Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ ý muốn hợp tác với ông Biden, vì những “giá trị chung” giữa đảng Dân chủ Mỹ và chế độ Liên Xô cũ.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Rossiya được công bố mới đây, ông Putin đã cố gắng đưa ra sự tương đồng tích cực giữa ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden và những người theo chế độ Liên Xô cũ.
Nhà lãnh đạo Nga cho biết Điện Kremlin sẽ sẵn sàng làm việc với bất kỳ ai tiến vào Phòng Bầu dục trong năm 2021, bất chấp các báo cáo tình báo của Mỹ chỉ ra rằng Nga đang cố gắng làm suy yếu Biden giống như đã làm với ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton vào năm 2016.
Tổng thống Putin đã liên kết ông Biden với “những giá trị chung” trong hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa trong cuộc phỏng vấn, đồng thời đưa ra so sánh theo hướng tích cực, về “tấm vé” Biden-Kamala Harris.
"Đảng Dân chủ theo truyền thống gần gũi hơn với các giá trị tự do, gần hơn với các ý tưởng dân chủ xã hội. Và chính từ môi trường dân chủ xã hội mà Đảng Cộng sản đã phát triển. Sau tất cả, tôi đã là một đảng viên của Đảng Cộng sản Liên Xô trong gần 20 năm. Tôi từng là một đảng viên có cấp bậc, và có thể nói rằng tôi tin tưởng vào lý tưởng của đảng. Tôi vẫn thích nhiều giá trị cánh tả này - bình đẳng và liên kết", ông Putin nói.
Ông chủ Điện Kremlin cho biết: "Đúng, chúng rất khó thực hiện, nhưng chúng rất hấp dẫn. Nói cách khác, đây có thể được coi là cơ sở tư tưởng để phát triển các mối liên hệ với đại diện của đảng Dân chủ". Putin cũng liên tưởng về sự ủng hộ của Liên Xô đối với cuộc đấu tranh dân quyền của người Mỹ gốc Phi. Ông cho biết người Mỹ da đen "tạo thành một khu vực bầu cử ổn định" ủng hộ đảng Dân chủ.
Phát biểu với truyền thông Nga nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 68 của mình, Tổng thống Nga cũng nhắc đến "luận điệu chống Nga sắc bén" của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. Cựu phó tổng thống Mỹ đã chỉ trích Nga mạnh mẽ trong suốt chiến dịch tranh cử cũng như từ thời ông còn đương chức. Ông Putin cho rằng, luận điệu chống Nga của Biden là điều mà “Moscow rất đỗi quen thuộc”.
Putin cũng không quên ca ngợi ông Biden khi tuyên bố có ý định gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí START mới sẽ hết hạn vào tháng 2.2021. Hiện, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga về việc gia hạn hiệp ước đã không tạo ra tiến triển rõ ràng nào và các nhà ngoại giao Nga cho rằng cơ hội để gia hạn hiệp ước với chính quyền Trump rất thấp.
Ngoài ra, Putin cũng cho rằng những phàn nàn của Mỹ đối với Nga trong lĩnh vực thông tin, can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ là hoàn toàn không có cơ sở. Theo ông, đối với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, Nga là người ngoài cuộc và không can thiệp vào cuộc bầu cử này. Việc đánh giá quan điểm của các ứng viên Tổng thống là của cử tri nước Mỹ, là quá trình nội bộ của nước Mỹ.
Nga muốn Donald Trump hay Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ?
Mối quan hệ Nga - Mỹ đã xuống mức thấp do hàng loạt vấn đề, trong đó có việc Moscow sáp nhập Crimea cùng việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 theo hướng có lợi cho Tổng thống Donald Trump.
Theo các nhà phân tích, nếu đắc cử tổng thống, ông Biden sẽ gia tăng sức ép với Nga và phối hợp chặt chẽ hơn với các đối tác châu Âu - những nước có đường lối cứng rắn hơn với Nga. Biden luôn khẳng định ông sẽ khiến Moscow phải trả giá cho hành vi can thiệp bầu cử Mỹ và coi Nga là "đối thủ đáng lo ngại".
Trả lời phỏng vấn tháng trước, ông Biden cho biết: “Thông điệp của tôi gửi tới ông Vladimir Putin là sẽ có hậu quả vì sự can thiệp của Nga vào chủ quyền của chúng tôi nếu tôi thắng cử”, ông Biden nhấn mạnh.
Đây không phải lần đầu ông Biden nhắm tới Tổng thống Nga. Trước đó, ông Biden gọi Tổng thống Putin là “kẻ bắt nạt” và cáo buộc ông Putin nỗ lực can thiệp bầu cử để chọn ra tổng thống Mỹ theo ý mình. Ông Biden cũng chỉ trích ông Trump vì quá qụy lụy trước ông Putin. Biden thậm chí còn gọi ông Trump là "thú cưng của Putin" trong buổi tranh luận tổng thống Mỹ hôm 29.9.
Tại Moscow, các nhà phân tích và chuyên gia an ninh Nga đang nỗ lực đưa ra những kịch bản đối phó nếu ứng viên của đảng Dân chủ Joe Biden chiến thắng Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Ngày càng lo lắng về viễn cảnh Nhà Trắng không có Trump, Nga đang cố gắng xác định xem điều này có ý nghĩa như thế nào đối với các vấn đề nhạy cảm, từ vũ khí hạt nhân đến mối quan hệ với Trung Quốc, xuất khẩu năng lượng, những biện pháp trừng phạt hay kể cả các xung đột sâu rộng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại dự đoán mối quan hệ giữa Nga và Mỹ sẽ vẫn “âm u” và Moscow sẽ phải chuẩn bị cho cuộc đối đầu kéo dài ít nhất 4 năm nữa với Washington, cho dù Tổng thống Donald Trump hay cựu Phó Tổng thống Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới.
Có một sự đồng thuận ngày càng tăng ở Moscow rằng cả ông Trump và ông Biden sẽ không cải thiện quan hệ với Nga nếu đắc cử, và quan trọng hơn, sự phân cực chính trị ngày càng sâu sắc ở Mỹ sẽ gây bất ổn cho việc ra quyết định chính sách đối ngoại của Washington trong tương lai gần.