Ông Trump hỏi các cố vấn về các lựa chọn để tấn công địa điểm hạt nhân chính của Iran chỉ vài ngày sau khi sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper.
Theo tờ The New York Times, Tổng thống Donald Trump tuần trước đã tham khảo ý kiến các cố vấn hàng đầu về các lựa chọn tiềm năng cho cuộc tấn công quân sự vào địa điểm hạt nhân chính của Iran.
Các cố vấn cấp cao cuối cùng đã không khuyến khích Trump theo đuổi cuộc tấn công, cho rằng một động thái như vậy có thể xoáy vào cuộc xung đột lớn hơn trong thời gian ngắn còn lại trong nhiệm kỳ của tổng thống. Bốn quan chức hiện tại và cựu quan chức nói với The New York Times về điều này.
Hiện ông Trump vẫn từ chối chấp nhận kết quả và nhượng bộ Joe Biden.
Trong số những người thuyết phục Trump không tấn công Iran có Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng - Mark A. Milley.
Nader Hashemi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Denver, nói với trang Business Insider: “Rất may, những cái đầu lạnh hơn đã thắng thế. Một cuộc tấn công quân sự vào Iran sẽ gây mất ổn định sâu sắc cho một Trung Đông vốn đã bất ổn, với hiệu ứng gợn sóng khắp khu vực, đặc biệt là ở Iraq và Li Băng. Iran còn rất xa mới có đủ uranium được làm giàu để chế tạo bom. Không có mối đe dọa nào sắp xảy ra có thể dẫn đến một cuộc tấn công quân sự".
Nhà Trắng không trả lời khi được đề nghị bình luận về vấn đề này.
Cuộc họp tại Phòng Bầu dục được cho diễn ra chỉ vài ngày kể từ lúc ông Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và một ngày sau khi các thanh sát viên quốc tế báo cáo sự gia tăng lớn trong kho dự trữ uranium của Iran.
Kho dự trữ uranium cấp thấp của Iran hiện gấp hơn 12 lần giới hạn quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Vào tháng 5.2018, ông Trump gây tranh cãi khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận.
Quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân thời Obama nhanh chóng làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Tehran, nguồn cơn cho hàng loạt các cuộc giao tranh ở Vịnh Ba Tư. Động thái gây tranh cãi càng trở nên trầm trọng hơn vào đầu năm 2020 sau khi ông Trump ra lệnh tấn công bằng máy bay không người lái giết chết tướng hàng đầu Iran là Qassem Soleimani khi ông ta đang ở Iraq.
Cuộc tấn công Soleimani đã đẩy Mỹ và Iran đến bờ vực chiến tranh. Iran đã trả đũa bằng cuộc tấn công tên lửa vào lực lượng Mỹ ở Iraq khiến hàng chục người bị thương nặng. Mỹ và Iran đã tránh được cuộc xung đột rộng lớn hơn do hậu quả từ cuộc tấn công Soleimani, nhưng căng thẳng vẫn ở mức cao.
Cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ ở Iraq cũng khiến Iran từ bỏ hoàn toàn thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
"Lý do duy nhất khiến Iran không muốn leo thang ngoài các cuộc tấn công mang tính biểu tượng vào thời điểm đó vì sợ Mỹ sẽ trả đũa bằng cách tấn công vào bên trong đất nước. Nếu Mỹ tấn công vào bên trong Iran và chống lại các cơ sở hạt nhân thì Iran không còn gì nữa", Hassan Hassan, Giám đốc chương trình phi nhà nước và địa chính trị tại Trung tâm Chính sách toàn cầu, nói với Business Insider.
Hôm 9.11, Tổng thống Trump thông báo quyết định sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper qua Twitter và chỉ định Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Christopher Miller tạm thời thay thế.
Ông Trump và người đứng đầu Lầu Năm Góc từng bất đồng về hàng loạt vấn đề. Mark Esper từng công khai phản đối lời đe dọa dùng quân đội trấn áp các cuộc biểu tình lên án phân biệt chủng tộc mùa hè qua của Tổng thống Trump.
Theo Reuters, Mark Esper chuẩn bị cho khả năng ra đi từ lâu, đặc biệt nếu ông Trump có thêm 1 nhiệm kỳ, nhưng không ngờ rằng Trump thất cử mà vẫn sa thải mình.
Trong thư gửi đến Lầu Năm Góc sáng 9.11, Mark Esper nhận định còn nhiều điều chưa hoàn thành và ca ngợi quân đội vẫn giữ được trạng thái “phi chính trị”.