Nhà sản xuất smartphone Oppo (Trung Quốc) và gã khổng lồ viễn thông Nokia (Phần Lan) cho biết đã đạt được thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế toàn cầu. Động thái này chấm dứt cuộc tranh cãi pháp lý kéo dài nhiều năm về phí sử dụng bằng sáng chế 5G của Nokia trên các smartphone Oppo.
Thế giới số

Oppo kết thúc cuộc chiến pháp lý kéo dài với Nokia ở 12 nước, đồng ý trả tiền bản quyền 5G

Sơn Vân 24/01/2024 21:10

Nhà sản xuất smartphone Oppo (Trung Quốc) và gã khổng lồ viễn thông Nokia (Phần Lan) cho biết đã đạt được thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế toàn cầu. Động thái này chấm dứt cuộc tranh cãi pháp lý kéo dài nhiều năm về phí sử dụng bằng sáng chế 5G của Nokia trên các smartphone Oppo.

Hai bên đã vướng vào nhiều vụ kiện bằng sáng chế tại 12 quốc gia kể từ năm 2021, vì họ không thống nhất được mức giá để Oppo sử dụng danh mục bằng sáng chế 5G của Nokia trên smartphone công ty Trung Quốc. Oppo là thương hiệu smartphone lớn thứ tư thế giới, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu IDC.

Tại một số thị trường, phán quyết của tòa án có lợi cho Nokia khiến Oppo bị cấm bán smartphone cho khách hàng địa phương. Sau khi thua kiện vi phạm bằng sáng chế của Nokia tại Đức vào năm 2022, Oppo đã dừng bán smartphone ở nước này và gỡ bỏ hầu hết sản phẩm khỏi trang web địa phương của mình.

Đầu năm 2023, tòa án ở Ấn Độ đã yêu cầu Oppo phải trả cho Nokia một khoản phí cấp phép tương đương 23% doanh số bán hàng tại địa phương của công ty Trung Quốc.

Trong khi một tòa án ở Indonesia đã bác bỏ khiếu nại vi phạm bằng sáng chế của Nokia với Oppo.

Hôm 24.1.2024, Oppo cho biết đã ký thỏa thuận cấp phép chéo bằng sáng chế toàn cầu với Nokia, bao gồm các bằng sáng chế thiết yếu theo tiêu chuẩn (SEP) trong 5G và các công nghệ di động khác. SEP rất cần thiết để sản phẩm tuân thủ các tiêu chuẩn ngành.

Oppo cho biết trong một tuyên bố: “Theo thỏa thuận, cả hai bên sẽ giải quyết tất cả vụ kiện tụng đang chờ xử lý ở tất cả khu vực pháp lý”.

Trong một tuyên bố riêng, Nokia thông báo Oppo sẽ trả tiền bản quyền theo tỷ lệ đã thỏa thuận và giải quyết các khoản thanh toán mà công ty Trung Quốc nợ mình. Hai công ty không tiết lộ phí cấp phép và các điều khoản cụ thể khác của thỏa thuận, vốn “được giữ bí mật theo thỏa thuận chung”.

Oppo không bình luận về ý nghĩa của thỏa thuận này với hoạt động kinh doanh tại Đức.

oppo-ket-thuc-cuoc-chien-phap-ly-keo-dai-voi-nokia-o-12-nuoc-dong-y-tra-tien-ban-quyen-5g.jpg
Oppo và Nokia đã đạt được thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế toàn cầu, chấm dứt cuộc tranh cãi pháp lý kéo dài nhiều năm về phí sử dụng bằng sáng chế 5G của Nokia trên các smartphone Oppo - Ảnh: Internet

Oppo vẫn đang vật lộn với những thách thức pháp lý ở Đức, nơi tòa án Munich đã ra phán quyết vào cuối tháng 12.2023 rằng Oppo vi phạm bằng sáng chế của InterDigital (hãng công nghệ di động và không dây Mỹ), đồng thời đưa ra lệnh cấm với công ty Trung Quốc.

Thỏa thuận giữa Nokia và Oppo được đưa ra sau khi một tòa án Trung Quốc ủng hộ kiến nghị của Oppo nhằm hạ mức phí bản quyền thấp hơn với SEP của Nokia trong công nghệ 2G đến 5G.

Theo phán quyết vào tháng 12.2023, Tòa án Nhân dân Trung cấp Trùng Khánh sơ thẩm đã quyết định rằng phí cấp phép công bằng phải là 1,151 USD cho mỗi thiết bị cầm tay đa chế độ 5G tại các thị trường phát triển (gồm cả châu Âu) và 0,707 USD cho mỗi thiết bị ở các quốc gia khác (gồm cả Trung Quốc).

Theo thông báo trên trang web của hãng, Nokia tính phí cấp phép tối đa là 3 euro (3,24 USD) cho mỗi smartphone 5G.

Theo Julia Zhu, người đứng đầu bộ phận cấp phép và tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ của Oppo, các công ty Trung Quốc đang cố gắng có tiếng nói lớn hơn trong việc định giá khi trở thành chủ sở hữu bằng sáng chế nổi bật hơn về các công nghệ liên quan đến mạng di động so với thời kỳ 4G.

Julia Zhu nói: “Chúng tôi hy vọng phán quyết của tòa án ở Trùng Khánh sẽ đặt ra một tiêu chuẩn cho ngành và mức giá do tòa án đặt ra sẽ là tài liệu tham khảo chắc chắn trong các vụ kiện tụng khác”.

Trong một tranh chấp tương tự giữa Oppo và Sharp vào năm 2020, một tòa án ở thành phố Thâm Quyến (trung tâm công nghệ ở Trung Quốc) đã quyết định rằng họ có thẩm quyền ấn định tỷ giá Frand toàn cầu. Đây là thuật ngữ mô tả nghĩa vụ của những người nắm giữ bằng sáng chế trong việc cấp phép cho các tài sản trí tuệ một cách “công bằng, hợp lý và không phân biệt đối xử”.

Được Foxconn (Đài Loan) mua lại, Sharp đã kháng cáo vụ việc. Sau khi Tòa án Tối cao Trung Quốc giữ nguyên phán quyết, Oppo và Sharp đã đạt được thỏa thuận cấp phép chéo để chấm dứt tất cả vụ kiện tụng đang diễn ra của họ trên toàn cầu.

Vì tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc, các nhà sản xuất smartphone trong nước từ lâu đã có thể đạt được khoản phí cấp phép bằng sáng chế thấp hơn so với các đối thủ nước ngoài. Tuy nhiên, những hãng Trung Quốc ngày càng gặp khó khăn trong việc đàm phán về mức phí cấp phép bằng sáng chế ưu đãi.

Vivo, công ty “anh em” của Oppo (đều thuộc sở hữu của tập đoàn công nghệ BBK Electronics), cũng gặp phải vụ kiện tương tự do Nokia đệ trình và đã ngừng bán sản phẩm của mình tại Đức kể từ tháng 5.2023. Điều này diễn ra sau khi Vivo hủy bỏ kế hoạch mang sản phẩm của mình đến Hà Lan, nơi mà Nokia thực hiện một vụ kiện tương tự.

Trong khi đó, Oppo và Xiaomi đang phải đối mặt với các vụ kiện mà tập đoàn điện tử Panasonic (Nhật Bản) đưa ra tại Trung Quốc và châu Âu về công nghệ 4G.

Oppo đang chịu áp lực phải giải quyết các tranh chấp bằng sáng chế và tăng doanh số bán hàng toàn cầu trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt. Theo dữ liệu của IDC, doanh số smartphone của công ty có trụ sở tại thành phố Đông Quản đã giảm 9,9% vào năm 2023 trong bối cảnh kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn.

Đầu tháng 1.2024, Honor (đối thủ nội địa của Oppo) đã ký một thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế với Nokia trong các công nghệ di động, gồm cả 5G.

Honor (từng là thương hiệu điện thoại giá rẻ của Huawei nhưng bị bán lại vào tháng 11.2020) đứng đầu Trung Quốc trong quý 3/2023 với doanh số 11,8 triệu chiếc smartphone và chiếm 18% thị phần, theo Canalys. Oppo và Apple đồng hạng ở vị trí thứ hai, đều có 16% thị phần.

Bài liên quan
Đằng sau việc Oppo đóng đơn vị thiết kế chip Zeku, sa thải gần 3.000 kỹ sư
Oppo có động thái bất ngờ khi giải thể đơn vị thiết kế chip nội bộ của mình là Zeku, gồm cả việc sa thải gần 3.000 kỹ sư ở một trong những cuộc cắt giảm nhân sự lớn nhất ngành công nghiệp bán dẫn tại Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Oppo kết thúc cuộc chiến pháp lý kéo dài với Nokia ở 12 nước, đồng ý trả tiền bản quyền 5G