Ông Fu Cong, Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU), gọi cuộc điều tra của EU với các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc về trợ cấp nhà nước là “không công bằng”.
Ông Fu Cong nói với hãng tin Bloomberg rằng Trung Quốc đang hợp tác với cuộc điều tra của EU “vì chúng tôi muốn tránh tình trạng hai bên sẽ phải dùng đến các biện pháp thương mại chống lại nhau”.
Ông cho biết EU đang hỗ trợ cho nhiều công ty trong khối của họ và nếu Trung Quốc thực hiện cách tiếp cận tương tự như EU đã làm thì lại “có nhiều điều có thể bị điều tra”.
Năm 2023, Ủy ban châu Âu đã mở một cuộc điều tra về việc có nên áp dụng thuế quan trừng phạt để bảo vệ các nhà sản xuất xe hơi ở EU trước làn sóng ô tô điện nhập khẩu giá rẻ hơn từ những công ty Trung Quốc mà họ cho rằng đang được hưởng lợi từ trợ cấp của nhà nước.
Hôm 12.1.2024, Reuters đưa tin các nhà điều tra của Ủy ban châu Âu sẽ kiểm tra những nhà sản xuất ô tô Trung Quốc vài tuần tới như một phần trong cuộc điều tra xem có nên áp dụng thuế trừng phạt để bảo vệ các công ty xe điện châu Âu hay không.
Theo hai nguồn tin của Reuters, các nhà điều tra sẽ đến thăm ba công ty ô tô điện Trung Quốc là BYD, Geely và SAIC. Một trong số hai nguồn tin nói các nhà điều tra sẽ không đến thăm các thương hiệu ô tô điện không phải của Trung Quốc sản xuất tại quốc gia này, chẳng hạn như Tesla, Renault và BMW.
Cuộc điều tra được khởi động vào tháng 10.2023 và dự kiến kéo dài 13 tháng, nhằm xác định xem liệu ô tô điện rẻ hơn sản xuất ở Trung Quốc có được hưởng lợi từ trợ cấp của chính phủ hay không.
Geely từ chối bình luận nhưng trích dẫn tuyên bố hồi tháng 10.2023 rằng công ty tuân thủ mọi luật và ủng hộ cạnh tranh thị trường công bằng trên toàn cầu.
Một nguồn tin của Reuters nói các nhà điều tra đã đến Trung Quốc, trong khi nguồn tin khác cho biết chuyến thăm dự kiến diễn ra vào tháng 1 và tháng 2.2024.
Hành động này nhằm mục đích xác minh, kiểm tra trực tiếp phản hồi mà các nhà sản xuất ô tô đã cung cấp trong bảng câu hỏi. Những tài liệu của Ủy ban châu Âu về cuộc điều tra cho biết nó đang ở "giai đoạn khởi đầu".
Chưa rõ các nhà điều tra Ủy ban châu Âu đang tìm kiếm thông tin cụ thể nào, nhưng họ có thể sẽ muốn xem bằng chứng về trợ cấp của chính phủ, chẳng hạn tiền tài trợ, giảm thuế và vay vốn giá rẻ. Họ có thể muốn xem chi phí sản xuất để so sánh với giá ô tô điện được bán ở châu Âu.
Đầu năm 2024, Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra chống bán phá giá với rượu mạnh nhập khẩu từ EU, một bước đi dường như nhắm vào Pháp, quốc gia ủng hộ cuộc điều tra ô tô điện Trung Quốc. Các mẫu ô tô điện Trung Quốc phổ biến xuất khẩu sang châu Âu gồm MG của SAIC và Volvo của Geely.
Thị phần ô tô điện Trung Quốc trên thị trường EU đã tăng lên 8% và có thể đạt 15% vào năm 2025, với những chiếc xe điện này thường được bán với giá thấp hơn 20% so với các mẫu sản xuất ở EU.
Vào tháng 10.2023, Great Wall Motor (Trung Quốc) cho biết họ là nhà sản xuất ô tô đầu tiên gửi phản hồi về cuộc điều tra trợ cấp của EU.
“Chúng tôi cần một môi trường thương mại công bằng và cởi mở. Chúng tôi có sự tự tin để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh trên toàn cầu. Châu Âu là một trong những thị trường chiến lược quan trọng của Great Wall Motor", Mu Feng, Chủ tịch Great Wall Motor, cho biết trên tài khoản Weibo của mình hôm 24.10.2023.
Ông cho biết công ty có những kế hoạch lớn cho EU, đã bắt đầu việc lựa chọn địa điểm cho một nhà máy ở đó, dự tính có đầy đủ năng lực từ sản xuất đến bán hàng.
Great Wall Motor có kế hoạch xây dựng một nhà máy ở châu Âu, và Đức là một trong những ứng cử viên cho địa điểm này, ấn phẩm Automobilewoche (Đức) đưa tin hồi tháng 5.2023.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU đã trở nên căng thẳng bởi các yếu tố khác nhau. EU đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đặc biệt là về nguyên liệu và sản phẩm cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh.
Các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc, từ hãng dẫn đầu thị trường là BYD đến các đối thủ nhỏ hơn như Xpeng và Nio, đang tăng cường nỗ lực mở rộng ra nước ngoài khi cạnh tranh nội địa ngày càng gia tăng và tăng trưởng giảm bớt. Nhiều công ty ô tô điện Trung Quốc đã đặt việc bán hàng sang châu Âu là ưu tiên hàng đầu.
Hiệp hội ô tô Trung Quốc cho biết rằng nước này ước tính đã vượt qua Nhật Bản để trở thành quốc gia xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới vào năm 2023, xuất xưởng 5,26 triệu xe, trị giá khoảng 102 tỉ USD.
Các hãng châu Âu chạy đua sản xuất ô tô điện giá phải chăng
Sự gia tăng ô tô điện giá rẻ Trung Quốc làm tăng áp lực lên các nhà sản xuất ô tô truyền thống. Thông qua việc hợp tác với các nhà cung ứng từ hãng sản xuất vật liệu pin đến công ty chip, họ muốn cắt giảm chi phí và phát triển ô tô điện giá phải chăng nhanh hơn kế hoạch trước đây.
Andy Palmer, Chủ tịch công ty khởi nghiệp Brill Power (Anh) - công ty đã phát triển phần cứng và phần mềm để tăng cường hệ thống quản lý pin ô tô điện, nói: “Các nhà sản xuất ô tô giờ đây thực sự tập trung chuyển sang những phương tiện giá phải chăng, bởi họ biết rằng phải làm như vậy nếu không sẽ thua các công ty Trung Quốc”.
Từng là Giám đốc điều hành Aston Martin (Anh), Andy Palmer cho biết các sản phẩm Brill Power có thể tăng phạm vi hoạt động của ô tô điện lên 60% và cho phép sử dụng pin nhỏ hơn. Pin là thành phần đắt tiền nhất của ô tô điện.
Lo ngại về nhu cầu chậm lại vì ô tô điện đắt tiền đã khiến việc giảm chi phí trở nên cấp thiết hơn. Sự cấp bách đó có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi. Vào tháng 12.2023, Renault (Pháp) cho biết có kế hoạch giảm 40% chi phí cho ô tô điện của mình để đạt mức giá ngang bằng với các mẫu xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Stellantis (Ý) đang xây dựng một nhà máy ở châu Âu với CATL (nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới của Trung Quốc) để tạo ra pin LFP rẻ hơn và gần đây trình làng mẫu SUV chạy điện Citroen e-C3 có giá khởi điểm 23.300 euro (24.540 USD).
Volkswagen (Đức) và Tesla (Mỹ) đang phát triển ô tô điện trị giá 25.000 euro.
Vincent Pluvinage, Giám đốc điều hành hãng OneD Battery Sciences (Mỹ), nói trong những chuyến thăm gần đây của ông với các khách hàng sản xuất ô tô châu Âu, mọi cuộc gặp đều bắt đầu với một câu chuyện như nhau: "Giảm chi phí giờ đây quan trọng hơn bất cứ điều gì khác".
OneD Battery Sciences bổ sung dây nano silicon vào vật liệu cực dương của pin ô tô điện có thành phần than chì để tăng phạm vi hoạt động và giảm thời gian sạc, tiết kiệm 281 USD so với chỉ sử dụng than chì cho pin ô tô điện 100 kWh (kilowatt giờ).
Vincent Pluvinage cho biết điều này có thể giảm 20% trọng lượng pin ô tô điện trong cùng một phạm vi. General Motors (Mỹ) là nhà đầu tư và khách hàng của OneD Battery Sciences.
OneD Battery Sciences đã phát triển một quy trình sản xuất trên máy móc tương đối rẻ tiền được sử dụng trong ngành công nghiệp pin mặt trời, vì Vincent Pluvinage cho biết những nhà sản xuất ô tô không thích các quy trình mới phức tạp và tốn kém. Nhà máy thử nghiệm đầu tiên của OneD Battery Sciences sẽ khai trương vào đầu năm 2024.
Veekim (Đức) đã phát triển một động cơ ô tô điện có nam châm sử dụng dạng ferit (hoặc bột sắt) thay vì đất hiếm, mà 5 nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp đang thử nghiệm cho các dự án ô tô điện giá cả phải chăng.
Các nhà sản xuất ô tô truyền thống muốn cắt giảm việc sử dụng đất hiếm vì Trung Quốc thống trị hoạt động khai thác và chế biến.
Peter Siegle, Giám đốc điều hành Veekim, nói việc sử dụng nam châm ferit giá rẻ và các quy trình chi phí thấp, gồm cả dây đồng được in 3D, có thể giảm giá động cơ ô tô điện điều khiển được khoảng 20%. Giá của động cơ có thể lên đến hơn 500 euro.