Bang Madhya Pradesh đã báo cáo trường hợp đầu tiên là một bệnh nhân COVID-19 bị nhiễm biến chủng Delta plus. Trong khi đó, biến thể Delta đang đe dọa nước Mỹ
Delta Plus là một dạng đột biến của biến thể 'Delta', chủng gây ra làn sóng nhiễm coronavirus thứ hai khủng khiếp ở Ấn Độ.
Ở bang Madhya Pradesh, biến thể Delta Plus đã được phát hiện ở một phụ nữ ở Bhopal. Sau khi phát hiện, chính quyền Bhopal đang đặt địa phương trong trong tình trạng báo động.
Phát biểu với India Today TV, Giám đốc Y tế Bhopal, Tiến sĩ Prabhakar Tiwari cho biết họ đã thu thập các mẫu bệnh nhân nhập viện tại Trường Cao đẳng Y tế Gandhi trong ba đợt tháng này. Những mẫu này đã được gửi để giải trình tự bộ gien
Tiến sĩ Tiwari cho biết: "Chúng tôi đã nhận được báo cáo vào thứ tư và có một mẫu cho thấy nhiễm trùng do biến thể Delta Plus gây ra. Các mẫu còn lại cho thấy sự hiện diện của Delta và các biến thể khác của vi rút".
Giám đốc Cơ quan Giáo dục Y tế Vishwas Sarang cho biết các quan chức đang kiểm tra lịch sử tiếp xúc dịch tễ của người phụ nữ và các thành viên gia đình. Đồng thời, những người mà họ đã tiếp xúc đang được truy tìm.
Sarang cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu xem liệu biến thể này có lây lan sang các khu vực khác của bang hay không.
Biến thể Delta Plus là gì?
Vào tháng 5, Tổ chức Y tế Thế giới đã định danh chủng vi rút B.1.617.2 là biến thể 'Delta'. Biến thể được xác định là một trong những tác nhân gây ra làn sóng nhiễm coronavirus thứ hai ở Ấn Độ.
Biến thể 'Delta' đã biến đổi thêm để tạo thành biến thể 'Delta Plus' hoặc 'AY.1'.
Dữ liệu ban đầu cho thấy biến thể Delta Plus có dấu hiệu kháng lại điều trị hỗn hợp kháng thể đơn dòng. Phương pháp điều trị COVID-19 này gần đây đã được Tổ chức Kiểm soát Tiêu chuẩn Thuốc Trung ương (CDSCO) cho phép.
Trung tâm sức khỏe cộng đồng Anh, trong báo cáo mới nhất về các biến thể của coronavirus, cho biết biến thể Delta Plus đã được xác định trong sáu bộ gien từ Ấn Độ vào ngày 7.6.
Theo Tiến sĩ VK Paul Niti Aayog, biến thể Delta Plus được ghi nhận lần đầu tiên ở châu Âu vào tháng 3 và được công bố vào 13.6. "Nó là một biến thể được quan tâm, nhưng cũng không đáng lo ngại quá”, ông nhận xét.
Biến thể Delta cũ vẫn nguy hiểm
Sự xuất hiện của biến thể Delta lần đầu tiên phát hiện ở Ấn Độ đã khiến số ca bệnh tại Mỹ tăng gần gấp đôi mỗi 2 tuần sau một thời gian giảm mạnh.
Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), dự đoán rằng biến thể Delta có thể chiếm tới 10% số ca mắc COVID-19 ở Mỹ vào giữa tháng 6.
Các nhà khoa học ở Mỹ lo ngại rằng, biến thể Delta sẽ đe dọa những người dân chưa được tiêm chủng và một nền kinh tế đang nhanh chóng mở cửa trở lại. “Chúng tôi đã chuyển biến thể Delta lên đầu danh sách các biến thể cần nghiên cứu. Dữ liệu nghiên cứu cho thấy biến thế này đã lan truyền rất nhanh chóng”, Giáo sư Andrew Pekosz thuộc Khoa Vi sinh học phân tử và Miễn dịch học của Đại học Johns Hopkins nói.
Hiện vẫn chưa rõ liệu biến thể Delta có gây ra tình trạng mắc bệnh nghiêm trọng hơn hay không. Một nghiên cứu gần đây của tạp chí y khoa Lancet ở Scotland cho thấy, bệnh nhân nhiễm biến thể Delta có nguy cơ nhập viện cao gấp đôi so với những người nhiễm biến thể Alpha.