Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 21.1 nói sẵn sàng để Elon Musk mua lại TikTok ở Mỹ nếu Giám đốc điều hành Tesla muốn làm như vậy.
Thế giới số

Ông Trump bật đèn xanh cho Elon Musk mua lại TikTok ở Mỹ

Sơn Vân 22/01/2025 08:48

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 21.1 nói sẵn sàng để Elon Musk mua lại TikTok ở Mỹ nếu Giám đốc điều hành Tesla muốn làm như vậy.

TikTok đã bị tạm ngừng hoạt động trong một khoảng thời gian ngắn hôm 18.1 ngay trước khi luật yêu cầu tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) phải bán hoạt động kinh doanh ứng dụng này ở Mỹ vì lý do an ninh quốc gia hoặc sẽ bị cấm, có hiệu lực vào ngày 19.1

Bloomberg tuần trước đưa tin các quan chức Trung Quốc đang trong các cuộc thảo luận ban đầu về khả năng bán hoạt động của TikTok tại Mỹ cho Elon Musk, nhưng công ty đã phủ nhận điều này.

Vào ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng hôm 20.1, ông Trump đã ký một lệnh hành pháp trì hoãn 75 ngày thực thi luật liên bang yêu cầu các công ty Mỹ ngừng lưu trữ TikTok trừ khi ByteDance bán các hoạt động của ứng dụng này tại Mỹ.

Lệnh hành pháp của ông Trump chỉ đạo Bộ trưởng Tư pháp Mỹ không thực thi luật "để cho chính quyền của tôi có cơ hội xác định hướng hành động phù hợp với TikTok".

Lệnh đó cũng chỉ đạo Bộ Tư pháp Mỹ gửi thư cho Apple, Google và Oracle, những công ty hợp tác với TikTok, nêu rằng "không có vi phạm luật và không có trách nhiệm pháp lý với bất kỳ hành động nào xảy ra trong khoảng thời gian đã được nêu trên". Apple và Google cung cấp ứng dụng TikTok thông qua App Store và Google Play. Trong khi Oracle cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu cho TikTok ở Mỹ.

Hiện vẫn chưa rõ liệu lệnh của ông Trump có đủ để Apple và Google khôi phục TikTok trên cửa hàng ứng dụng tại Mỹ như App Store, Google Play hay không.

TikTok vẫn chưa khả dụng để tải xuống trên các thiết bị Apple và Android tại Mỹ vào chiều 21.1.

Tổng thống Trump bày tỏ mong muốn ByteDance trao cho chính phủ Mỹ 50% cổ phần TikTok để ứng dụng tiếp tục hoạt động và khả dụng với hơn 170 triệu người dùng tại quốc gia này.

Ông Trump dọa sẽ áp thêm thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu nước này không chấp thuận thỏa thuận. "Chúng ta có thể cần sự chấp thuận từ Trung Quốc nữa. Tôi chắc rằng họ sẽ chấp thuận", Tổng thống Mỹ thứ 47 tuyên bố.

ong-trump-bat-den-xanh-cho-elon-musk-mua-lai-tiktok-o-my.jpg
Tổng thống Trump nói sẵn sàng để Elon Musk mua lại TikTok ở Mỹ nếu Giám đốc điều hành Tesla muốn làm như vậy - Ảnh: Reuters

“Tôi sẽ đồng ý, nếu cậu ấy muốn mua nó”, Trump nói với các phóng viên khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng để Elon Musk mua lại TikTok ở Mỹ hay không.

“Tôi đã gặp các chủ sở hữu của TikTok, những người chủ lớn. Vì vậy, điều tôi đang nghĩ là nói với ai đó rằng hãy mua nó và giao một nửa cho Mỹ”, Tổng thống Mỹ thứ 47 nói thêm.

Elon Musk từng mua Twitter (hiện là X) với giá 44 tỉ USD vào tháng 10.2022.

Các nhà hoạt động ủng hộ tự do ngôn luận đã phản đối việc cấm TikTok theo một luật được Quốc hội Mỹ thông qua và ký bởi cựu Tổng thống Joe Biden hồi tháng 4.2024.

TikTok cho biết các quan chức Mỹ đã diễn giải sai mối quan hệ của họ với Trung Quốc. TikTok lập luận rằng hệ thống đề xuất nội dung và dữ liệu người dùng của họ được lưu trữ tại Mỹ trên các máy chủ đám mây do Oracle vận hành, còn các quyết định kiểm duyệt nội dung ảnh hưởng đến người dùng Mỹ cũng được thực hiện tại nước này. TikTok hiện có hơn 170 triệu người dùng ở Mỹ.

Chi hơn 250 triệu USD để hỗ trợ ông Trump thắng cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11, Elon Musk hôm 19.1 phàn nàn việc Trung Quốc cấm X sau khi ông Trump hứa giúp TikTok tiếp tục hoạt động ở Mỹ khi cho biết "cần phải thay đổi điều gì đó".

Giám đốc điều hành Tesla phản đối việc thiếu tính đối ứng trong mối quan hệ công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây là lời chỉ trích hiếm hoi từ tỷ phú giàu nhất thế giới về các vấn đề nhạy cảm với Trung Quốc.

Elon Musk từ lâu đã tìm cách duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các quan chức của Trung Quốc, một thị trường cốt lõi và trung tâm sản xuất cho hãng ô tô điện Tesla. Thế nên trong nhiều năm, ông đã thận trọng trong các tuyên bố của mình về Trung Quốc.

Tỷ phú 53 tuổi nói: “Tôi đã phản đối lệnh cấm TikTok trong một thời gian dài vì nó đi ngược lại quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, tình hình hiện tại khi TikTok được phép hoạt động ở Mỹ, nhưng X không được phép hoạt động ở Trung Quốc, là không cân bằng".

Khi được hỏi về bình luận của Elon Musk, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Mao Ninh cho biết Bắc Kinh hoan nghênh bất kỳ công ty nào tuân thủ luật pháp của mình và các tập đoàn Trung Quốc ở nước ngoài có nghĩa vụ tuân thủ quy tắc của địa phương.

Lời phàn nàn nêu trên của Elon Musk nhẹ nhàng hơn so với những lần ông công kích dữ dội các chính trị gia phương Tây và đụng chạm đến chính trị các quốc gia như Đức, Anh, Ý.

Thế nhưng, điều này làm nổi bật những xung đột lợi ích tiềm tàng của Giám đốc điều hành Tesla giữa việc bảo vệ lợi ích kinh doanh tại Trung Quốc và trở thành người bạn tâm giao với Tổng thống Mỹ sắp tới cũng như đồng lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ.

Hôm 19.1, Elon Musk đã gặp Phó chủ tịch Trung Quốc - Hàn Chính, người đại diện cho Chủ tịch Tập Cận Bình tại lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Trump hôm 20.1. Sự hiện diện của một quan chức Trung Quốc cấp cao như Hàn Chính là chưa từng có trước đây tại các lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ, nơi Bắc Kinh thường được đại diện bởi đại sứ của mình tại Washington.

"Ông Hàn Chính đã gặp Elon Musk và chào đón các công ty Mỹ, gồm cả Tesla, để nắm bắt cơ hội và chia sẻ thành quả phát triển của Trung Quốc", hãng thông tấn Tân Hoa Xã đưa tin.

Tesla đã kiếm được gần 1/4 doanh số bán hàng trong quý 3/2024 từ Trung Quốc và xuất khẩu nhiều ô tô điện hơn nữa từ nhà máy ở thành phố Thượng Hải sang các nước thứ ba.

Một số nhà phân tích tin rằng Trung Quốc đang đặt hy vọng vào Elon Musk với tư cách là trung gian tiềm năng với ông Trump, người tuyên bố sẽ tăng thuế với hàng nhập khẩu từ cường quốc châu Á này. Các quan chức Trung Quốc trước đó đã thảo luận về việc sử dụng Elon Musk làm cầu nối để giải quyết vấn đề TikTok tại Mỹ.

Trung Quốc có thể cho ByteDance bán cổ phần TikTok ở Mỹ

Chính quyền Trung Quốc dường như đang nới lỏng về lập trường với số phận của TikTok, có thể mở đường cho ByteDance bắt đầu đàm phán với các nhà đầu tư Mỹ, những người hiểu rõ vấn đề này tiết lộ cho trang SCMP.

Với sự nhiệt tình gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc đạt được thỏa thuận về TikTok, Trung Quốc đang thấy một thỏa thuận công bằng có thể mang lại lợi ích để cải thiện mối quan hệ song phương, trang SCMP đưa tin.

Tổng thống Trump bày tỏ mong muốn ByteDance trao cho chính phủ Mỹ 50% cổ phần TikTok để ứng dụng tiếp tục hoạt động tại quốc gia này, nếu không sẽ áp thêm thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc chưa trực tiếp trả lời yêu cầu của ông Trump, nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc gần đây đã nới lỏng lập trường về một thỏa thuận tiềm năng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Mao Ninh cho biết tại một cuộc họp báo hôm 20.1 rằng các hoạt động và thương vụ của doanh nghiệp "nên do doanh nghiệp quyết định theo nguyên tắc thị trường".

"Nếu các công ty Trung Quốc tham gia, các thỏa thuận phải tuân thủ luật pháp và quy định của Trung Quốc", bà Mao Ninh cho nói tại một cuộc họp báo riêng.

Lời phát biểu này là một sự thay đổi đáng chú ý so với lập trường trước đây của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về câu chuyện TikTok. Quan điểm chính thức trước đây của Trung Quốc là phản đối mạnh mẽ việc Mỹ đối xử tệ và đàn áp các doanh nghiệp Trung Quốc nhân danh an ninh quốc gia.

Năm 2020, Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ về "hậu quả" của lệnh cấm TikTok, mà họ ví như "mở hộp Pandora".

Cụm từ "mở hộp Pandora" bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp. Theo truyền thuyết, Pandora là người phụ nữ đầu tiên được thần Zeus tạo ra. Cô được trao một chiếc hộp (hoặc bình, theo một số phiên bản), trong đó chứa tất cả những điều bất hạnh như bệnh tật, đau khổ và xui xẻo, nhưng cũng có hy vọng. Pandora nhận lời dặn không được mở hộp này, nhưng vì tò mò, cô đã mở nắp, giải phóng tất cả tai họa ra thế giới, chỉ còn lại hy vọng nằm trong hộp.

Ngày nay, cụm từ này được sử dụng để chỉ một hành động hoặc quyết định tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, phức tạp và không thể kiểm soát được. Nó mang ý nghĩa cảnh báo rằng một việc làm nào đó có thể gây ra nhiều vấn đề hơn tưởng tượng.

Trước khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, Trump cho biết ông đã thảo luận về TikTok với Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm mới nhất của họ hôm 17.1.

"Tôi kỳ vọng rằng chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết nhiều vấn đề và bắt đầu ngay lập tức. Chúng tôi đã thảo luận về cân bằng thương mại, fentanyl, TikTok và nhiều chủ đề khác", Tổng thống Mỹ viết trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social của mình.

"Yêu cầu của ông Trump rằng Mỹ nhận được 50% cổ phần TikTok là hình thức gây áp lực, nhưng điều này vẫn tốt hơn là phải từ bỏ 100%”, theo một nguồn tin của SCMP được thông báo về các cân nhắc ở Trung Quốc cho một thỏa thuận.

Các nhà phân tích cho biết Trung Quốc và Mỹ có thể đang tiến gần hơn đến nhau về số phận của ứng dụng này. Chew Shou Zi, Giám đốc điều hành TikTok, đã tham dự lễ nhậm chức tổng thống của ông Trump trưa 20.1 cùng các ông trùm công nghệ Mỹ, gồm cả Elon Musk và Jeff Bezos (người sáng lập Amazon).

Thomas Liu, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty tư vấn Policy Nexus, nói giọng điệu từ cả hai bên báo hiệu rằng "thỏa thuận có thể đã được tiến hành, thậm chí trước lễ nhậm chức của ông Trump".

Vẫn chưa rõ thỏa thuận như vậy có thể đáp ứng các yêu cầu của luật như thế nào, theo đó ByteDance không thể kiểm soát một ứng dụng đang hoạt động tại Mỹ.

Tuy nhiên, một thỏa thuận "gồm tuân thủ quy định, các biện pháp minh bạch và có thể là quyền sở hữu tại Mỹ có thể đóng vai trò như mô hình để điều hướng giao thoa giữa kinh doanh quốc tế và căng thẳng địa chính trị", Thomas Liu nhận định.

Tại Trung Quốc, ByteDance tiết lộ với một số cơ quan truyền thông nước này rằng công ty vẫn chưa đạt được thỏa thuận cùng chính phủ Mỹ.

Tờ Yicai36Kr trích dẫn một người gần gũi với ByteDance tiết lộ TikTok hoạt động trở lại sau khi tạm thời bị chặn quyền truy cập ở Mỹ vì chính phủ nước này quyết định chưa thực thi ngay luật.

Luật này đặt ra thời hạn là ngày 19.1 để ByteDance bán các hoạt động của TikTok tại Mỹ. Thế nhưng, luật không ngăn cản TikTok cung cấp nội dung cho người Mỹ, dù Apple, Google và Oracle không thể hợp pháp cung cấp dịch vụ cho TikTok trong khi nó thuộc sở hữu của ByteDance. Về mặt kỹ thuật, luật vẫn có hiệu lực ngay cả khi có sự chậm trễ trong việc thực thi.

Một trở ngại với khả năng thoái vốn là Trung Quốc không muốn cho phép ByteDance xuất khẩu thuật toán mạnh mẽ của mình, được coi là bí quyết giúp TikTok thành công toàn thế giới. Hai công nghệ chính mà TikTok sử dụng là "đẩy thông tin được cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu" và "giao diện tương tác trí tuệ nhân tạo".

Tuy nhiên, một thỏa thuận vẫn có thể thực hiện được mà không cần chuyển giao quyền sở hữu thuật toán, theo người được thông báo về các cân nhắc của chính phủ Trung Quốc.

"Rốt cuộc, không khó để các cổ đông tiềm năng của Mỹ tìm được một thuật toán tốt khi xét đến lượng người dùng và kho nội dung lớn của ứng dụng tại Mỹ", người này cho biết.

Bài liên quan
X và Instagram ra mắt công cụ video vào ngày TikTok bị cấm ở Mỹ
X đã ra mắt tính năng mới cho người dùng Mỹ vào hôm 19.1. Đó là một thẻ dành riêng để xem video trên nền tảng này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để bộ máy mới ổn định, vận hành hiệu quả
11 giờ trước Sự kiện
Ngày 21.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã tổ chức phiên họp lần thứ hai. Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông Trump bật đèn xanh cho Elon Musk mua lại TikTok ở Mỹ