Điện Kremlin cho biết Tổng thống Vladimir Putin sẽ có bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu do ông Joe Biden chủ trì, bất chấp cuộc khủng hoảng sâu sắc trong quan hệ giữa Nga và Mỹ.
Sự tham dự của Tổng thống Putin cho thấy ông vẫn sẵn sàng đối thoại với Mỹ dù hai nước đã áp đặt các biện pháp trừng phạt lẫn nhau trong vài ngày qua. Ông Putin vẫn chưa chấp nhận hoặc từ chối một lời mời riêng từ Biden tới dự hội nghị thượng đỉnh song phương ở nước thứ ba để giải quyết một loại tranh chấp.
Tổng thống Biden đã mời 40 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Việt Nam, tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu vào ngày 22 - 23.4, một phần trong nỗ lực của ông nhằm biến cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu trở thành ưu tiên hàng đầu.
Trong bài phát biểu của mình, ông Putin sẽ "phác thảo các cách tiếp cận của Nga trong bối cảnh thúc đẩy hợp tác quốc tế sâu rộng nhằm khắc phục những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu toàn cầu", Điện Kremlin cho biết.
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu sẽ quy tụ 17 quốc gia chịu trách nhiệm về 80% lượng khí thải toàn cầu và GDP toàn cầu.
Theo trang web Nhà Trắng, danh sách khách mời gồm 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Singapore, Indonesia, Ấn Độ, Bangladesh, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch, Canada, Mexico, Brazil, Argentina, Colombia, Chile, Israel, Ả Rập Xê Út, UAE, Kenya, Nigeria, Nam Phi, Congo, Gabon, Jamaica.
Các chủ đề chính của hội nghị sẽ bao gồm:
- Cổ vũ những nỗ lực của các nền kinh tế lớn trên thế giới nhằm giảm lượng khí thải trong suốt thập kỷ quan trọng này nhằm duy trì giới hạn sự nóng lên của hành tinh ở mức 1,5 độ C.
- Huy động tài chính của khu vực công và tư nhân để thúc đẩy quá trình chuyển đổi net-zero (mục tiêu khí nhà kính bằng 0) và giúp các nước dễ bị tổn thương đối phó với các tác động của khí hậu.
- Các lợi ích kinh tế của hành động khí hậu, trong đó nhấn mạnh đến việc tạo việc làm và tầm quan trọng của việc đảm bảo tất cả cộng đồng cùng người lao động được hưởng lợi từ việc chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch mới.
- Thúc đẩy các công nghệ chuyển đổi có thể giúp giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời tạo ra các cơ hội kinh tế mới to lớn và xây dựng các ngành công nghiệp của tương lai.
- Thúc đẩy các tổ chức địa phương và phi nhà nước cam kết phục hồi xanh và tầm nhìn công bằng để hạn chế sự nóng lên của hành tinh ở mức 1,5 độ C, đồng thời đang hợp tác chặt chẽ với các chính phủ quốc gia để thúc đẩy tham vọng và khả năng phục hồi.
- Thảo luận về các cơ hội để tăng cường năng lực bảo vệ cuộc sống và sinh kế khỏi tác động của biến đổi khí hậu, giải quyết các thách thức an ninh toàn cầu do biến đổi khí hậu gây ra...
Hôm 15.4, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Nga vì cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, tấn công mạng vào các cơ quan chính phủ Mỹ, sáp nhập Crimea và vi phạm nhân quyền.
Các lệnh trừng phạt nhắm vào 16 thực thể và 16 cá nhân bị cáo buộc cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2020, cùng 5 cá nhân và 3 thực thể có liên quan đến vụ sáp nhập Crimea, đồng thời trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga khỏi Mỹ.
Mỹ cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt giới hạn khả năng phát hành nợ công của Nga.
Nợ công là nợ của chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương, có thể là nợ nội địa từ các nhà đầu tư trong nước, có thể là nợ ngoại khi vay mượn từ nước ngoài. Thường chính phủ mượn nợ qua các công cụ như phát hành công khố phiếu, các trái phiếu hay các quốc gia nghèo thường vay các ngân hàng phát triển quốc tế hay…Thu nhập của chính phủ là do nguồn thuế nên nợ công là nợ quốc dân, nợ mà người dân đóng thuế phải trả.
Bộ Tài chính Mỹ cũng ban hành chỉ thị nghiêm cấm các tổ chức tài chính Mỹ tham gia vào thị trường sơ cấp với trái phiếu có mệnh giá bằng rúp hoặc không phải rúp được phát hành sau ngày 14.6.2021 bởi Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga, Quỹ Tài chính Quốc gia của Liên bang Nga, hoặc Bộ Tài chính Liên bang Nga.
Nga bác bỏ các cáo buộc và trả đũa bằng các biện pháp trừng phạt Mỹ vào ngày hôm sau.
Cụ thể hơn, Nga quyết định trục xuất 10 nhà ngoại giao Mỹ, ban hành những hạn chế sẽ gây khó khăn cho các cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ tại Nga, đồng thời cấm nhập cảnh với các tổ chức của Mỹ bị xem là “công khai can thiệp” vào chính trị nội bộ nước này.
Nhiều thành viên của chính quyền Biden không được phép vào Nga: Các bộ trưởng Tư Pháp và An ninh Nội địa, cố vấn về chính sách đối nội, giám đốc FBI và giám đốc tình báo quốc gia.
Mỹ đã cảnh báo Nga sẽ nhận hậu quả lớn hơn nếu Alexei Navalny, chính trị gia đối lập, người đã tuyệt thực trong tù gần 3 tuần, chết. Đáp lại, Nga cho biết sẵn sàng áp đặt các biện pháp mạnh hơn với Mỹ nếu căng thẳng leo thang nữa.
Hôm 19.4, Điện Kremlin cho biết sẽ trả đũa bất kỳ lệnh trừng phạt nào khác và bác bỏ tuyên bố của các nước ngoài về vụ việc. "Tình trạng sức khỏe của những người bị kết án và bỏ tù trên lãnh thổ Nga không thể và không nên là chủ đề họ quan tâm", phát ngôn viên Điện Kremlin - Dmitry Peskov nói.
Mối quan hệ giữa hai nước đã giảm xuống mức thấp mới sau Chiến tranh Lạnh vào tháng trước sau khi Biden nói rằng ông nghĩ Putin là "kẻ giết người" và Nga triệu hồi đại sứ của họ tại Mỹ để tham vấn.