Các nhà khảo cổ học đã phát hiện hóa thạch khủng long ở Ireland sau khi phân tích các mảnh xương được lưu giữ tại Bảo tàng Ulster cách đây gần 40 năm.

Phát hiện hai hóa thạch khủng long đầu tiên ở Ireland

Long Hải | 28/11/2020, 12:10

Các nhà khảo cổ học đã phát hiện hóa thạch khủng long ở Ireland sau khi phân tích các mảnh xương được lưu giữ tại Bảo tàng Ulster cách đây gần 40 năm.

khung-long1.jpg
Hình ảnh mô phỏng khủng long chân thú Sarcosaurus - Ảnh: Julian Friers

Vào những năm 1980, Roger Byrne, một giáo viên và nhà sưu tập hóa thạch quá cố, đã tìm thấy một số mẫu vật không xác định trên bờ biển phía đông của quận Antrim ở Bắc Ireland. Ông đã giữ chúng trong vài năm trước khi tặng cho Bảo tàng Ulster ở Belfast.

Bí ẩn xoay quanh các mẫu vật hóa này đã hé lộ khi một nhóm các nhà nghiên cứu của Đại học Portsmouth và Đại học Queen's Belfast xác nhận chúng là xương khủng long hóa thạch. Theo bài báo được công bố trên tạp chí Proceedings of the Geological Association, hóa thạch 200 triệu năm tuổi là “dấu vết khủng long đầu tiên trên đảo Ireland”.

Mike Simms, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng quốc gia Bắc Ireland, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, cho biết: “Đây là một khám phá cực kỳ quan trọng. Sự khan hiếm hóa thạch tại Ireland là do hầu hết các tảng đá ở đây đều sai tuổi, hoặc quá già hoặc quá trẻ. Điều này cũng khiến việc xác nhận khủng long tồn tại trên những bờ biển này là gần như không thể”.

Bãi biển nơi các hóa thạch được tìm thấy được bao phủ bởi đá bazan và đá vôi trắng. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng hóa thạch ở khu vực như vậy thường thưa thớt và bị mài mòn nhiều. “Tìm kiếm hóa thạch khủng long ở đây có vẻ là một nhiệm vụ vô vọng, nhưng một số ứng cử viên tiềm năng đã được xác định”, Mike Simms nói.

nha-khoa-hoc.jpg
Mike Simms, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng quốc gia Bắc Ireland - Ảnh: CNN

Nhà nghiên cứu Robert Smyth và giáo sư David Martill của Đại học Portsmouth đã phân tích các hóa thạch bằng mô hình kỹ thuật số 3D độ phân giải cao. Ban đầu, họ tin rằng các mảnh xương là của cùng một loài động vật nhưng sau đó xác định chúng thuộc về hai loài khủng long khác nhau.

Smyth cho biết: “Phân tích hình dạng và cấu trúc bên trong của xương, chúng tôi nhận ra chúng thuộc về hai loài động vật rất khác nhau. Một loài rất khỏe và có xương đặc, đại diện khủng long bọc thép ăn thực vật. Loài còn lại khá mảnh mai với thành xương mỏng và các đặc điểm chỉ có ở khủng long săn mồi di chuyển nhanh bằng hai chân, còn được gọi là khủng long chân thú”.

Theo nhà nghiên cứu Mike Simms, cả hai hóa thạch đều là xương chân khủng long. Một hóa thạch là xương đùi của loài khủng long ăn thực vật bốn chân thuộc chi Scelidosaurus. Loài khủng long chân thú ăn thịt còn lại là Sarcosaurus.

hoa-thach1.png
Loài khủng long ăn thực vật bốn chân thuộc chi Scelidosaurus
hoa-thach2.png
Loài khủng long chân thú ăn thịt Sarcosaurus

“Hóa thạch khủng long mà Roger Byrne tìm thấy có lẽ là hai con khủng long đã bị cuốn ra biển và chìm xuống đại dương ở kỷ Jura. Khám phá này tiết lộ phần nào cuộc sống của những con khủng long đã lang thang hàng triệu năm trước”, Simms nhận định.

Việc tìm thấy thêm một hóa thạch Scelidosaurus trong địa tầng biển đã củng cố giả thuyết cho rằng chi khủng long bọc thép này là động vật sống gần đại dương, thậm chí có thể ăn rong biển như cự đà ngày nay.

Bảo tàng Ulster có kế hoạch trưng bày hai mẫu vật khủng long đầu tiên ở Ireland cho công chúng tham quan ngay sau khi lệnh giãn cách xã hội để phòng ngừa COVID-19 được dỡ bỏ.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài cuối: Festival là cơ hội để hạt muối vươn xa
Theo kế hoạch, Festival muối 2025 sẽ được tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào tháng 3.2025. Đây là sự kiện quy mô lớn, tạo tiền đề, cơ hội thuận lợi để kết nối, mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối, từ đó góp phần nâng cao giá trị hạt muối, giúp bà con diêm dân vươn lên làm giàu từ nghề lâu đời này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát hiện hai hóa thạch khủng long đầu tiên ở Ireland