Thủ tướng khẳng định Chính phủ cam kết sẽ bảo hộ cao nhất quyền sở hữu trí tuệ, sáng kiến, ý tưởng khởi nghiệp của các startup và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tại Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp 2020 diễn ra chiều 27.11 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trên bảng xếp hạng các thương hiệu khởi nghiệp toàn cầu có nhiều cái tên đến từ Việt Nam như CốcCốc, VNTrip, HelloBacsi… Tuy nhiên, số lượng vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng, quy mô dân số gần 100 triệu người và Thủ tướng tin rằng mục tiêu của khởi nghiệp không chỉ thuần túy là con đường kiếm tiền, tạo dựng sự nghiệp mà còn là một triết lý sống, khẳng định mình, thử thách bản thân, kiểm tra giới hạn tiềm tàng của chúng ta.
Chia sẻ thêm về cụm từ khởi nghiệp sáng tạo, Thủ tướng cho biết, nội hàm của từ khóa này rất sâu sắc, trong đó chúng ta xem sự sáng tạo là một thứ tài nguyên mới. Nhân loại không còn nhiều tài nguyên tự nhiên để khai thác và Việt Nam cũng vậy nhưng chúng ta lại có thứ tài nguyên vô tận, đó chính là sự sáng tạo của 100 triệu người dân Việt Nam, cả người Việt Nam ở nước ngoài. Người Việt Nam có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự sáng tạo, Thủ tướng tin nếu có đủ những dưỡng chất tốt sẽ tạo ra những con người xuất sắc cho đất nước. Chúng ta hãy cùng ươm mầm ước mơ và hiện thực hóa khát vọng khởi nghiệp sáng tạo không giới hạn của mình.
“Tôi xin nhắc lại một câu hỏi dường như rất quen thuộc với các bạn trẻ: Các bạn có sợ thất bại khi khởi nghiệp không? Tôi tin có những bạn trả lời là có. Đó cũng là lẽ tự nhiên. Chúng ta hiểu rằng, hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một sự trải nghiệm mạo hiểm thú vị, đó là quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và khám phá khả năng của bản thân. Ở Thung lũng Silicon, người ta nói: Bạn sẽ không thành công nếu chưa bao giờ thất bại. Bạn sẽ học được nhiều điều từ thất bại. Ông bà ta cũng đã nói 'thất bại là mẹ thành công'. Các bạn đã sẵn sàng chấp nhận 'thử và sai' chưa? Tất cả chúng ta hãy hun đúc tinh thần khởi nghiệp không sợ hãi. Có vấp ngã thì đứng dậy đi tiếp, không nản chí, có công mài sắt, có ngày nên kim”, Thủ tướng phát biểu.
Thế hệ trẻ ngày nay đang kế thừa và bộc lộ rất rõ những phẩm chất cần mẫn, thông minh và sáng tạo, cùng với lợi thế về khả năng thích ứng nhanh trước sự năng động trong môi trường kinh doanh và tiến bộ công nghệ. Các bạn trẻ đã nhìn nhận được trách nhiệm của mình trước những thách thức trong việc tạo lập lợi thế cạnh tranh mới mà đất nước đang còn nhiều hạn chế như chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo.... Những phẩm chất này của thanh niên Việt Nam chính là thế mạnh, là tiềm năng và nguồn lực quan trọng góp phần đưa đất nước tiến bộ, tự tin vững bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
“Qua thời gian theo dõi và lắng nghe các ý kiến hôm nay, tôi thấy hoạt động khởi nghiệp của thanh niên có nhiều khởi sắc nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Đó là nhiều ý tưởng, kết quả từ các cuộc thi khởi nghiệp chưa được quan tâm, triển khai trong thực tiễn. Một số ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp còn mang tính phong trào, chạy theo số lượng mà chưa chú trọng thích đáng đến chất lượng, thiếu sự gắn kết giữa ý tưởng với doanh nghiệp.
Chúng ta chưa có được hệ sinh thái khởi nghiệp tương đối hoàn chỉnh để thúc đẩy, nuôi dưỡng khởi nghiệp, lập nghiệp; các bạn trẻ vẫn tự loay hoay, tự thân vận động; dẫn đến khó khăn vướng mắc về vốn; thiếu kiến thức, kinh nghiệm về kỹ năng quản trị - điều hành; thiếu nguồn động viên, hỗ trợ kịp thời mỗi khi có thất bại, có gian nan…", Thủ tướng chia sẻ thêm.
Thông qua diễn đàn, Thủ tướng khẳng định Chính phủ cam kết sẽ bảo hộ cao nhất quyền sở hữu trí tuệ, sáng kiến, ý tưởng khởi nghiệp của các bạn vì đây là tài sản vô cùng lớn, thậm chí là vô giá hoặc duy nhất của các bạn. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương xem việc hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình.
Bên cạnh đó là việc xem xét kỹ từng kiến nghị và đề xuất các phương án xử lý phù hợp. Các bộ, các địa phương thường xuyên đối thoại, chủ động thiết lập các kênh chia sẻ thông tin, cung cấp các định hướng, quy hoạch cho doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận.
Doanh nghiệp cần chủ động đổi mới
Trước đó, phát biểu khai mạc Techfest Vietnam 2020, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt cho biết trong năm 2020 vừa qua, thị trường tại Việt Nam được đánh giá là một điểm đến an toàn được các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư lựa chọn hướng đến trong thời gian tới. Đặc biệt, Việt Nam vừa tham gia ký kết sau 8 năm đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA có quy mô lớn nhất thế giới giữa ASEAN và 5 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam khi muốn bước ra thị trường quốc tế.
Theo Bộ trưởng, trong giai đoạn vừa qua, từng bước, chúng ta đã hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Hành lang pháp lý đã dần được hoàn thiện, gần đây nhất là sự thay đổi về triết lý tiếp cận của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2020, hướng tới tạo điều kiện hơn nữa, khuyến khích hơn nữa các nguồn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Đặc biệt, sự lan tỏa, tác động từ Đề án 844 ngày càng rõ nét và cộng hưởng, với 53 tỉnh, thành phố cùng triển khai các hoạt động, cùng với sự tham gia đồng hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Bộ TT-TT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Hội Phụ nữ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam... Đây là nền tảng rất vững chắc để phát triển mạng lưới kết nối quốc gia.
“Để thích ứng và chuyển đổi bứt phá, chúng ta cần cùng nhau chung tay hợp tác, đổi mới sáng tạo từ cách làm đến tư duy, phát triển nguồn nhân lực và tạo ra môi trường cạnh tranh phù hợp. Lấy các doanh nghiệp khởi nghiệp làm trung tâm của sự phát triển, nhưng chính bản thân các doanh nghiệp khởi nghiệp cần có sự chủ động trong việc đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo ra nhiều giá trị hơn nữa”, Bộ trưởng Bộ KH-CN nhấn mạnh.
Việt Nam hiện có 2 doanh nghiệp khởi nghiệp “kỳ lân” (định giá trên 1 tỉ USD) là Công ty Cổ phần VNG (Vinagame), VNP và khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp có định giá trên 100 triệu USD. Bộ trưởng Bộ KH-CN kỳ vọng đến năm 2025, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam có nhiều “kỳ lân” hơn nữa.