểm nợ công Mỹ chạm mức trần. Tình hình hiện tại cho thấy thời điểm đó có thể dao động từ ngay tuần này cho đến cuối tháng 3.
Khi triển khai “biện pháp đặc biệt” giúp chính phủ duy trì hoạt động, Bộ Tài chính Mỹ sẽ ngừng đóng góp cho quỹ hưu trí và vay từ nhiều tài khoản để quản lý thay đổi tỷ giá hối đoái, huy động tiền cho các nghĩa vụ khác.
Bộ Tài chính Mỹ từ năm 1985 đến nay có ít nhất 16 lần triển khai “biện pháp đặc biệt”, thường chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn.
Nếu chính phủ Mỹ vỡ nợ thì thị trường tài chính có thể sụp đổ, hàng triệu lao động mất việc. Tác động mà thế giới phải hứng chịu sẽ kéo dài nhiều năm.