Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Síp chỉ ra rằng vi rút corona bám vào bề mặt hạt phấn hoa được gió mang đi xa, có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Phấn hoa làm lan truyền COVID-19 nhanh và xa hơn

Hoàng Vũ | 23/06/2021, 16:43

Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Síp chỉ ra rằng vi rút corona bám vào bề mặt hạt phấn hoa được gió mang đi xa, có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Theo Independent, nghiên cứu trên được đăng trên tạp chí Physics of Fluids, do chuyên gia Talib Dbouk và Dimitris Drikakis tại Đại học Nicosia (Síp) thực hiện. Các nhà khoa học tiết lộ phấn hoa có thể giúp vi rút corona trong không khí phát tán xa và nhanh hơn, khiến quy tắc giãn cách 2m kém hiệu quả ngay cả khi ở môi trường ngoài trời.

Cụ thể, các hạt vi rút lơ lửng trong không khí sau khi người bệnh ho hoặc hắt hơi có thể dính vào phấn hoa và phân tán trong gió. Khi ai đó hít phải những hạt phấn hoa này, rủi ro lây nhiễm vi rút trong không khí sẽ xảy ra, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người.

Nghiên cứu cho thấy sự hiện diện của phấn hoa ảnh hưởng đáng kể đến lượng vi rút trong không khí và làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Mỗi hạt phấn mang được tới hàng trăm hạt vi rút, và cây cối có thể phát tán 1.500 hạt phấn mỗi mét khối không khí trong một ngày.

Các nhà khoa học tại Đại học Nicosia đã sử dụng mô hình máy tính để mô phỏng cách di chuyển của phấn hoa từ một cây liễu. Khi mô phỏng một ngày mùa xuân điển hình, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng phấn hoa mang vi rút bị thổi xa 50m, đi qua đám đông mô phỏng gồm 100 người chỉ trong chưa đầy một phút. Các chuyên gia cảnh báo hạt phấn còn có thể bị bay xa hơn nhiều và khuyến cáo mọi người tránh tụ tập gần cây cối trong mùa thụ phấn.

268451.jpg
Các nhà khoa học mô phỏng di chuyển của phấn hoa có chứa hạt vi rút corona - Ảnh: Independent

“Hạt phấn có bề mặt mặt xốp và thô, lớn hơn hạt vi rút corona. Trong mùa thụ phấn, các hạt phấn hoa chiếm nồng độ thiết yếu trong khí quyển và chúng được vận chuyển theo gió”, đồng tác giả nghiên cứu Drikakis nói với tờ Independent.

Theo ông Drikakis, trong một đám đông gồm những người nhiễm bệnh, các hạt vi rút bị văng ra có thể bám vào bề mặt hạt phấn. Hạt phấn trở thành vật mang vi rút khác trong không khí ngoài các giọt nước bọt. Khi con người hít phải hạt phấn bay lơ lửng có vi rút bám trên bề mặt của chúng, sẽ bị nguy cơ lây truyền vi rút trong không khí", nhà nghiên cứu này cho hay.

Các nhà khoa học lập luận rằng hạt phấn hoa rất nhỏ và dễ dàng được gió mang đi xa, có thể tới hàng chục cây số so với gốc ban đầu. Chúng bay xa, không bốc hơi hoàn toàn, khác với những giọt nước bọt lỏng. Vì vậy, hạt phấn hoa có thể phát tán vi rút trong không khí với tốc độ cao hơn giọt nước bọt.

Các tác giả của nghiên cứu nhấn mạnh tác động của phấn hoa đối với sự lây lan của COVID-19 cho thấy quy tắc giãn cách 2m được áp dụng ở nhiều quốc gia có thể là không đầy đủ. Họ khuyến nghị nên đưa ra những chỉ dẫn mới dựa trên mức độ phấn hoa ở từng địa phương để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Trước đó, trong một nghiên cứu khác được công bố vào tháng 3 năm nay, các khoa học tại Đại học Kỹ thuật Munich (Đức) chỉ ra rằng khi nồng độ phấn hoa trong không khí cao hơn có thể khiến tỷ lệ nhiễm COVID-19 tăng lên.

Dưới sự dẫn dắt của tiến sĩ Athanasios Damialis, các chuyên gia quốc tế và nhiều nghiên cứu sinh y học môi trường tại Đại học Kỹ thuật Munich đã thu thập dữ liệu về nồng độ phấn hoa trong không khí, điều kiện thời tiết và nguồn lây nhiễm vi rút corona, tỷ lệ lây nhiễm từ ngày này sang ngày khác và tổng số ca xét nghiệm dương tính. 154 nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về phấn hoa từ 130 trạm ở 31 quốc gia trên 5 lục địa cùng các thông số về mật độ dân số và tác động của các biện pháp phong tỏa.

Theo đó, tỷ lệ trung bình phấn hoa trong không khí có thể chiếm 44% sự thay đổi tỷ lệ lây nhiễm. Trong khoảng thời gian không có quy định phong tỏa, tỷ lệ lây nhiễm trung bình cao hơn 4% với mỗi lần gia tăng 100 hạt phấn hoa trên 1m3 trong không khí. Tại một số thành phố của Đức, nồng độ phấn hoa lên đến 500 hạt phấn hoa/m3 mỗi ngày đã được ghi nhận trong quá trình nghiên cứu, điều này dẫn đến tỷ lệ lây nhiễm tổng thể tăng hơn 20%.

Đáng chú ý, nghiên cứu cũng tiết lộ nồng độ phấn hoa cao trong không dẫn đến phản ứng miễn dịch trong đường hô hấp yếu hơn, có thể gây ho và cảm lạnh. Do đó, vào những ngày có nhiều phấn hoa, có thể dẫn đến gia tăng số lượng các bệnh về đường hô hấp. Điều này cũng đúng với đại dịch COVID-19.

“Chúng ta không thể tránh tiếp xúc với phấn hoa trong không khí. Do đó, những người thuộc nhóm nguy cơ cao cần được thông báo rằng, nồng độ phấn hoa trong không khí cao dẫn đến tăng tính nhạy cảm với các bệnh nhiễm vi rút đường hô hấp", tiến sĩ Stefanie Gilles, tác giả của nghiên cứu cho biết.

Các nhà khoa học tin rằng, khi nghiên cứu sự lây lan của COVID-19, điều cần thiết là phải tính đến các yếu tô môi trường như phấn hoa. Nắm rõ những tác động này là một bước quan trọng trong việc ngăn ngừa đại dịch.

Bài liên quan
Nhà sản xuất vắc xin COVID-19 có mặt đầu tiên ở Việt Nam được vinh danh
AstraZeneca vừa chính thức trở thành 1 trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2024, trong đó, công ty ở vị trí thứ 5 toàn ngành dược và thứ 35 trong số những nơi làm việc tốt nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
một giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phấn hoa làm lan truyền COVID-19 nhanh và xa hơn