Nguồn tin của Reuters cho biết hacker Triều Tiên bị nghi cố gắng đột nhập vào hệ thống của AstraZeneca trong những tuần gần đây khi hãng dược Anh chạy đua để triển khai vắc xin ngừa COVID-19.

Hacker Triều Tiên bị tố tấn công nhà sản xuất vắc xin COVID-19 hàng đầu thế giới, đổ vấy cho Nga

Nhân Hoàng | 27/11/2020, 20:00

Nguồn tin của Reuters cho biết hacker Triều Tiên bị nghi cố gắng đột nhập vào hệ thống của AstraZeneca trong những tuần gần đây khi hãng dược Anh chạy đua để triển khai vắc xin ngừa COVID-19.

Các hacker đóng giả là nhà tuyển dụng trên trang mạng LinkedIn và WhatsApp để tiếp cận nhân viên AstraZeneca với lời mời làm việc giả mạo, các nguồn tin cho biết. Sau đó, chúng gửi các tài liệu mô tả công việc có chứa mã độc hại được thiết kế để truy cập vào máy tính của nạn nhân.

Các nỗ lực tấn công nhằm vào một nhóm người, bao gồm các nhân viên làm việc trong nghiên cứu COVID-19, được cho không thành công.

Phái bộ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc tại Geneva không bình luận về chuyện này. Bình Nhưỡng trước đó đã phủ nhận việc thực hiện các cuộc tấn công mạng.

Triều Tiên không có đường dây liên lạc trực tiếp với các phương tiện truyền thông nước ngoài.

AstraZeneca, một trong ba nhà phát triển vắc xin COVID-19 hàng đầu thế giới, từ chối bình luận về chuyện trên.

Các nguồn tin giấu tên cho biết các công cụ và kỹ thuật được sử dụng trong cuộc tấn công cho thấy đó là một phần của chiến dịch hack đang diễn ra mà quan chức Mỹ và nhà nghiên cứu an ninh mạng gán cho Triều Tiên.

Chiến dịch trước đây tập trung vào các công ty quốc phòng và tổ chức truyền thông nhưng nay hướng sang các mục tiêu liên quan đến COVID-19 những tuần gần đây, theo ba nhà điều tra.

Các cuộc tấn công mạng nhằm vào các cơ quan y tế, nhà khoa học nghiên cứu vắc xin và hãng dược đã tăng vọt trong đại dịch COVID-19 khi các nhóm hacker được nhà nước hậu thuẫn tranh giành để có được nghiên cứu và thông tin mới nhất về đợt bùng phát.

Các quan chức phương Tây cho biết bất kỳ thông tin bị đánh cắp nào đều có thể được bán kiếm lời, được sử dụng để tống tiền các nạn nhân hoặc mang lại cho các chính phủ nước ngoài lợi thế chiến lược quý giá khi họ chiến đấu để ngăn chặn căn bệnh đã giết chết hơn 1,4 triệu người toàn cầu.

Microsoft nói trong tháng này đã chứng kiến ​​hai nhóm hacker Triều Tiên nhắm mục tiêu vào các nhà phát triển vắc xin ở nhiều quốc gia, gồm cả bằng cách “gửi tin nhắn với mô tả công việc bịa đặt”. Microsoft không nêu tên bất kỳ tổ chức nào bị nhắm làm mục tiêu.

Hôm 26.11, các nhà lập pháp Hàn Quốc cho biết cơ quan tình báo của nước này đã làm hỏng một số nỗ lực này.

Một số tài khoản được sử dụng trong các cuộc tấn công vào AstraZeneca đã được đăng ký theo địa chỉ email của Nga trong nỗ lực nhằm đánh lừa các nhà điều tra, một trong những nguồn tin cho biết.

hacker-trieu-tien-bi-to-tan-cong-nha-san-xuat-vac-xin-hang-dau-the-gioi-do-vay-cho-nga.jpg
Hacker Triều Tiên bị tố tấn công AstraZeneca, đăng ký theo địa chỉ email của Nga đánh lừa các nhà điều tra

Trước đó, Reuters đưa tin hacker Iran, Trung Quốc và Nga đã cố gắng đột nhập vào các nhà sản xuất thuốc hàng đầu và thậm chí cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm nay. Thế nhưng, Iran, Trung Quốc và Nga đều bác bỏ các cáo buộc.

Triều Tiên đã bị các công tố viên Mỹ quy trách nhiệm cho một số cuộc tấn công mạng táo bạo và gây tổn hại nhất thế giới, gồm cả vụ hack và rò rỉ email từ Sony Pictures vào năm 2014, vụ trộm 81 triệu USD năm 2016 từ Ngân hàng Trung ương Bangladesh và tung ra mã độc tống tiền Wannacry năm 2017.

Triều Tiên đã mô tả các cáo buộc này là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm bôi nhọ hình ảnh nước họ.

Hôm 23.11, AstraZeneca cho biết vắc xin của họ có thể đạt hiệu quả khoảng 90% trong ngăn ngừa COVID-19 mà không có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào.

Theo dữ liệu từ các thử nghiệm giai đoạn cuối ở Anh và Brazil, vắc xin do AstraZeneca và Đại học Oxford phát triển có hiệu quả 90% trong việc ngăn ngừa COVID-19 khi tiêm nửa liều, sau đó là tiêm một liều đầy đủ cách nhau ít nhất 1 tháng.

Không có ảnh hưởng nghiêm trọng nào do vắc xin COVID-19 này. Vắc xin được dung nạp tốt trên cả hai lần tiêm.

hacker-trieu-tien-bi-to-tan-cong-nha-san-xuat-vac-xin-hang-dau-the-gioi-do-vay-cho-nga1.jpg
Theo WHO,  vắc xin AstraZeneca là loại có triển vọng nhất để ngừa COVID-19

Pascal Soriot, Giám đốc điều hành của Astra, tuyên bố: “Tính hiệu quả và an toàn của vắc xin này xác nhận rằng nó sẽ có hiệu quả cao chống lại COVID-19 và sẽ có tác động tức thì đến tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng này”.

AstraZeneca sẽ có 200 triệu liều vào cuối năm 2020, với 700 triệu liều sẵn sàng trên toàn cầu vào cuối quý 1/2021.

Hiệu quả ngăn ngừa COVID-19 của vắc xin phụ thuộc vào liều lượng và chỉ còn 62% khi tiêm hai liều đầy đủ cách nhau 1 tháng. Thế nhưng, các nhà khoa học nói không nên coi đây là bằng chứng cho thấy nó sẽ kém hiệu quả hơn so với vắc xin của Pfizer và Moderna, có thể ngăn ngừa trên 94% trường hợp theo dữ liệu tạm thời từ các thử nghiệm giai đoạn cuối của họ.

Vắc xin COVID-19 của AstraZeneca có thể được phân phối dễ dàng hơn vì được giữ ở nhiệt độ tủ lạnh, không như vắc xin của Pfizer và Moderna phải được bảo quản đông lạnh. Điều đó sẽ làm cho vắc xin AstraZeneca dễ dàng hơn trong việc vận chuyển và lưu trữ trên toàn cầu, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Anh nằm trong số các quốc gia đã mua trước số lượng lớn vắc xin COVID-19. Các quan chức cho biết thành công của nó giúp cuộc sống bình thường có thể trở lại sớm hơn. Thủ tướng Boris Johnson nói: “Đó là một tin cực kỳ thú vị khi vắc xin Oxford đã chứng tỏ hiệu quả trong các cuộc thử nghiệm”.

Andrew Pollard, Giám đốc của nhóm vắc xin Oxford, nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi vẫn chưa biết liệu loại vi rút này có đột biến khỏi phản ứng miễn dịch hay không”.

Khi được hỏi liệu vắc xin của mình có khả năng bảo vệ lâu dài không, Andrew Pollard đáp: “Chúng tôi nhận được sự lạc quan về phản ứng miễn dịch kéo dài ít nhất một năm, nhưng các thử nghiệm cần thêm thời gian để có thể đưa ra bất kỳ xác nhận nào về độ lâu dài".

Vắc xin AstraZeneca sử dụng một phiên bản sửa đổi của vi rút cảm lạnh thông thường ở loài tinh tinh để đưa ra chỉ thị cho các tế bào nhằm chống lại vi rút mục tiêu, cách tiếp cận khác với công nghệ mới RNA thông tin (mRNA) do Pfizer - BioNTech và Moderna triển khai.

AstraZeneca chuẩn bị ngay lập tức việc đệ trình dữ liệu theo quy định lên các cơ quan có thẩm quyền trên toàn thế giới để được phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin.

AstraZeneca cũng sẽ tìm kiếm danh sách sử dụng khẩn cấp từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để tăng tốc độ khả dụng ở các nước thu nhập thấp, song song đó phân tích đầy đủ các kết quả tạm thời đang được đệ trình để xuất bản trên một tạp chí được bình duyệt.

WHO từng đánh giá vắc xin AstraZeneca đang phát triển với Đại học Oxford là loại có triển vọng nhất để ngừa COVID-19.

Trước AstraZeneca, Pfizer (Mỹ) - BioNTech (Đức) và Moderna (Mỹ) công bố vắc xin của họ có hiệu quả lần lượt là 95% và 94,5%.

Bài liên quan
Sếp Microsoft nói hacker Triều Tiên vô lương tâm khi cố trộm bí mật vắc xin COVID-19
Microsoft cảnh báo rằng hacker Triều Tiêu đã nhắm mục tiêu vào các nhóm nghiên cứu COVID-19 trong nỗ lực lấy cắp thông tin về vắc xin và các phương pháp điều trị tiềm năng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
19 phút trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hacker Triều Tiên bị tố tấn công nhà sản xuất vắc xin COVID-19 hàng đầu thế giới, đổ vấy cho Nga