Cơn sốt ChatGPT dự kiến sẽ giúp nâng doanh số bán PC khi các nhà sản xuất phần cứng từ Lenovo đến Oppo đặt cược vào generative AI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh).
Generative AI là một loại trí tuệ nhân tạo được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn.
Theo nghiên cứu gần đây của công ty tư vấn CNTT IDC, sự phổ biến ngày càng tăng của AI dự kiến sẽ nâng cao doanh số bán máy tính cá nhân (PC) trong những năm tới, khi các công ty phần cứng đổ xô đưa công nghệ này vào các thiết bị.
Doanh số PC đã chậm lại trong hai năm qua sau làn sóng mua máy tăng cao trong đại dịch COVID-19 do người tiêu dùng phải làm việc tại nhà vào năm 2020 và 2021. Thị trường PC châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm máy tính để bàn, máy tính xách tay và máy trạm, ước tính giảm 7,6% trong năm 2023 sau khi sụt giảm 11,6% vào 2022.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất đang trông cậy vào việc áp dụng ngày càng nhiều các sản phẩm generative AI, gồm cả ChatGPT của OpenAI và Ernie Bot của gã khổng lồ tìm kiếm internet Baidu (Trung Quốc), để thúc đẩy người tiêu dùng nâng cấp lên các thiết bị tích hợp khả năng AI, nâng cao nhu cầu trong một thị trường PC trì trệ, theo IDC.
Tại hội nghị nhà phát triển lần đầu tiên của mình, OpenAI đã thông báo ChatGPT (ra mắt cách đây một năm) hiện có hơn 100 triệu người dùng hoạt động hàng tuần trên toàn cầu.
Ernie Bot của Baidu (ra mắt vào tháng 3) đã thu hút hơn 70 triệu người dùng tại Trung Quốc, theo thông tin từ Wang Haifeng, Giám đốc công nghệ của công ty này, tại Hội nghị Internet Thế giới hàng năm diễn ra tại thị trấn kênh đẹp như tranh Ô Trấn ở tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc.
ChatGPT hiện không có sẵn ở Trung Quốc.
Người dùng đã háo hức thử nghiệm thế hệ chatbot AI mới nhất, có khả năng xử lý các tác vụ như tóm tắt văn bản dài, soạn thảo email, báo cáo công việc, phiên âm và dịch bản ghi âm bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, cùng nhiều chức năng khác.
Các nhà sản xuất PC đang nỗ lực tích hợp những khả năng đó vào sản phẩm của họ.
Lenovo đặt mục tiêu biến PC thành “máy tính cá nhân hóa” bằng công nghệ AI, Phó chủ tịch Ablikim Ablimit cho biết tại một sự kiện công nghiệp ở Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc) hôm 10.11.
Ablikim Ablimit nói với khán giả tại sự kiện rằng một máy tính xách tay được hỗ trợ bởi AI sẽ có thể tạo các báo cáo công việc “dựa trên sở thích của bạn, các tài liệu lịch sử của bạn”. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng việc đạt được mục tiêu đó sẽ đòi hỏi nỗ lực phối hợp của toàn bộ lĩnh vực PC và AI.
Theo IDC, PC AI được dự báo sẽ chiếm 86% trong số 34 triệu máy tính xách tay ước tính sẽ được xuất xưởng tại Trung Quốc vào năm 2027.
PC AI đề cập đến các máy sở hữu chip tiên tiến có khả năng chạy các mô hình và ứng dụng ngôn ngữ lớn được hỗ trợ bởi công nghệ trực tiếp trên thiết bị, thay vì trên đám mây.
Ví dụ về bộ xử lý hỗ trợ AI là dòng Ryzen Pro 7040 của AMD ra mắt năm nay, được mô tả là một trong những bộ xử lý x86 đầu tiên trên thế giới tích hợp động cơ AI.
Các nhà sản xuất smartphone cũng đang cố gắng đưa khả năng AI vào thiết bị cầm tay.
Oppo (Trung Quốc), nhà cung cấp smartphone lớn thứ tư thế giới, “rất lạc quan về sự tích hợp AI và các ứng dụng mô hình ngôn ngữ lớn vào smartphone trong tương lai”, Jason Liao, người đứng đầu Viện nghiên cứu Oppo, nói với các phóng viên cuối tháng trước.
Vào tháng 8, Oppo đã tiết lộ mô hình ngôn ngữ lớn độc quyền AndesGPT của mình để thử nghiệm, với mục đích nâng cấp trợ lý giọng nói Xiaobu để cải thiện tương tác với người dùng.
Vivo, thương hiệu anh em của Oppo, cũng cho biết vào tháng trước rằng sẽ bổ sung mô hình AI của riêng mình vào hệ điều hành mới OriginOS 4.
Intel và AMD kỳ vọng việc tích hợp AI vào PC sẽ thúc đẩy tăng trưởng
Thu nhập của Intel và AMD đã đưa ra nhiều bằng chứng hơn về sự phục hồi đang diễn ra nhanh chóng trên thị trường máy tính cá nhân. Đây là tín hiệu tốt cho một ngành đang phải vật lộn với tình trạng dư cung sau đại dịch COVID-19.
Các lãnh đạo của cả hai công ty đều đề cập đến thị trường PC đang ổn định trong buổi báo cáo thu nhập quý 3/2023 và cho biết họ kỳ vọng việc tích hợp AI vào PC sẽ thúc đẩy tăng trưởng.
Pat Gelsinger, Giám đốc điều hành Intel, nói: “Sự xuất hiện của PC AI thể hiện một bước ngoặt trong ngành công nghiệp PC”.
Lisa Su, Giám đốc điều hành AMD, cho biết bà "dự kiến sẽ có sự tăng trưởng trong năm 2024 khi chúng ta nghĩ về chu kỳ PC AI và một số chu kỳ cập nhật hệ điều hành Windows".
Vào quý 3/2023, hoạt động kinh doanh tập trung vào PC của AMD đã đạt mức tăng trưởng mạnh nhất trong hai năm, còn mức giảm doanh thu tại mảng PC của Intel là chậm nhất trong 8 quý qua.
Các nhà sản xuất PC đang cố gắng giải phóng hàng tồn kho vì họ mong đợi nhu cầu sẽ tăng trong kỳ nghỉ lễ và trước bản cập nhật Windows 12 dự kiến vào năm tới từ Microsoft.
Dữ liệu từ các công ty nghiên cứu như Canalys đã làm tăng thêm những kỳ vọng đó. Sau khi lượng PC xuất xưởng toàn ngành sụt giảm chậm hơn trong quý 3/2023, Canalys kỳ vọng thị trường sẽ tăng trưởng trở lại trong kỳ nghỉ lễ rất được mong đợi.
Canalys hy vọng việc áp dụng PC có khả năng AI sẽ tăng nhanh từ năm 2025 trở đi và chiếm khoảng 60% tổng số PC được xuất xưởng vào 2027.
Tại sự kiện Intel Innovation diễn ra đầu tháng 10 ở thành phố San Jose (bang California, Mỹ) về đổi mới công nghệ, Intel đã công bố hàng loạt kế hoạch đưa ra các dòng chip thế hệ mới nhằm hướng đến thế hệ PC AI.
Dự kiến vào ngày 14.12, Intel sẽ chính thức ra mắt dòng chip mới mang tên Core Ultra, với tên mã là Meteor Lake. Không chỉ tích hợp chip đồ họa Arc với hiệu năng theo Intel là "mạnh như card màn hình rời", Meteor Lake còn là mẫu vi xử lý đầu tiên của Intel được tích hợp bộ xử lý thần kinh (NPU).
Dòng chip này khởi đầu cho thế hệ PC AI để có thể sử dụng các bước tiến về AI ngay trên PC chứ không phải lệ thuộc vào những hệ thống máy chủ lớn hay kết nối điện toán đám mây, trực tuyến. Pat Gelsinger cho biết Intel kỳ vọng "sẽ tung ra thị trường hàng chục triệu PC AI vào năm 2024, sau đó sẽ mở rộng quy mô lên hàng trăm triệu chiếc".
Theo đó, Core Ultra có CPU, GPU và NPU sẽ được phân chia riêng biệt cho các tác vụ khác nhau để đạt hiệu quả tối ưu như CPU đảm nhiệm các tác vụ AI nhẹ có độ trễ thấp, còn NPU thực thi các tác vụ AI lớn và kéo dài. Trình diễn ngay tại sự kiện Intel Innovation, những chiếc máy tính xách tay tích hợp AI với bộ vi xử lý Core Ultra có thể dễ dàng trả lời các câu hỏi như ChatGPT mà không cần kết nối trực tuyến với ứng dụng ChatGPT, hay có thể tóm tắt nội dung họp trực tuyến, ghi chú rồi lưu trữ.
Dự kiến chip thế hệ tiếp theo của Meteor Lake sẽ là Arrow Lake, ra mắt trong năm 2024, tiếp đến lần lượt là Lunar Lake và Panther Lake. Song hành cùng các thế hệ chip tích hợp xử lý AI, Intel còn phát triển các công cụ hỗ trợ phát triển AI.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư coi việc thiếu ứng dụng AI là trở ngại tiềm tàng cho việc áp dụng PC AI. Microsoft đến nay là công ty lớn duy nhất tạo ra các dịch vụ như vậy với phần mềm Copilot hỗ trợ generative AI và đã có sẵn cho khách hàng doanh nghiệp Microsoft 365 từ hôm 1.11.
Dave Egan, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Columbia Threadneedle - nhà đầu tư vào cả AMD và Intel, nhận xét: “Chúng ta vẫn chưa rõ liệu có một ứng dụng quan trọng nào sẽ thúc đẩy chu kỳ nâng cấp này hay không”.